Giá vàng hôm nay (29/5): Đồng loạt tăng
(PetroTimes) - Giá vàng thế giới hôm nay (29/5) tăng trong bối cảnh đồng USD suy yếu, trong khi các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ vào cuối tuần này để phán đoán thời điểm Fed cắt giảm lãi suất. Tại thị trường trong nước, giá vàng đồng loạt tăng mạnh ở cả chiều mua và bán.
Ảnh minh họa |
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 29/5, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2357,19 USD/ounce, tăng 5,58 USD so với cùng thời điểm ngày 28/5.
Quy theo giá USD ngân hàng, chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới giao ngay có giá 68,65 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 20,25 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC trong nước.
Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2369 USD/ounce, tăng 1,7 USD trong phiên và tăng 5,5 USD so với cùng thời điểm ngày 28/5.
Giá vàng thế giới hôm nay (29/5) tăng trong bối cảnh đồng USD suy yếu, trong khi các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ vào cuối tuần này để phán đoán thời điểm Fed cắt giảm lãi suất.
Chỉ số US Dollar Index giảm 0,1% xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tuần đã khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) của Mỹ được công bố vào thứ Sáu (31/5). Chỉ số này được coi thước đo lạm phát chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Các cuộc xung đột quân sự diễn ra ở Trung Đông và chiến tranh Nga-Ukraine đang tiếp tục gây ra bất ổn địa chính trị, củng cố sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Bob Yawger của ngân hàng Mizuho cho biết, theo một số nguồn tin, một thành viên cơ quan an ninh Ai Cập đã thiệt mạng trong cuộc đọ súng với lực lượng Israel.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tăng đều đặn lượng vàng nắm giữ trong hai năm qua, trong đó ngân hàng trung ương Trung Quốc là một trong những bên mua tích cực nhất.
Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc cũng là chất xúc tác chính cho sự tăng giá gần đây của vàng. Theo UBS, yếu tố quan trọng thúc đẩy giá vàng tăng vọt là nhu cầu vàng của Trung Quốc tăng mạnh, đặc biệt rõ ràng trong quý đầu tiên của năm 2024. Nhu cầu từ Trung Quốc đã góp phần đáng kể vào quỹ đạo đi lên của giá vàng và dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ giá trong thời gian tới.
Chuyên gia phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết, nhu cầu vàng từ châu Á đang tăng cao. Giới đầu tư sẵn sàng chi tiền để mua vàng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro kinh tế và địa chính trị.
Hội đồng Hội nghị Mỹ cho biết Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của họ đã tăng lên 102 trong tháng 5, tăng mạnh so với mức sửa đổi của tháng 4 là 97,5.
Ngay cả khi sự lạc quan của người tiêu dùng ngày càng tăng, giá vàng vẫn đứng vững. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn lo ngại về khả năng nền kinh tế sẽ suy thoái vào cuối năm nay.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 29/5, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 88,9-90,9 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 1.000.000 đồng ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 28/5.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 88,4-90 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 700.000 đồng ở chiều mua và giữ nguyên ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 28/5.
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 88,45-89,6 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 550.000 đồng ở chiều mua và tăng 400.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 28/5.
Minh Đức