Những giọt nước đong đầy nghĩa tình trong hạn mặn
(PetroTimes) - Những ngày nắng nóng, xâm nhập mặn khiến nguồn nước ngọt sinh hoạt, tưới tiêu khan hiếm. Người dân sống trong khu vực bị xâm nhập mặn phải sống nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân. Từng giọt nước sẻ chia, đong đầy nghĩa tình đã phần nào giúp họ vượt qua cơn khó.
Hạn mặn ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất
Rời TP HCM vào một ngày đầu tháng 5, chúng tôi tìm đến nơi bị ảnh hưởng của hạn mặn ở tỉnh Tiền Giang, cách TP HCM khoảng 70km. Tiến sâu vào khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn mặn - huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), hai bên đường là màu vàng của cỏ úa, đất khô cằn, nứt nẻ.
Hơn 12h trưa, dưới cái nắng nóng gay gắt gần 40 độ, người đàn ông đã ngoài 60 tuổi vừa dắt chiếc xe đạp vừa đưa tay lau vội giọt mồ hôi lăn xuống đôi gò má. Trên chiếc xe đạp cũ là 2 bình nước uống 20 lít - thứ quý giá nhất của ông lúc này. Nhìn thấy chúng tôi đến gần, ông Lê Văn Chừng (63 tuổi, xã Gia Thuận) hồ hởi khoe: “Nước tôi mới đi nhận ở chùa về”.
Đều đặn mỗi ngày, ông Lê Văn Chừng đều đi chở nước ngọt về nhà sử dụng. |
Đưa tay chỉ về phía cánh đồng đối diện, ông Chừng cho biết đó là nhà mình. Để về đến nhà, ông Chừng phải đi đoạn đường hơn 2km, qua con đường nhựa hực nóng, ông Chừng rẽ vào con đường dốc đầy cát bụi mới đến nhà. Nhà ông Chừng nằm cạnh một con kênh và cánh đồng trống, nguồn nước tưới tiêu, tắm giặt lâu nay đều phụ thuộc vào con kênh trước nhà, nhưng thời gian gần đây khô hạn con kênh cũng dần khô cạn.
“Mấy hôm trước nước cạn khô, mấy hôm nay mới có được ít nước nhưng cũng bị nhiễm mặn”, ông Chừng nói.
Dẫn chúng tôi vào căn nhà cấp 4 cạnh kênh nước, ông Chừng cho biết đó là nơi sinh sống của hai vợ chồng ông. Bốn đứa con gái của ông bà đều đã lớn, lập gia đình và ra ở riêng. Bước vào nhà, đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là hai hồ nước lớn được đặt bên hông nhà. Ông Chừng giải thích đó là hồ chứa nước mưa để uống và nấu ăn, ở đây nhà nào cũng có. Vào mùa mưa, người dân khu vực này thường hứng nước mưa để sử dụng dần, nhưng năm nay mưa đến muộn, nắng nóng kéo dài khiến số nước tích trữ không đủ để dùng.
Những bình nước ngọt giúp vợ chồng ông Chừng vượt qua giai đoạn bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. |
Nhìn thấy chồng về, vợ ông Chừng đang nằm trên võng vội đứng dậy phụ chồng hạ bình nước từ xe xuống. “Trời nắng quá, tôi nói ông ấy nghỉ một ngày mai hãy đi nhận tiếp mà ổng không chịu”, vợ ông Chừng nói khi thấy chúng tôi theo sau.
Cách nhà ông Chừng khoảng 2km, căn chòi lá của ông Võ Khắc Thịnh (68 tuổi) nằm giữa cánh đồng khô hạn. Khi chúng tôi đến, ông Thịnh đang ngồi giữa đồng nhổ bỏ những dây dưa gang bị cháy nắng, hư hỏng.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Thịnh cho biết, ông thuê 9.000m2 đất để trồng trọt. Vụ dưa hấu vừa rồi ông thu hoạch vào tháng 2, sau khi trừ hết các khoản chi phí ông lời khoảng 20 triệu đồng. Chưa kịp trồng tiếp vụ mới thì hạn mặn xâm nhập, ông đành phải để đất trống chờ ngày mưa xuống.
