Các nước khai thác dầu lớn ở Biển Bắc tiếp tục mở rộng khoan, đi ngược lại với cam kết về khí hậu
(PetroTimes) - Tất cả các quốc gia khai thác dầu lớn ở Biển Bắc dự kiến sẽ tiếp tục khoan dầu và khí đốt, vì họ không đạt được thỏa thuận về các biện pháp khí hậu.
Mỹ không yêu cầu Ấn Độ cắt giảm mua dầu của Nga |
OPEC+ mải cắt giảm sản lượng, Mỹ âm thầm cướp thị phần |
Một giàn khoan ở Biển Bắc. Ảnh Bloomberg |
Các quốc gia khai thác dầu lớn hoạt động ở Biển Bắc đều đã công bố mục tiêu khai thác đầy tham vọng trong những năm tới, bất chấp áp lực từ các Chính phủ châu Âu và các nhà môi trường nhằm giảm khai thác nhiên liệu hóa thạch để ủng hộ các dự án năng lượng tái tạo.
Một báo cáo mới cho thấy không có công ty dầu khí lớn nào hoạt động ở Biển Bắc mà có kế hoạch ngừng khoan kịp thời để đạt giới hạn nhiệt độ toàn cầu là 1,5 độ C. Báo cáo của Oil Change International cho biết Vương quốc Anh, Đức, Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch đã không thể điều chỉnh các chính sách dầu khí của họ phù hợp với những lời hứa về khí hậu theo Thỏa thuận Paris. Báo cáo cho rằng các chính sách ở Na Uy và Vương quốc Anh khác xa nhất với thỏa thuận khí hậu Paris, vì cả hai đều đang “mạnh mẽ” thăm dò và cấp phép cho các mỏ dầu khí mới. Trong khi đó, Hà Lan hy vọng sẽ tăng sản lượng dầu khí.
Mặc dù Đức chỉ khai thác một lượng nhỏ dầu và khí đốt trong khu vực này, nhưng Chính phủ nước này đã không đưa ra các chính sách khí hậu phù hợp cho quá trình chuyển đổi xanh. Đan Mạch cũng vậy khi đã giảm một nửa sản lượng dầu trong 5 năm qua. Quốc gia Scandinavi này đã ấn định ngày kết thúc hoạt động khai thác dầu khí và đã hủy bỏ các vòng cấp phép mới do nhà nước khởi xướng. Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường đang kêu gọi chính phủ Đan Mạch đóng các lỗ hổng – những lỗ hổng cho phép giấy phép mới trong một số trường hợp nhất định vào đầu những năm 2030.
Các chính phủ trong khu vực này phải hành động nhiều hơn nữa để hạn chế khai thác dầu và hành động theo các cam kết về khí hậu. Nếu không giải quyết những vấn đề này không chỉ làm suy yếu các mục tiêu khí hậu quốc tế mà còn gây nguy hiểm cho khả năng sinh sống của hành tinh chúng ta.
Nhiều người tin rằng năm quốc gia Biển Bắc nên đi đầu trong hành động về khí hậu, thay vì góp phần gây ra vấn đề. Đây là một số quốc gia giàu nhất thế giới, và thật không công bằng khi thế giới đang trải qua quá trình chuyển đổi xanh thì họ lại tiếp tục được hưởng lợi từ khai thác dầu khí. Truls Gulowsen, người đứng đầu chi nhánh Na Uy của nhóm môi trường Friends of the Earth, tuyên bố về vai trò của Na Uy ở Biển Bắc, “Mặc dù có tất cả các công cụ trên thế giới để đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng, tuy nhiên Chính phủ chúng tôi lại lực chọn tiếp tục là nhà khai thác dầu khí tích cực nhất châu Âu. Điều này hoàn toàn không phù hợp với Thỏa thuận Paris cũng như trách nhiệm về khí hậu của chúng tôi.”
Vương quốc Anh đã bị chỉ trích nặng nề vì liên tục hỗ trợ khai thác dầu khí, khi Chính phủ công bố 24 giấy phép khai thác dầu khí mới ở Biển Bắc vào tháng 1. Giấy phép đã được cấp cho 17 công ty dầu mỏ, bao gồm cả Shell và BP, để khoan ở các khu vực Trung tâm Biển Bắc, Bắc Biển Bắc và Tây Shetland. Các nghị sĩ đối lập và các nhà bảo vệ môi trường coi hành động này là "hoàn toàn vô trách nhiệm" và cho rằng Chính phủ đang coi trọng lợi ích kinh tế của Biển Bắc hơn là lợi ích về khí hậu của Vương quốc Anh.
Graham Stuart, Bộ trưởng Bộ An ninh Năng lượng, bảo vệ động thái này, cho rằng: “Nếu chúng tôi không có giấy phép khai thác dầu khí mới, chúng tôi sẽ nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng mới từ nước ngoài, lượng phát thải carbon cao gấp 4 lần so với khí sinh ra ở đây. Tôi chấp nhận quan điểm này phản trực giác nhưng dễ dàng hiểu điều đó là điều đúng đắn.” Ông nói thêm: “Dầu và giấy phép mới sẽ tăng cường khả năng của chúng tôi để đạt được mức 0 ròng, chúng củng cố và hỗ trợ các biện pháp về khí hậu của chúng tôi”.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng mặc dù động thái này đảm bảo hàng tỷ USD doanh thu từ dầu khí, nhưng nó sẽ không đảm bảo được nguồn cung cấp năng lượng của đất nước hoặc giảm hóa đơn năng lượng vì các giấy phép mới sẽ chủ yếu khai thác dầu mà Anh thường xuất khẩu sang các nhà máy lọc dầu châu Âu. Những người khác cáo buộc Chính phủ “tẩy xanh” vì cho rằng việc khai thác dầu và khí đốt mới có thể đóng góp vào nỗ lực khử cacbon của đất nước.
Trong khi đó, tại Na Uy, các công ty dầu khí có kế hoạch đầu tư tổng cộng 21,85 tỷ USD vào năm 2024, đánh dấu mức tăng từ 20,5 tỷ USD vào năm 2023. Đây là mức tăng so với dự báo trước đó là khoảng 18 tỷ USD. Việc tăng đầu tư này xảy ra sau một số phát triển dầu khí mới và việc mở rộng các dự án hiện có, cũng như lạm phát và đồng tiền yếu. Mặc dù khoảng 98% năng lượng trong nước đến từ các nguồn tái tạo, nhưng Na Uy vẫn tiếp tục là nhà khai thác dầu khí lớn nhất châu Âu với sản lượng khoảng 4 triệu thùng/ngày. Mục tiêu của Chính phủ là đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 dường như mâu thuẫn với chiến lược tiếp tục thăm dò và phát triển các mỏ dầu khí mới.
Thay vì dẫn đầu thế giới trong việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo thay thế, 5 quốc gia giàu nhất thế giới và những người ủng hộ quá trình chuyển đổi xanh tiếp tục hỗ trợ khai thác dầu khí ở Biển Bắc. Các quốc gia này không có kế hoạch rõ ràng để cắt giảm khai thác hoặc hợp tác cùng nhau để thiết lập các biện pháp nhằm đạt được cam kết về khí hậu, ngược lại họ lại thực hiện các hoạt động ở Biển Bắc, làm suy yếu vai trò là 'nhà lãnh đạo nghiêng về khí hậu' của họ.
Yến Anh