Phá "rào cản” tín dụng doanh nghiệp
Mặc dù hệ thống ngân hàng hết sức nỗ lực thúc đẩy tín dụng, song vẫn còn những yếu tố gây cản trở lớn đối với khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Trong quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng có 2 tháng âm và chỉ có 1 tháng dương, với mức tăng trưởng đạt 0,91% tại cuối tháng 3/2024.
Tín dụng còn rào cản
Ngành ngân hàng đặt kỳ vọng quý II/2024, tín dụng hệ thống ngân hàng sẽ tăng thêm 3,8% - tức là một mức đột biến so với quý liền trước, trên cơ sở phục hồi nhu cầu vốn và môi trường kinh doanh với mặt bằng lãi suất thấp lịch sử.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings, mục tiêu răng trưởng tín dụng 15% vẫn sẽ là mức rất cao ở cả năm nay. Ông Minh cho biết tín dụng tăng trưởng chậm, chủ yếu do 4 yếu tố cơ bản:
Thứ nhất, doanh nghiệp nhìn chung vẫn thiếu hụt đơn hàng mới nên ít có nhu cầu vay thêm vốn. Thứ hai, lãi suất chính sách, lãi suất huy động có giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng. Thứ ba, thị trường gặp khó khăn đã làm cho nhu cầu tín dụng của ngành bất động sản bị ảnh hưởng. Thứ tư, các TCTD thận trọng tăng dư nợ trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Theo bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang vay với mức lãi suất phổ biến là 6-7%/năm. Còn với các doanh nghiệp nhỏ, không có tài sản thế chấp thì đang vay với lãi suất 8-8,5%/năm.
Một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) cho thấy có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng.
Ngoài ra, thị trường bất động sản xuống giá (trừ phân khúc căn hộ chung cư) cũng đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp phải khốn đốn lo bù thêm tài sản đảm bảo để đạt giá trị ngân hàng đã nhận thế chấp khoản vay trước đây, khi các tài sản này xuống giá.
“Các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận được nguồn vốn do không bảo đảm yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay”, ông Tống Phước Thanh - Tổng thư ký HUBA, cho biết.
Các ngân hàng có thể linh hoạt và chủ động tư vấn cho doanh nghiệp cách thức để đảm bảo được cấp vốn vay theo hợp đồng, theo doanh thu tương lai. Ảnh: C.T |
Các giải pháp cần thực hiện
Theo quan điểm của HUBA, để các chương trình đẩy mạnh cho vay được hiệu quả, ngân hàng nên xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính cho rằng, sự phục hồi dần của thị trường là một tín hiệu đáng kể để các ngân hàng nếu không tăng được tỷ lệ thế chấp các tài sản đảm bảo khoản vay cho doanh nghiệp, thì nên giữ nguyên không định giá lại và yêu cầu doanh nghiệp bù thêm.
Mặt khác, với khoản vay mới, ngân hàng có thể linh hoạt và chủ động tư vấn cho doanh nghiệp cách thức để đảm bảo được cấp vốn vay theo hợp đồng, theo doanh thu tương lai. Để có được điều đó, doanh nghiệp phải tăng tiếp cận thị trường, tăng đổi mới sản phẩm, xúc tiến thương mại… nhằm có được hợp đồng, đơn hàng cụ thể.
“Cái khó bó cái khôn” là nhiều khi để tăng tiếp cận thị trường, doanh nghiệp cũng cần phải có vốn đảm bảo vận hành. Hiện nay, không hiếm doanh nghiệp có tổng nợ vay rất lớn, hầu hết các khoản chi phí vận hành đều phải kê đề xuất qua ngân hàng chờ phê duyệt được thanh toán từ tài khoản vay để “đi tiền”. Theo đó, doanh nghiệp càng khó thì càng phải sàng lọc ưu tiên cắt giảm các chi phí không cần thiết, chưa thể ra tiền ngay, nhưng đồng thời cũng phải đánh giá sàng lọc để ưu tiên được ngân hàng đi tiền cho các khoản đầu tư ngắn hạn, ra được hợp đồng, khơi được thị trường… Trên cơ sở đó, doanh nghiệp được duyệt cấp những khoản vay lớn hơn trên hợp đồng.
Việc doanh nghiệp bị cạn tài sản để thế chấp và giảm giá trị tài sản bảo đảm, phải tính phương án bù đắp thực tế không chỉ diễn ra với riêng tín dụng ngân hàng mà còn cả trên thị trường vốn nợ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn nhấn mạnh, với sự xuất hiện của những doanh nghiệp có thể huy động vốn không tài sản, nếu có nền tảng kinh doanh tốt, thị trường vốn nợ vẫn là địa chỉ để doanh nghiệp có thể thử sức phát hành.
Nhấn mạnh về các giải pháp tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC cho biết, đối với các dự án, doanh nghiệp “trúng” các lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn TP. HCM, có thể tiếp cận nguồn vốn từ chương trình của HFIC và HUBA. Chương trình cho phép vốn vay tối đa cho mỗi dự án 200 tỷ đồng, ngân sách thành phố hỗ trợ mức 50%, 100% lãi suất cho các dự án tùy lĩnh vực. Thời gian hỗ trợ tối đa là 7 năm. “Tuy điều kiện tiếp cận vốn là chặt chẽ nhưng bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể tìm hiểu thông tin và liên hệ chúng tôi để được tư vấn, nhằm nắm bắt các cơ hội tốt nhất”, đại diện HFIC cho biết.