Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone tiếp kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy hợp tác về năng lượng
(PetroTimes) - Chiều ngày 8/4, trong chuyến công tác tại Viêng-chăn - Lào, Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đã tiếp kiến Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương Việt Nam.
Cùng dự về phía Việt Nam có lãnh đạo, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương như: Văn phòng Bộ; Tổng cục Quản lý thị trường; Cục Xúc tiến thương mại; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Điều tiết điện lực; Cục Xuất nhập khẩu; Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; Viện Nghiên cứu cơ khí; Văn phòng Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế về kinh tế;... Tham dự buổi tiếp kiến còn có Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, cùng nhiều lãnh đạo đại diện cho cho các Bộ, ngành đơn vị tại Lào...
Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đã tiếp kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. |
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong chuyến công tác tại Lào lần này, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có các cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào nhằm cụ thể hóa chương trình hành động, thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, khoáng sản; hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào và nhân dịp này, thay mặt Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương hai nước đã ký kết mới Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, hai bên thống nhất trong thời gian qua, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản là điểm sáng, đạt được một số thành tựu quan trọng, tuy nhiên vẫn còn hàng loạt những khó khăn, thách thức đặt ra. Tại hội đàm, hai bên đã thảo luận, kiến nghị và đề xuất các giải pháp lên lãnh đạo cấp cao hai nước xem xét tháo gỡ, tạo thuận lợi cho quan hệ hợp tác về năng lượng. Trong lĩnh vực điện, Việt Nam đang rất cần phát triển về nguồn điện cũng như hệ thống truyền tải, dự báo đến năm 2030, quy mô nền kinh tế của Việt Nam tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay.
Đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết 19 thỏa thuận mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào bán điện về Việt Nam, với tổng công suất 2.689 MW, đạt 89,6% công suất mua bán điện theo cam kết đến năm 2025 (3.000 MW).
Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone nghe đoàn công tác của Bộ Công Thương báo cáo. |
Liên quan đến tiến độ ban hành khung giá Việt Nam mua điện từ Lào, thời gian qua, Bộ Công Thương với quyết tâm, nỗ lực rất cao, đến thời điểm hiện tại, đã cơ bản hoàn thành khung mức giá, đang chờ trình lên báo cáo Chính phủ thông qua. Hiện nay, EVN cũng đã hoàn thành nghiên cứu, dự thảo khung giá và đang gửi xin ý kiến Hội đồng Thành viên EVN thông qua trước khi báo cáo Bộ Công Thương. Sau khi có báo cáo chính thức của EVN, Bộ Công Thương sẽ thẩm định và báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Dự kiến đầu quý II năm nay, khung giá mua điện từ Lào sau năm 2025 sẽ chính thức được ban hành.
Liên quan đến hệ thống truyền tải, trong tháng 3 vừa qua, Bộ Công Thương đã cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng các vị trí cột móng, néo phục vụ hệ thống truyền tải, đường dây 500kV mạch 3 của Việt Nam sẽ phấn đấu hoàn thành trước tháng 12/2024; đường dây 220kV sẽ cố gắng hoàn thành trong quý II/2024.
Từ tình hình như trên, hai Bộ kiến nghị với hai Chính phủ, hai Thủ tướng cho phép nâng công suất nhập khẩu điện về Việt Nam, lên 5.000MW vào năm 2025; thứ hai là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển nguồn, phát triển hệ thống truyền tải; tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, cơ chế... để hoàn thành đúng tiến độ các chỉ tiêu, kế hoạch đã đặt ra; thứ ba, là phê duyệt các dự án đầu tư sau năm 2025 kịp thời, đúng tiến độ.
Trong lĩnh vực khoáng sản, hai bên thống nhất nhu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên liệu của Việt Nam là rất lớn. Trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than rất lớn (khoảng 60-100 triệu tấn/năm). Tuy nhiên, khó khăn cho thương mại than giữa hai nước hiện nay chính là vấn đề giá thành than của Lào vẫn còn cao, do vậy, cần tìm các giải pháp để hạ giá thành bán than từ Lào về Việt Nam, giá than Lào ít nhất phải bằng giá thế giới thì mới có thể cạnh tranh được.
Song song đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin với Thủ tướng Sonexay Siphandone các giải pháp giải quyết một số vấn đề liên quan các nhà máy thủy điện Xê-ca-mản 1 và 3; các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Lào về Việt Nam, đặc biệt là qua các cửa khẩu, tới các cảng tại Việt Nam...
Về thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hợp tác thương mại trong lĩnh vực Công Thương là trụ cột trong quan hệ hai nước. Từ năm 2012 đến nay, hai bên liên tục hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại từ 10-15%/năm (trừ giai đoạn dịch Covid-19). Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương hai nước. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào mới đạt quy mô 1,65 tỷ USD, chỉ bằng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Để khai thác tiềm năng hợp tác thương mại, hai Bộ trưởng đã nhất trí các giải pháp cụ thể triển khai cam kết, thoả thuận đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất tại bản Thoả thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào (ký vào tháng 1/2024); rà soát, trao đổi để sửa đổi, bổ sung Thỏa thuận Hà Nội năm 2007 và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào cho phù hợp với tình hình và bối cảnh mới.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương tại buổi tiếp kiến Thủ tướng Lào. |
Cùng đó, hai Bộ nhất trí kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hai nước tạo thuận lợi để hai Bộ tổ chức nhiều hơn những hội chợ, triển lãm, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Liên quan đến công tác phối hợp chặt chẽ để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu của Lào. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Vừa qua, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục khuyến khích các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu của Việt Nam chủ động kết nối với doanh nghiệp của Lào, tăng cường và tạo sự ổn định trong việc cung ứng xăng dầu sang thị trường Lào.
Trong lĩnh vực quản lý thị trường, sáng nay Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương Việt Nam và Vụ Cạnh tranh và Kiểm tra thương mại, Bộ Công Thương Lào đã ký Bản ghi nhớ hợp tác. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới trong lĩnh vực quản lý thị trường, ngăn chặn các hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại.
Trong buổi tiếp kiến, Thủ tướng Lào đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Bộ Công Thương Lào thời gian qua. Đồng thời, khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Lào luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Việt Nam.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. |
Thủ tướng Lào bày tỏ cảm ơn chân thành Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã luôn dành cho Lào sự hợp tác và hỗ trợ quý báu trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đề nghị, ba Bộ tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm; tập trung tìm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hai nước, nhất là trao đổi, tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu than, điện... từ đó nâng cao hiệu quả hợp tác về thương mại, năng lượng và khoáng sản phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của mỗi nước.
Liên quan đến vấn đề mua bán điện, Thủ tướng Lào nhấn mạnh, phía Lào sẽ đôn đốc, giám sát các dự án để đảm bảo tiến độ cũng như công suất đã ký giữa hai nước trước đó. Thủ tướng đề nghị phía Việt Nam sớm ban hành khung giá mua điện từ Lào sau năm 2025 và mức giá sẽ không thấp hơn thời điểm trước năm 2025 là 6,95 cent.
Tùng Dương
Việt Nam sẽ nhập 20 triệu tấn than đá từ Lào |
Việt Nam - Lào thắt chặt hợp tác phát triển năng lượng, khoáng sản |
Việt Nam - Lào ký kết Hiệp định Thương mại mới |