Cảnh giác với thuốc lá điện tử
Bài 2: Bộ Y tế nói gì?
(PetroTimes) - Trước mắt, Bộ Y tế cho biết đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai...
Bài 1: Thú chơi "chết người"!? |
Một số loại vape được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với giá rất rẻ. |
Có thể thấy rằng thuốc lá điện tử hấp dẫn giới trẻ với hình dáng, mẫu mã và mùi hương đặc biệt. Tuy nhiên, các sản phẩm này đều có chất nicotine là chất gây nghiện, rất có hại cho sức khỏe cả người hút và người xung quanh.
Đây cũng là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotine, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa..., thậm chí rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, rối loạn tâm thần. Một lọ dung dịch nhỏ tinh dầu đó chứa hàm lượng nicotine tương đương ba bao thuốc lá truyền thống. Đặc biệt, trẻ vị thành niên hút thuốc lá sớm có nguy cơ nghiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi và khả năng sinh sản. Trẻ em, phụ nữ có thai hít khói thuốc thụ động sẽ bị ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc chất ma túy trong thuốc lá điện tử là hiện tượng mới xuất hiện, bệnh viện bắt đầu ghi nhận từ năm 2019 đến nay. Người sử dụng loại thuốc lá này hầu hết trẻ, độ tuổi khoảng 20. Các bệnh nhân này khi nhập viện đều có đặc điểm chung là bị sốc, co giật, từ đó ảnh hưởng nặng nề tới hệ thần kinh, tâm thần, tim mạch. "Đây là hiểm họa mới, thách thức xã hội và để lại hậu quả khôn lường cho người sử dụng", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Bản thân dung dịch hút của thuốc lá điện tử đã chứa nicotin và nhiều chất gây hại cho cơ thể. Khi phối trộn thêm các loại chất lạ, chất kích thích, ma túy, thì tổng các thành phần gây hậu quả không thể lường trước được và có thể mang lại những hệ lụy.
Đặc biệt, theo bác sĩ Nguyên, hàng trăm chất cần sa, ma túy tổng hợp được tạo mới, song năng lực xét nghiệm chẩn đoán y tế lại luôn đi sau. Tại các phòng xét nghiệm lớn của TP Hà Nội, năng lực xét nghiệm cũng chỉ xác định được khoảng 180 chất trong thành phần gây độc. Đó là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp sau khi nhập viện, dù có những triệu chứng điển hình của ngộ độc ma túy nhưng kết quả xét nghiệm không thể xác định được đó là loại chất gì. "Điều này gây khó khăn cho công tác điều trị", bác sĩ Nguyên nói và cho rằng đây cũng là thách thức trong việc quản lý, kiểm soát thuốc lá điện tử.
Trước các nguy cơ từ thuốc lá điện tử, người tiêu dùng cần có cách nhìn đầy đủ, chính xác về loại sản phẩm này. Để bảo vệ sức khỏe của người dân, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý cụ thế những cá nhân, tổ chức buôn bán và sử dụng thuốc lá điện tử. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường nên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử để các bạn học sinh, thanh, thiếu niên nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Hàng ngàn vape lậu bị cơ quan công an thu giữ. |
Còn theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước, tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca.
Cụ thể nhóm dưới 16 tuổi nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là 27 người; nhóm từ 16-18 tuổi là 44 người; từ 19-24 là 58 người; từ 25-44 tuổi là 138 người; từ 45-64 tuổi là 580 người nhập viện; từ 65 tuổi trở lên là 580 người. Tất cả số bệnh nhân này bao gồm cả nam và nữ.
Được biết thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới xuất hiện trôi nổi tại Việt Nam (qua nhiều cách khác nhau) trong gần 10 năm trở lại đây. Các loại thuốc lá này có sử dụng nhiều hương liệu, nguyên liệu, hóa chất khác nhau. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Vì vậy, thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) có thành phần nicotin sẽ nhanh chóng gây nghiện và gia tăng số người sử dụng theo thời gian. Khi đó, thuốc lá mới sẽ đe dọa những thành quả bước đầu trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam - một vấn đề đã và đang gây gánh nặng lớn về sức khỏe, kinh tế và cần nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết.
Điều đáng lo ngại là, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt là trong giới trẻ đang có xu hướng tăng.
Cụ thể, theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS) cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3%; sau đó là các nhóm tuổi 25-44 tuổi (3,2%); 45-64 tuổi (1,4%).
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 cũng tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.
Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3% năm 2023.
Theo quan điểm của Bộ Y tế, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá là rất cần thiết để quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới. Trong khi đó, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, các sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt đối tượng học sinh, sinh viên. Do đó, cần phải khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh cho có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khoẻ.
Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật, nhằm bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.
Minh Khang