Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tái cơ cấu ngành Công Thương
(PetroTimes) - Ngày 19/5/2024, tại trụ sở của Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị khoa học "Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương".
Hội nghị là dịp biểu dương và ghi nhận những kết quả hoạt động KH&CN trong giai đoạn vừa qua và xác định những ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới, đóng góp vào mục tiêu phát triển chung của ngành Công Thương và kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
Tham dự hội nghị, có Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo của 21 viện nghiên cứu và 9 trường đại học trực thuộc Bộ và cũng lãnh đạo các đơn vị trong Bộ. Ngoài ra còn có các cơ quan, đơn vị thông tấn trong và ngoài Bộ đến đưa tin.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu, giao nhiệm vụ tại hội nghị. |
Trong phần đầu, hội nghị đã nghe báo cáo của các đơn vị về những kết quả KH&CN nổi bật trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể, trong lĩnh vực cơ khí, Viện nghiên cứu cơ khí cho biết đã làm chủ công tác tính toán, thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động trong các nhà máy công nghiệp; có đủ năng lực trở thành tổng thầu của nhiều công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như khai thác và chế biến khoáng sản, thuỷ điện, nhiệt điện, năng lượng mới, sản xuất vật liệu xây dựng…
Viện Công nghệ thực phẩm hiện đang duy trì bảo tồn gen vi sinh vật với trên 1.500 chủng vi nấm, nấm men, vi khuẩn, plasmid phục vụ sản xuất và phát triển công nghệ; và đưa nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong khai thác, tách chiết dầu, hương liệu và các chất có hoạt tính sinh học từ nguyên liệu trong nước vào thực tiễn…
Trong lĩnh vực dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam đang tập trung xây dựng hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam, nghiên cứu phát triển các sản phẩm số ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa hoạt động của ngành năng lượng Việt Nam.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội nghị. |
Đối với công tác nghiên cứu khoa học trong khối Trường, nổi bật Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh trong năm 2022-2023 đã thực hiện 01 dự án quốc tế, 05 đề tài cấp Bộ, 12 đề tài cấp Tỉnh/Thành phố, 43 đề tài cấp Trường dành cho giảng viên, trong đó các đề tài khối ngành kỹ thuật chiếm ưu thế do đặc thù ngành đào tạo truyền thống và thế mạnh của Trường.
Trong lĩnh vực tham mưu chính sách, trong giai đoạn vừa qua, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương đã tham mưu xây dựng gần 30 chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại, trên 100 quy hoạch tổng thể phát triển ngành, hơn 200 quy hoạch phát triển của địa phương, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển ngành.
Đánh giá chung, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn từ những vướng mắc trong các quy định hiện hành và bối cảnh triển khai, đặc biệt đối với các nhiệm vụ có tính ứng dụng, gắn với doanh nghiệp, tuy nhiên, công tác KH&CN trong ngành Công Thương vẫn ghi nhận những kết quả tích cực. Trong năm 2022-2023, đã có 130 đơn vị trong và ngoài Bộ (riêng khối các viện nghiên cứu, trường đại học chiếm 40%) tham gia triển khai thực hiện các đề tài, dự án KH&CN thuộc các Chương trình KH&N cấp quốc gia và cấp Bộ do Bộ Công Thương quản lý.
Báo cáo cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ đã phê duyệt trong Chiến lược KHCN và ĐMST phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030, theo đó, ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, số hóa nhằm tạo sự đột phá về trình độ, năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, ưu tiên, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao…
Toàn cảnh hội nghị. |
Cũng trong hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt ra 05 nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác KH&CN của ngành Công Thương, cụ thể: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, hành động; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý; Tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST ngành Công Thương gắn với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn và xây dựng nền sản xuất độc lập, tự chủ;
Thứ ba, chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng định hướng, chính sách phát triển ngành Công Thương trong tình hình mới; Đẩy mạnh hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể sống động của đổi mới sáng tạo; Tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống các tổ chức KH&CN ngành Công Thương trở thành những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng với sứ mệnh dẫn dắt về mặt công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước; tạo ra các hạt nhân công nghệ cho cuộc cạnh tranh công nghiệp trung và dài hạn; cung cấp công nghệ nền trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi cũng như hỗ trợ R&D cho các doanh nghiệp đầu tư dựa vào công nghệ mới.
Tùng Dương