Giáo dục Việt Nam: Tụt hậu là phải
(Petrotimes) - Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu của Liệp Hiệp Quốc đã công bố Việt Nam đứng thứ 76 trên 141 quốc gia, nghĩa là thuộc hàng dưới của thế giới. Đã từ lâu chưa có một trường ĐH trong nước nào đứng trong top 500 trường tốt trên thế giới.
Như vậy, có thể hiểu chất lượng đào tạo nước nhà đang “phát triển” như thế nào mặc dù những nghiên cứu, bậc học được đánh giá trên có thể không nhận định một cách cụ thể là toàn bộ hệ thống giáo dục nhưng đó lại là hệ quả của cả nền giáo dục ấy. Với những bất cập, phi lý còn tồn tại hiện nay thì việc giáo dục Việt Nam tụt hạng là chuyện... dễ hiểu. Và những phi lý, bất cập ấy mỗi lần nói đến rất... nực cười, nhất là ở bậc tiểu học.
Bất cập từ chuyện nhỏ...
Hôm vừa rồi đến nhà ông anh trai chơi chứng kiến cảnh đứa cháu trai đang học lớp 4, ngồi còng cả lưng, mặt cắm xuống chiếc khung thêu để ghì chiếc kim một cách vụng về, ngượng nghịu theo nét vẽ trên hình thêu tôi bỗng chột dạ: “Không lẽ, đã chuyển từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, vậy mà chương trình giáo dục này vẫn không thay đổi, vẫn phải học những môn không thể coi là phổ thông. Hình ảnh của cậu học trò lớp 4 kia khác gì chúng tôi của 40 năm về trước”.
Trong hoàn cảnh kinh tế đất nước đã phát triển, không còn cảnh người dân phải mặc quần áo vá chằng vá đụp, thêu thùa cũng không phải là “kinh tế mũi nhọn”.
Học sinh lúc nào cũng phải "gồng mình" gánh chương trình
Do vậy, học thêu có thể khẳng định là vô cùng lãng phí không những về tiền bạc mà cả về thời gian. Hiện nay, học sinh lớp 4 cũng như tiểu học nói chung phải học 2 buổi/ngày mới “gánh” hết được chương trình giáo dục đề ra, thời gian chơi rất ít, ngay cả khi ở nhà. Vì các em phải học bài, làm bài mới theo được chương trình. Nếu khoảng thời gian đó, để cho các em vui chơi, giải trí coi như là thời gian “tái sản xuất sức lao động” thì việc học tập của các em chắc chắn vừa đỡ vất vả hơn vừa mang lại hiệu quả học tập tốt hơn. Hơn nữa, vui chơi cũng là quyền lợi của các em. Và điều đáng nói là môn thêu thùa này, lên lớp 6, học sinh lại học... lại.
Tương tự, môn âm nhạc, được đưa vào chương trình giáo dục tiểu học với mức độ ngày càng cao dần từ đơn thuần là học hát, sau đó đến học nốt nhạc, kẻ khuông nhạc... Như đã giải thích ở trên đã là môn nghệ thuật, hơn nữa hiệu quả học tập phụ thuộc chủ yếu vào năng khiếu thì không thể đưa vào chương trình phổ thông, nhất là ở bậc tiểu học. Bởi tư duy của các em còn non nớt, hạn chế về cả chiều sâu lẫn chiều rộng, không thể nhớ, “cảm” hết được trong khi còn bao nhiêu kiến thức phổ thông cần phải lĩnh hội.
Tôi không phải là người “sính” ngoại nhưng cách phân chia chương trình của một số trường quốc tế mà tôi đã tham khảo, đặc biệt là đối với những môn nghệ thuật học, không bao giờ họ bắt buộc học sinh phải học mà để các em tự chọn theo khả năng, sở thích. Và như vậy mới là đúng, mới là khoa học. Chứ như ta, cái gì cũng bắt học sinh học theo chủ trương giáo dục toàn diện.
Nhưng giáo dục toàn diện nói một cách công bằng dẫn học sinh đến tình trạng: “Cái gì cũng biết mà cuối cùng chẳng biết cái gì”. Nghiêm trọng hơn nữa là khi phải học những môn “quá sức” ấy, thay vì tự làm, tự học, học sinh nhờ cha mẹ học hộ, làm hộ rồi mang đến lớp nộp cho cô coi như đó là kết quả học tập của mình. Giáo viên cũng nghiễm nhiên chấp nhận vì hiểu rõ học sinh không thể làm được như vậy. Vô hình chung như thế là đã dạy cho học sinh biết gian dối trong học tập.
Nhiều giáo viên cũng đã tâm sự: “Giá như những tiết học ấy dành giải lao cho cả thầy lẫn trò thì khả năng sáng tạo trong giảng dạy của thầy cũng tốt hơn bởi có thời gian để “hồi sức”, để suy ngẫm về phương pháp giảng dạy mới, sáng tạo.
