Châu lục nào đang nóng lên nhanh nhất thế giới?
(PetroTimes) - Châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất và nhiệt độ của lục địa này đang tăng gần gấp đôi mức nhiệt độ trung bình toàn cầu, hai tổ chức giám sát khí hậu hàng đầu báo cáo hôm thứ Hai 22/4, cảnh báo về những hậu quả đối với sức khỏe con người, băng tan và hoạt động kinh tế.
Nga: St. Petersburg ghi nhận nhiệt độ tăng cao kỷ lục |
Christiana Figueres – Nữ tướng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu |
Một người đàn ông tự dội nước vào người trong đợt nắng nóng ở Turin, Ý, ngày 25/8/2023. Ảnh Reuters |
Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc và cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu - Copernicus, cho biết trong một báo cáo chung rằng, lục địa này phải phát triển các chiến lược nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn tái tạo như năng lượng gió, mặt trời và thủy điện để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Các cơ quan này cho biết trong báo cáo Khí hậu châu Âu năm ngoái, lục địa này đã tạo ra 43% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo, tăng từ mức 36% của năm trước. Năng lượng ở châu Âu được tạo ra từ năng lượng tái tạo nhiều hơn từ nhiên liệu hóa thạch trong năm thứ hai liên tiếp.
Báo cáo cho biết, mức nhiệt độ trung bình 5 năm ở châu Âu hiện cao hơn 2,3 độ C (4,1 độ F) so với mức tiền công nghiệp, cao hơn 1,3 độ C nhiệt độ trung bình trên toàn cầu.
Elisabeth Hamdouch, Phó Giám đốc đơn vị của Copernicus tại ban điều hành EU, cho biết: “Châu Âu lại chứng kiến một năm nữa nhiệt độ tăng và các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng - bao gồm nhiệt độ kỷ lục, cháy rừng, sóng nhiệt, mất băng sông băng và ít tuyết rơi”.
Copernicus đã báo cáo rằng tháng 3 đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp có nhiệt độ hằng tháng kỷ lục tại châu Âu. Báo cáo của châu Âu cho biết nhiệt độ trung bình bề mặt nước biển trên khắp châu Âu đạt mức cao nhất hằng năm vào năm 2023.
Báo cáo của châu Âu năm nay tập trung vào tác động của nhiệt độ cao đối với sức khỏe con người, lưu ý rằng số ca tử vong liên quan đến nắng nóng đã gia tăng trên khắp lục địa. Theo báo cáo, hơn 150 người đã thiệt mạng trực tiếp vào năm ngoái liên quan đến bão, lũ lụt và cháy rừng.
Thiệt hại kinh tế liên quan đến thời tiết và khí hậu vào năm 2023 ước tính lên tới hơn 13,4 tỷ euro (khoảng 14,3 tỷ USD).
Giám đốc Copernicus Carlo Buontempo cho biết: “Hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan vào năm 2023, gây ra những tổn thất lớn ở cấp lục địa, ước tính ít nhất là hàng chục tỷ euro”.
Báo cáo cho biết thời tiết khắc nghiệt đã gây ra các đợt nắng nóng, cháy rừng, hạn hán và lũ lụt. Nhiệt độ cao đã góp phần làm mất băng ở sông băng trên lục địa, trong đó dãy Alps - nơi đã mất khoảng 10% lượng băng trong hai năm qua.
Yến Anh