Cho vay cầm cố chứng khoán: Hậu quả từ buông lỏng quản lý
(Petrotimes) - Nghiệp vụ cho vay cầm cố bằng chứng khoán (giao dịch ký quỹ, vay margin) là một trong những “đòn bẩy tài chính” được ưa chuộng của các nhà đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, sự buông lỏng quản lý trong quá trình thực hiện đang gây rủi ro không nhỏ cho chính các công ty chứng khoán và ngân hàng cho vay.
Thông tư số 74 của Bộ Tài chính (hiệu lực thi hành từ 1/8/2011) đã cho phép nhà đầu tư được thực hiện giao dịch ký quỹ (mua cổ phiếu, trái phiếu có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, đồng thời sử dụng số chứng khoán đó hoặc chứng khoán khác sẵn có trong tài khoản để cầm cố).
Để thực hiện, các công ty chứng khoán liên kết với các ngân hàng để cho các nhà đầu tư vay tiền với tài sản bảo đảm là chứng khoán. Theo tiêu chí này, nhà đầu tư có nhu cầu vay vốn phải sở hữu chứng khoán và chứng khoán đó phải nằm trong danh mục nhận cầm cố của công ty chứng khoán và ngân hàng với một tỷ lệ % nhất định so với giá trị của chứng khoán.
Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư và đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhà đầu tư mua chứng khoán, nhiều công ty chứng khoán và ngân hàng đã buông lỏng khâu thẩm định quyền sở hữu chứng khoán của khách hàng. Nhiều trường hợp vay vốn đã được thực hiện với tài sản cầm cố là chứng khoán “ảo”. Trong các trường hợp này, rủi ro thường rơi về các ngân hàng đã ứng vốn ra cho vay, trong khi việc thu hồi lại vốn vay không hề đơn giản.
Phan Thiên Hậu bị Cơ quan điều tra bắt tạm giam
Mới đây, Công an TP HCM đã khởi tố, bắt tạm giam Phan Thiên Hậu (nguyên Trưởng phòng Môi giới Công ty Cổ phần Chứng khoán Viễn Đông) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, đối tượng khai thủ đoạn sử dụng là nghiên cứu kỹ các quy định của Công ty Chứng khoán Viễn Đông về việc lưu ký chứng khoán, đồng thời dùng quyền hạn của mình với tư cách là trưởng phòng môi giới để thực hiện các công việc lưu ký, cầm cố, đặt lệnh, ứng trước “khống” chứng khoán.
Do đó, mặc dù chứng khoán “ảo”, Hậu đã làm giả hồ sơ như thật để lưu ký 50.000 cổ phiếu ACB vào tài khoản chứng khoán của bạn bè và người thân đã ủy quyền cho Hậu. Ngoài việc trực tiếp ký khống cổ phiếu, Hậu còn chỉ đạo cho nhân viên môi giới giả chữ ký khách hàng làm thủ tục vay tiền theo hình thức “ứng trước tiền bán chứng khoán”. Với thủ đoạn này, Hậu đã sử dụng nhiều tài khoản do người khác ủy quyền để thực hiện việc lưu ký “khống” một số chứng khoán khác, rồi bán lấy tiền để chiếm đoạt hơn 4,4 tỉ đồng.
Điều đáng nói là hành động này đã được thực hiện trót lọt một cách dễ dàng nhờ vào quy trình cho vay cầm cố chứng khoán lỏng lẻo của cả công ty chứng khoán và ngân hàng. Cụ thể là ngân hàng giải ngân chỉ dựa vào xác nhận của công ty chứng khoán mà đã bỏ qua xác nhận sở hữu cổ phiếu của trung tâm lưu ký. Và từ sự lỏng lẻo đó, nhân viên công ty chứng khoán dễ dàng trục lợi.