... Đến chuyện lớn
Không chỉ ở những môn nghệ thuật, thuộc về năng khiếu mà ngay cả Tiếng Việt, Toán, những môn học phổ thông mang những kiến thức cơ bản cũng có nhiều bất cập cần phải nói đến. Như Tiếng Việt, mới học lớp 3, còn ngô nghê với câu chữ, còn vụng dại với câu văn, vậy mà học sinh đã phải học... viết đơn. Dù có ý kiến cho rằng đó chỉ là loại đơn đơn giản, nhưng việc viết đơn đối với một học sinh lớp 3 rõ ràng là xa vời thực tế.
Vui chơi cũng là quyền của trẻ em
Một vô lý nữa là học sinh lớp 3 thì học viết trọn vẹn một cái đơn hoàn chỉnh, nhưng lên lớp 4 lại học dễ dàng hơn khi chỉ điền vào những mẫu đơn có sẵn. Như vậy là học ngược. Điều cần phải nói nữa là mẫu đơn phải học điền được lấy cụ thể là đơn chuyển tiền ở bưu điện. Điều đó cho thấy, việc xây dựng nội dung bài giảng cực kỳ thiếu thực tế. Bởi một học sinh tiểu học, tiền mặt còn không được phép cầm đến thì làm sao có thể làm cái việc đến bưu điện để chuyển tiền.
Nói đến bất cập ở bậc giáo dục tiểu học cũng không thể không nói đến chuyện học sinh lớp 4 với vốn từ hạn hẹp, đến từ thuần Việt còn chưa hiểu hết ngữ nghĩa vậy mà phải học từ Hán Việt rất khó. Như trong bài: “Một người chính trực” nói về nhân vật lịch sử Tô Hiến Thành ở trang 36, được học vào tuần thứ 4, có rất nhiều từ Hán Việt như: “Di chiếu”; “Phò tá”; “Tham tri chính sự”; “Gián nghị đại phu”...
Dù có phần giải thích nghĩa của từ, nhưng ngay như người lớn không phải người nào cũng hiểu hết huống hồ trẻ con. Thế cho nên mới có chuyện: phụ huynh “dịch” tiếng Việt sang tiếng Việt mà học sinh vẫn không hiểu. Một điểm cần lưu ý nữa là có nhiều tiếng nước ngoài trong chương trình lớp 4. Dẫu đã được phiên âm nhưng với tư duy non nớt của các em không nên và không thể có nhiều tiếng nước ngoài trong bài học như vậy. Các nhà biên soạn có thể “Việt hóa” nội dung những bài tiếng Việt đó để học sinh dễ học, dễ viết, làm cho hiệu quả học tiếng Việt tốt hơn.
Môn toán cũng có nhiều vô lý và những vô lý ấy đã được dư luận nói đến rất nhiều. Cái vô lý nhất ở môn toán là học sinh phải tải lượng kiến thức chồng chất dẫn đến kiến thức này chưa “nhuyễn” đã phải học sang kiến thức khác, làm cho học sinh không thể nhớ nổi, lẫn lộn dạng toán này sang dạng toán kia... Chưa kể có nhiều dạng toán đòi hỏi tư duy lập luận chính xác, phải thạo vẽ sơ đồ...
Tham vọng thái quá
Với một lượng kiến thức “khổng lồ” như vậy bắt học sinh phải nhớ, phải thạo là đòi hỏi quá sức đối với lứa tuổi của các em. Và không chỉ bậc tiểu học mà bậc học nào cũng đầy rẫy sự vô lý, bất cập tương tự vậy. Nguyên nhân của tình trạng này không gì khác là tham vọng thái quá của những nhà giáo dục đối với học sinh, biến học sinh thành những “thần đồng” bất đắc dĩ, làm cho nền giáo dục Việt Nam thay vì phát triển lại đi xuống trầm trọng.
GS. Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lần trả lời báo giới gần đây mặc dù không thừa nhận một cách trực tiếp nhưng việc ông cho rằng, cần phải có một “tổng công trình sư” để thiết kế, xây dựng lại chương trình cũng như sách giáo khoa dưới sự đóng góp của đội ngũ giáo viên giỏi nhất vô hình chung cũng là công nhận chương trình giáo dục hiện tại quá tải, “nặng” đối với học sinh.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là “ý kiến” không biết có thành hiện thực không. Và nếu thành hiện thực mà vẫn còn những nhà giáo dục tham vọng thái quá tham gia xây dựng chương trình, vẫn còn những kiến thức vượt quá tư duy của học sinh thì không những giáo dục nước nhà mà cả sự phát triển của đất nước cũng đi xuống.
Tú Anh