Chung tay cải thiện chất lượng không khí của Thủ đô
(PetroTimes) - Hội thảo “Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội - Hợp tác và Hành động” nhằm công bố kế hoạch cũng như kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan chung tay hợp tác cải thiện chất lượng không khí (CLKK) tại Hà Nội.
Ngày 11/4, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội tổ chức hội thảo “Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội - Hợp tác và Hành động”.
Bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT) Hà Nội cho biết, cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng thành phố, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Thành phố cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người dân và phát triển bền vững.
Việc quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp bảo vệ môi trường và hạn chế trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển đô thị văn minh, hiện đại.
Bà Lưu Thị Thanh Chi nhấn mạnh: “Với mục tiêu phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2011 -2020 và tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới một thành phố xanh, khỏe mạnh và đáng sống. Đây là cam kết của thành phố về thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.
Đồng thời, TP Hà Nội cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm đưa Thành phố phát triển theo hướng kinh tế xanh, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng cacbon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm họa của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng “0” - Net Zero vào năm 2050”.
Đốt rác thải là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. |
Với tinh thần đó, ngày 2/3/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch quản lý CLKK TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Kế hoạch xây dựng dựa trên những quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, cùng các nghiên cứu khoa học, yêu cầu phát triển của TP và kinh nghiệm thực tiễn.
Kế hoạch đã đánh giá khách quan thực trạng công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí trong thời gian qua, từ các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các nguồn gây ô nhiễm chính, các giải pháp cụ thể và toàn diện, bắt đầu từ việc rà soát chính sách, đến các hành động cụ thể. Qua đó, nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát thải chính là giao thông, xây dựng, công nghiệp.
Toàn cảnh hội thảo |
“Để thực hiện hiệu quả kế hoạch này, chúng ta cần sự hợp tác chặt chẽ, đồng lòng từ tất cả các bên liên quan như: chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế... Chúng ta cần phải có các hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa nhằm mang lại bầu không khí trong lành cho người dân Thủ đô. Đồng thời, cũng cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, xây dựng những chính sách khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện thân thiện môi trường. Từng bước thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, làm dầy mạng lưới quan trắc liên vùng liên tỉnh nhằm dự báo cảnh báo sớm về ô nhiễm không khí giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô” - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, diễn giả đã đánh giá cao Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội và cho rằng, đây là bản Kế hoạch được xây dựng tỉ mỉ, công phu dựa trên những cơ sở khoa học rõ ràng, đầy đủ nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, kế hoạch đã đưa ra được những giải pháp đồng bộ để quản lý, bảo vệ và từng bước cải thiện chất lượng không khí của TP Hà Nội.
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm. |
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Nguyễn Hương Quế - Ban giao thông bền vững, cơ quan phát triển Pháp (AFD) cho rằng, việc sử dụng giao thông công cộng góp phần giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường. TP Hà Nội đã quyết tâm với nhiều hành động cụ thể, nên mong thành phố tăng cường tuyên truyền cho người dân thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, và các vấn đề chất lượng không khí thiết thực nhất.
Giám đốc tổ chức Live & Leam Đỗ Vân Nguyệt cũng bày tỏ sự ấn tượng với Kế hoạch quản lý CLKK của TP Hà Nội. “Hà Nội đang làm rất tốt. Bản kế hoạch quản lý không khí được xây dựng công phu, sẽ là tiền đề quan trọng để TP hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng không khí trong thời gian tới” - bà Đỗ Vân Nguyệt chia sẻ.
Theo Giám đốc tổ chức Live & Leam Đỗ Vân Nguyệt, trong công tác quản lý CLKK của Hà Nội có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức. Thuận lợi là Hà Nội đang có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Song thách thức ở chỗ, Hà Nội là một đô thị khổng lồ, do đó sức ép đối với môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng cũng không hề nhỏ. Do đó, để Kế hoạch quản lý CLKK của Hà Nội thật sự phát huy hiệu quả cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các cơ quan, ban ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và cả người dân.
Đại diện Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) Đậu Quang Huy cho biết: VAMM nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu giảm ô nhiễm không khí và khí nhà kính. VAMM không ngừng nghiên cứu, phát triển và cung cấp ra thị trường những sản phẩm xe máy chất lượng, đáp ứng đầy đủ những quy định, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, hướng tới những sản phẩm công nghệ mới như xe dùng nhiên liệu sinh học, xe điện.
Đối với những phương tiện đang lưu hành, VAMM luôn khuyến khích người tiêu dùng thực hiện bảo dưỡng định kỳ nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện. Tuy nhiên việc bảo dưỡng phương tiện chưa thực sự nhận được sự quan tâm của đa số người tiêu dùng. Xe máy sau thời gian dài hoạt động không được bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất dẫn tới suy giảm chất lượng kỹ thuật và trở thành một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Từ thực tế đó, trong giai đoạn 2018 - 2022, VAMM đã phối hợp với Viện KHCN GTVT cùng các TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng triển khai Dự án Nghiên cứu kiểm tra khí thải xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng kiểm soát khí thải xe máy là giải pháp rất hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cắt giảm CO2.
Ông Đậu Quang Huy nhấn mạnh: "VAMM cũng đang chủ động phối hợp, đề nghị các Bộ TNMT, GTVT nghiên cứu đề xuất lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải ở mức cao hơn cho xe mới (EU4). Các giải pháp đồng bộ này sẽ góp phần cải thiện hiệu quả vấn đề khí thải từ xe mô tô, xe gắn máy".
N.H