Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng
(PetroTimes) - Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp duy trì liên tục, ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ngày 26/4, Báo Công Thương tổ chức tọa đàm trực tiếp “Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng” nhằm tìm ra giải pháp giúp hoàn thành tiến độ các dự án năng lượng trọng điểm.
Tham dự Tọa đàm có ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo; ông Trần Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương); ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Điện & Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); ông Stuart Livesey, Trưởng đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners tại Việt Nam, Tổng giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn và TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế.
Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm |
Gấp rút hoàn thành dự án điện trọng điểm
Báo cáo tiến độ triển khai các dự án trọng điểm ngành năng lượng, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết: Đầu năm 2024, đã hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện than Vân Phong 1 với công suất 1.432 MW; Dự án Vũng Áng 2 công suất 1.330 MW đã thi công khoảng 85% tổng tiến độ, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2025; Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 công suất 1.624 MW đã hoàn thành khoảng 85%, dự kiến đưa vào vận hành đầu năm 2025; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng trạch 1 đã thi công được khoảng 55%, đang phấn đấu để đưa vào vận hành tổ máy 1 trong năm 2025 và tổ máy 2 năm 2026.
Ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương |
3 dự án thủy điện mở rộng gồm: Thủy điện Ialy mở rộng (2x180 MW) đang thi công, tiến độ bám sát kế hoạch đưa vào vận hành trong năm 2024; Thủy điện Hòa Bình mở rộng (2x 240 MW) đang thi công, tiến độ bám sát kế hoạch đưa vào vận hành trong năm 2025; Thủy điệnTrị An mở rộng (200 MW), chủ đầu tư đang lập thiết kế kỹ thuật, dự kiến khởi công trong năm 2024 và vận hành vào 2027.
2 dự án thủy điện tích năng là Bác Ái (1.200 MW), đã thi công xong cụm công trình cửa xả (giai đoạn 1) đảm bảo đồng bộ với tiến độ tích nước hồ chứa Sông Cái thuộc Dự án hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ; thủy điện tích năng Phước Hòa (1.200 MW), dự kiến đưa vào vận hành năm 2029 – 2030. Hiện nay, dự án đang được UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Dự án truyền tải đường dây 500kV mạch 3 đã hoàn thành toàn bộ công tác thẩm định thiết kế các dự án, trên cơ sở đó, chủ đầu tư đã phê duyệt các thiết kế và triển khai công tác đầu tư xây dựng, nhằm đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đóng điện đưa vào vận hành trong tháng 6/2024.
Theo ông Trần Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương), căn cứ Quyết định 270/QĐ-TTg ngày 2/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, trong lĩnh vực Dầu khí và Than có 11 dự án bao gồm: Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn; Chuỗi dự án khí điện Cá Voi Xanh; Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Chuỗi dự án khí điện LNG Thị Vải; Chuỗi dự án khí điện LNG Sơn Mỹ và 6 dự án kho LNG và Nhà máy điện sử dụng khí LNG làm nhiên liệu (Kho LNG và Nhà máy điện LNG Quảng Ninh, Kho LNG và Nhà máy điện LNG Thái Bình, kho LNG và Nhà máy điện LNG Bạc Liêu, kho LNG và Nhà máy điện LNG Cà Ná, kho LNG và Nhà máy điện LNG Hải Lăng, kho LNG và Nhà máy điện LNG Nghi Sơn).
Ông Trần Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than, Bộ Công Thương |
Dự án phát triển mỏ khí Lô B (thượng nguồn), hiện các nhà đầu tư đã có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối tháng 3/2024, đang tích cực triển khai công tác thiết kế của hợp đồng EPCI. Các dự án đường ống dẫn khí Lô B và Nhà máy điện sử dụng khí lô B đặt tại trung tâm điện lực Ô Môn cũng đang được triển khai đồng bộ với tiến độ của dự án thượng nguồn.