“Những dây dưa gang không có nước tưới héo hết rồi phải nhổ bỏ chứ để cũng không sống nổi”, ông Thịnh vừa dọn dẹp vừa nói.
Những giọt nước nghĩa tình
Những ngày thiếu nước, ông Chừng nghe chính quyền địa phương thông báo ở đâu có hỗ trợ là ông lặn lội đến để nhận về dùng. Mặc dù năm nay thiếu nước hơn mọi năm nhưng nguồn nước hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng các mạnh thường quân ở khắp nơi đổ về cũng đủ để người dân sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày.
Ông Võ Khắc Thịnh phải nhổ bỏ đám dưa gang bị héo úa vì thiếu nước. |
Từ sáng sớm, những chuyến xe chở nước từ khắp nơi đổ về huyện Gò Công Đông, khi thì tập trung ở các trường học, lúc thì ở nhà văn hóa thể thao huyện, hay những khu vực thuận tiện để cho người dân đến lấy. Mặc dù “khát” nước, nhưng người dân nơi đây ai cũng thấy vui vì sự sẻ chia, hỗ trợ lúc khó khăn.
Có những người dân địa phương chở nước về để trong những thùng phi trước cửa nhà để ai thiếu thì đến lấy, số khác thì tận dụng thùng, xe của mình đi nhận nước về phân phát cho những người già không có điều kiện đến tận nơi nhận nước.
“Mình còn sức giúp được gì cho ai thì mình giúp. Ngày nào cũng vậy, xe bồn chở nước xuống địa phương là mình xách xe, xách thùng đi chở về để phân phát cho bà con”, anh Tư chia sẻ.
Những bình chứa nước miễn phí cho người dân. |
Theo ông Thịnh, nhờ được khuyến cáo từ trước nên đa phần diện tích lúa trong vùng đều đã thu hoạch nên đảm bảo an toàn trước hạn mặn.
“Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không xuống giống 3 vụ, chỉ trồng 2 vụ lúa nên người dân cũng không bị thiệt hại nhiều. Còn nước sinh hoạt thì được hỗ trợ đầy đủ nên người dân cũng yên tâm”, ông Thịnh chia sẻ.
Nhờ sự hỗ trợ, người dân trong khu vực bị ảnh hưởng của hạn mặn vẫn đảm bảo nước sinh hoạt. |
Để đảm bảo nguồn nước ngọt cho người dân sử dụng, tỉnh Tiền Giang đã mở hơn 60 vòi nước công cộng miễn phí phục vụ nhân dân các địa bàn ven sông, ven biển, ngoài các đê bao ngăn mặn tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông… Việc này nhằm đảm bảo người dân các xã vùng sâu, ngoài đê, ven cửa sông, ven biển, hộ dân sống phân tán thời gian qua chưa có nước từ các trạm cấp nước tập trung có thể đến lấy nước sinh hoạt miễn phí, tránh tình trạng phải mua hoặc đổi nước ngọt để dùng với giá đắt đỏ như những năm trước đây.
Trời dần tối, chúng tôi cũng rời Gò Công Đông quay trở lại TP HCM, nhưng những chuyến xe hỗ trợ nước ngọt bất kể ngày đêm vẫn liên tục đổ về khu hạn mặn. Những giọt nước đông đầy nghĩa tình đã phần nào giúp người dân vượt qua cơn nắng nóng, xâm nhập mặn kéo dài...
Việt Nam đang đối mặt với tình hình hạn hán khốc liệt, nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước nhiều nơi cạn kiệt, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, cây trồng, nước sinh hoạt của người dân tại nhiều địa phương trong đó có tỉnh Cà Mau. Trước tình hình đó, thể hiện trách nhiệm và nghĩa tình của người lao động dầu khí, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) dành tặng cho bà con nhân dân tỉnh Cà Mau 1 tỷ đồng để mua túi trữ nước ngọt hỗ trợ bà con chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng 100 bồn nước với tổng trị giá 100 triệu đồng hỗ trợ bà con nhân dân huyện Trần Văn Thời khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn. |
Xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL khả năng gay gắt hơn mọi năm |
Hạn mặn hoành hành khiến đồng khô cỏ cháy, người dân "khát" nước |
Phương Ngân