Hiện ở một số công ty chứng khoán, để thực hiện thủ tục cầm cố chứng khoán để vay vốn, nhà đầu tư chỉ cần truy cập vào phần mềm giao dịch tại công ty chứng khoán, nhập số cổ phiếu cầm cố đang có trong tài khoản và số tiền muốn vay. Thao tác trên chỉ mất khoảng 1 phút và số tiền vay từ cầm cố cổ phiếu (áp theo tỷ lệ giá trị cổ phiếu) được ngân hàng giải ngân vào tài khoản của khách hàng ngay lập tức. Điều đó cũng có nghĩa, công ty chứng khoán và ngân hàng không có động tác nào để thẩm định lại quyền sở hữu số chứng khoán của nhà đầu tư trên trước khi giải ngân. Kẽ hở trong quy trình này sẽ là rủi ro mất vốn khi nhân viên công ty chứng khoán lợi dụng để trục lợi, cầm cố “khống” chứng khoán như vụ Công ty Chứng khoán Viễn Đông nêu ở trên.
Theo bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, hiện có rất nhiều công ty chứng khoán và ngân hàng đang cung cấp “đòn bẩy tài chính” cho nhà đầu tư bằng hình thức như vậy. Bà Hương cho biết, theo nguyên tắc, để thận trọng, cần xác minh quyền sở hữu chứng khoán của nhà đầu tư trước khi chấp thuận cho vay, tức là công ty chứng khoán và ngân hàng phải xin xác nhận tại trung tâm lưu ký, tuy nhiên, nhiều hồ sơ vay vốn với tài sản bảo đảm là chứng khoán được ngân hàng chấp nhận mà không có bước xác minh quyền sở hữu chứng khoán tại trung tâm lưu ký.
Mặc dù biết quy trình thực hiện như vậy là vô cùng rủi ro, tuy nhiên, nhiều công ty chứng khoán và ngân hàng vẫn phải thực hiện. Nguyên nhân chính ở đây chính là vấn đề nhu cầu vay vốn bằng cầm cố chứng khoán của nhà đầu tư thường xuất hiện trong phiên giao dịch, có phát sinh nhu cầu cần giải ngân ngay trong vài phút để kịp mua cổ phiếu niêm yết. Trong khi thời gian để xin xác nhận từ trung tâm lưu ký chứng khoán cũng phải mất vài ngày, nếu thực hiện đúng trình tự như vậy sẽ làm mất cơ hội của nhà đầu tư và công ty chứng khoán, ngân hàng sẽ mất dần khách hàng và mất một khoản lợi nhuận đáng kể.
Đại diện một công ty chứng khoán cho biết: Khi nhà đầu tư cảm thấy giá cổ phiếu muốn mua đang ở mức hợp lý, trong khi tiền mặt không sẵn trong tài khoản, họ muốn ngay lập tức được cầm cố số cổ phiếu có trong tài khoản để được vay tiền mua cổ phiếu. Nếu bắt buộc phải xin xác nhận từ trung tâm lưu ký chứng khoán về quyền sở hữu số cổ phiếu cầm cố, sau vài ba ngày mới có kết quả thì khi đó nhu cầu của khách hàng cũng đã hết, công ty chứng khoán không thể thực hiện được nghiệp vụ cho vay cầm cố.
Hậu quả của việc buông lỏng khâu cầm cố chứng khoán khiến cho nhiều công ty chứng khoán thiệt hại. Như trường hợp Công ty Chứng khoán Viễn Đông, công ty này phải bỏ tiền ra khắc phục hậu quả bằng cách đặt lệnh mua lại số chứng khoán thiếu hụt do đối tượng lưu ký bán khống, trong khi ngân hàng cũng khó thu hồi ngay được số vốn đã cho vay, nguy cơ số tiền này chuyển thành nợ xấu là rất cao. Nếu như thực hiện bước xác minh quyền sở hữu chứng khoán từ trung tâm lưu ký trước khi giải ngân, chắc chắn sẽ xác định số cổ phiếu đem cầm cố là không có thật.
Vì vậy, để hạn chế rủi ro từ việc cầm cố cổ phiếu, nên chăng công ty chứng khoán, ngân hàng và trung tâm lưu ký chứng khoán nên có giải pháp rút ngắn thời gian xác nhận, tăng cường sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử để công tác cầm cố chứng khoán được tiếp tục thực hiện một cách thuận tiện, hiệu quả và an toàn.
Thành Trung