Chuỗi dự án khí điện Cá Voi Xanh đang hoàn thiện kế hoạch phát triển mỏ (tương tự như lập báo cáo nghiên cứu khả thi) của dự án phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh để trình cấp thẩm quyền phê duyêt. Các nhà máy điện sử dụng khí Cá Voi Xanh đang hoàn thiện FS để trình cấp thẩm quyền phê duyệt đảm bảo đồng bộ với tiến độ của dự án thượng nguồn.
Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đã hoàn thiện và phê duyệt FS trong tháng 4/2024. Hiện chủ đầu tư đang lập thiết kế FEED để tiến hành đấu thầu EPC.
Dự án kho cảng LNG Thị Vải giai đoạn 1 (công suất 1 triệu tấn/năm) đã khánh thành tháng 10 năm 2023. Hiện nay chủ đầu tư (PVGAS) đang lập FS cho dự án kho LNG Thị Vải mở rộng (công suất 3 triệu tấn/năm). Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 (sử dụng khí LNG của kho cảng Thị Vải) hiện nay đang thi công, tiến độ tổng thể đạt hơn 80%. Dự kiến cuối năm 2024 Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 đi vào hoạt động, giữa năm 2025 Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 4 đi vào hoạt động.
Các dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ, Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I và Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện chủ đầu tư các dự án này đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS). Đối với 6 dự án kho LNG và Nhà máy điện sử dụng khí LNG, các dự án này đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư (phê duyệt FS, tổ chức đấu thầu EPC…).
Tại tọa đàm, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã chia sẻ các nội dung liên quan tới tiến độ đầu tư, xây dựng của một số dự án trọng điểm về năng lượng thuộc danh mục các dự án nguồn và lưới điện ưu tiên đầu tư tại Quy hoạch điện VIII.
Ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) |
Ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết hiện tại EVN đang triển khai 8 dự án nguồn điện với tổng công suất khoảng 6.600 MW. Trong đó, 3 dự án đang thực hiện đầu tư xây dựng, 3 dự án đang tích cực chuẩn bị công tác đầu tư xây dựng, 2 dự án đã hoàn thành lập dự án đầu tư nhưng chưa xác định được tiến độ triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thành do chưa xác định được thời điểm cấp khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh.
EVN và các đơn vị cũng đang triển khai hàng trăm các dự án đường dây và TBA truyền tải (tính từ cấp điện áp 220 kV trở lên)… Hầu hết các dự án này đều có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho việc phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Điện & Năng lượng tái tạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), thời gian qua, PVN đã tích cực và quyết liệt đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển, đưa nhiều dự án vào vận hành và triển khai đầu tư, giải quyết dứt điểm các dự án khó khăn, vướng mắc của một số dự án tồn tại kéo dài, trong đó đã đưa vào vận hành Nhà máy điện Thái Bình 2; ký kết các hợp đồng EPC dự án phát triển mỏ thuộc Chuỗi dự án khí-điện Lô B sau quá trình chuẩn bị nhiều năm; khánh thành và đưa vào vận hành Kho cảng LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải là kho cảng đầu tiên của Việt Nam...
Nhiều khó khăn, thách thức
Theo ông Trần Thanh Tùng, một số các dự án trọng điểm đang được quan tâm thúc đẩy tiến độ. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án công trình, dự án năng lượng trọng điểm lĩnh vực dầu khí đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể, các dự án đều triển khai theo dạng chuỗi dự án với các chủ đầu tư khác nhau của các dự án thành phần do đó đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình triển khai chuỗi dự án là một thách thức không nhỏ.
Bên cạnh đó, quy mô vốn của các dự án thường rất lớn, phải sử dụng nguồn vốn vay thương mại của nước ngoài, trong bối cảnh các định chế tài chính trên thế giới đang cắt giảm hoặc đòi hỏi các điều kiện vay ngặt nghèo hơn đối với các dự án có sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, tạo ra áp lực lớn đối với việc thu xếp vốn cho các dự án này. Thêm khó khăn nữa là chưa có cơ chế thực sự hấp dẫn để thúc đẩy quá trình đầu tư các dự án (đặc biệt đối với các dự án điện sử dụng khí LNG nhập khẩu).
“Thực hiện lộ trình giảm phát thải khí CO2 nên nhiều Tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới đang điều chỉnh lại chiến lược đầu tư trên toàn cầu, trong đó không ưu tiên triển khai các dự án có lượng phát thải CO2 lớn, điều này tác động đến tiến độ triển khai các dự án năng lượng tại Việt Nam (Dự án Cá Voi Xanh)”, ông Tùng nói.
ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Điện & Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) |
Theo ông Đoàn Ngọc Dương, các dự án nhiệt điện thường là các dự án có quy mô, vốn đầu tư lớn và thời gian thực hiện dài. Nên với các dự án chưa triển khai, khó khăn lớn nhất của các chủ đầu tư dự án hiện nay là vấn đề thu xếp vốn cho dự án do phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài có yêu cầu bảo đảm, bảo lãnh từ chính phủ để tránh rủi ro khi cho vay để thực hiện dự án. Ngoài ra, việc yêu cầu bảo đảm, bảo lãnh của các tổ chức tín dụng, ngân hàng (như cam kết bao tiêu điện, bao tiêu khí, chuyển ngang giá khí sang giá điện, bảo lãnh việc thanh toán của EVN, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ…) chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Tương tự, các dự án thủy điện cũng gặp phải những khó khăn liên quan đến đánh giá tính khả thi và hiệu quả đầu tư dự án thủy điện ở giai đoạn quy hoạch; yếu tố đặc thù về tổ chức xây dựng thủy điện có ảnh hưởng đến tiến độ thi công…
Ngoài những khó khăn chung nêu trên, với thủy điện tích năng và mở rộng các dự án thủy điện hiện hữu còn có khó khăn, vướng mắc riêng về cơ chế giá để phát triển 2 loại hình nguồn này. Hiện nay, EVN là doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ đảm đảm cung cấp đủ điện để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, Nhà nước phải bỏ ra nguồn lực lớn để đầu tư mở rộng một số nhà máy thủy điện hiện hữu có vai trò quan trọng trong hệ thống điện và thủy điện tích năng nhằm đảm bảo điều tiết cho hệ thống điện. Nhưng nếu xét riêng về mặt tài chính một cách độc lập khi đầu tư các loại nguồn này là chưa cao, chưa thu hút được các nhà đầu tư ngoài Nhà nước tham gia.
“Từ các khó khăn, thách thức nêu trên có thể dẫn đến thiếu hụt công suất nguồn để đưa vào vận hành đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt”, ông Tùng cho biết.
Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm ngành năng lượng
Ông Trần Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, Vụ Dầu khí và Than đã tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể để tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai dự án năng lượng trọng điểm.
Ông Stuart Livesey, Trưởng đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners tại Việt Nam, Tổng giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn |
Cụ thể, trong vai trò là cơ quan giúp việc, Vụ Dầu khí và Than đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của chuỗi dự án khí điện Lô B, trong đó xem xét, thẩm định để trình cấp thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ (FDP) của dự án Phát triển mỏ khí Lô B, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các Nhà máy điện sử dụng khí Lô B, hướng dẫn cơ chế bao tiêu sản lượng khí Lô B, đàm phán thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài từ bỏ yêu cầu Thỏa thuận cam kết và bảo lãnh của Chính phủ (GGU).
Đối với dự án Cá Voi Xanh, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo PVN và Tập đoàn ExxonMobil khẩn trương hoàn thành kế hoạch phát triển mỏ để trình cấp thẩm quyền phê duyệt; tham mưu cho lãnh đạo Bộ thông qua các kênh ngoại giao để thuyết phục ExxonMobil ưu tiên triển khai dự án trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, hoàn thành công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, thiết kế FEED, kiểm tra công tác nghiệm thu để đưa vào hoạt động dự án kho cảng LNG Thị Vải.
Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành |
Theo ông Đoàn Ngọc Dương, để triển khai thực hiện các dự án điện lớn, có vai trò quan trọng trong đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng diểm ngành năng lượng tại Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 22/11/2023 và ban hành danh mục các trương trình, công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng diểm ngành năng lượng tại Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 02/4/2024 thuộc phạm vi chỉ đạo của Ban chỉ đạo nhà nước. Ban Chỉ đạo đã thường xuyên họp để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của dự án.
“Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư thực hiện và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của dự án cũng như đôn đốc, phối hợp với các tỉnh để thực hiện lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện LNG trong quy hoạch. Đã tổ chức nhiều cuộc họp với các chuyên gia, các cơ quan có liên quan để xem xét các kiến nghị, vướng mắc của nhà đầu tư và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo giải quyết”, ông Dương nhấn mạnh.
TS Võ Trí Thành: Tiến độ thực hiện các dự án năng lượng trọng điểm đang chịu nhiều áp lực TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đang rất nỗ lực triển khai và cố gắng đảm bảo tiến độ của các dự án năng lượng trọng điểm. Theo TS. Thành, ngành năng lượng Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức trong đó có vấn đề về thời gian. Bởi hiện nay, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định trong nhiều năm qua, trung bình từ 6,5%/năm, vì vậy nhu cầu điện năng cũng tăng theo từng năm, khoảng 10%/năm. Cùng đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt được Net Zero vào năm 2050. TS. Thành cho rằng, trước hết việc triển khai các quy hoạch, các dự án trọng điểm về năng lượng cần phải “vừa làm vừa chạy”. Chúng ta không thể chờ để có một khung pháp lý, một cơ chế hoàn hảo rồi mới đi vào thực hiện, nếu vẫn muốn đảm bảo đúng tiến độ của các dự án. Thứ hai, cần sự đồng bộ, đồng lòng từ Chính phủ, từ các bộ, ngành, các địa phương đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng. Thứ ba, là về nguồn vốn thực hiện. |
Ông Stuart Livesey: Nhà đầu tư nước ngoài mong muốn chính sách rõ ràng, minh bạch và cơ chế khuyến khích phù hợp Với kinh nghiệm triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới, chúng tôi mong muốn Chính phủ đưa ra chính sách rõ ràng, minh bạch và các cơ chế khuyến khích phù hợp, để các nhà đầu tư có thể yên tâm thực hiện các cam kết lâu dài trong các dự án năng lượng trị giá hàng tỷ USD. Một số chính sách mà chúng tôi cho rằng rất hữu ích cho thị trường trong thời điểm này bao gồm: Thứ nhất, trao cho doanh nghiệp nhà nước cùng các nhà đầu tư quốc tế có năng lực, kinh nghiệm được triển khai các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm thông qua cơ chế phát triển nhanh. Thứ hai, thiết lập lộ trình tiếp cận thị trường rõ ràng cho các nhà đầu tư, bao gồm các quy trình, thủ tục chi tiết kèm thời gian phê duyệt nhằm đảm bảo tiến độ của dự án, bao gồm việc nhà đầu tư cần cung cấp cho các cơ quan hữu quan những thông tin, văn bản, kế hoạch như thế nào, vào thời điểm nào để được triển khai dự án, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt, đánh giá những thông tin này, và việc phối hợp liên bộ, ngành sẽ được thực thi như thế nào để đảm bảo phản hồi kịp thời cho nhà đầu tư. Thứ ba, điều chỉnh và cung cấp các Hợp đồng mua bán điện phù hợp với đặc thù của dự án điện gió ngoài khơi, qua đó đảm bảo nguồn doanh thu dài hạn, ổn định đồng thời có cơ chế chia sẻ rủi ro cho những dự án có chi phí đầu tư khổng lồ. Cuối cùng, ban hành cơ chế Hợp đồng mua bán điện trực tiếp, trong đó cho phép các đơn vị sản xuất năng lượng sạch được cung cấp điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất có cam kết sử dụng năng lượng tái tạo. |
Duy Anh