Tình hình thị trường lao động quý I/2024
(PetroTimes) - Trong quý I/2024, thu nhập bình quân tháng của người lao động, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2024, số lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 174,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. |
Theo Tổng cục Thống kê, thị trường lao động Việt Nam trong quý I/2024 ghi nhận nhiều điểm sáng như: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2024 là 52,4 triệu người, tăng 175,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19 (lực lượng lao động quý I thường có xu hướng giảm nhẹ so với quý IV năm trước nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước).
Trong quý I/2024, số lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 174,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam vẫn đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm, đây là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động, bao gồm cả lao động có việc làm.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I/2024 là 27,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang trải qua quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa nhanh chóng. Trong một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa và công nghiệp hóa, nhu cầu về nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng đặc biệt là rất quan trọng. Do đó, nhận thức về sự cần thiết của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập liên tục đang tăng lên trong cộng đồng lao động Việt Nam. Mở rộng cơ sở giáo dục cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục. Việt Nam đã chú trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng cơ sở hạ tầng giáo dục để cung cấp cơ hội học tập cho nhiều người dân hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp tục học tập và nâng cao trình độ sau khi tham gia vào lực lượng lao động.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục được cải thiện, quý I/2024 là 7,6 triệu đồng, tăng 301 nghìn đồng so với quý trước và tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với cùng kỳ năm trước: Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 12,1 triệu đồng, tăng 15,3%, tương ứng tăng 1,6 triệu đồng; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 11,1 triệu đồng, tăng 12,7%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 13,1 triệu đồng, tăng 12,7%, tương ứng tăng 1,5 triệu đồng; dịch vụ lưu trú và ăn uống là 7,3 triệu đồng, tăng 9,3%, tương ứng tăng 617 nghìn đồng; vận tải kho bãi là 10,5 triệu đồng, tăng 9,2%, tương ứng tăng 880 nghìn đồng.
Nhờ việc tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, so với quý trước, tình hình thất nghiệp quý I/2024 có cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2024 là 2,24%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3% kể từ quý I/2022 (quý I các năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là: 2,88%; 2,66% và 2,64%).
Bên cạnh đó, thị trường lao động Việt quý I cũng tồn tại những hạn chế như: Chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.
Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động có việc làm phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn với hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp)trong quý I/2024 là 33,3 triệu người tăng 240,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do số lao động phi chính thức ở khu vực dịch vụ tăng (tăng 696,3 nghìn người).
Mặc dù số lao động có việc làm đã trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I/2024 là 64,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Xét theo khu vực, tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 49,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý IV năm 2023 và tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động phi chính thức ở nông thôn là 74,4%, không đổi so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian nghỉ tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường tăng cường tuyển thêm lao động thời vụ tạm thời hoặc tăng ca để đáp ứng nhu cầu kinh doanh trước dịp Tết. Tuy nhiên, sau khi kỳ nghỉ kết thúc, số giờ làm và số lao động thường giảm đi. Kết quả là tình hình thiếu việc làm quý I thường cao hơn so với quý trước. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2024 khoảng 933,0 nghìn người, tăng 26,4 nghìn người so với quý trước và tăng 47,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2024 là 2,03%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,09 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 1,20%, thấp hơn khu vực nông thôn (2,58%).
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi quý I/2024 là 7,99%, tăng 0,37 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,18%, tăng 0,72 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; ở khu vực nông thôn là 6,87%, tăng 0,22 điểm phần trăm.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế - xã hội.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Giai đoạn quý I/2020 đến quý II/2022, tỷ lệ này ở mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III/2021 sau đó giảm dần và duy trì tại mức 4,2%. Tại thời điểm quý I/2024, tỷ lệ này là 4,4% (tương ứng hơn 2,3 triệu người).
Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (49,0%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động (31,3%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.
Xu thế thị trường lao động trong tương lai Trong 5 năm tới, 83 triệu việc làm được dự báo sẽ mất đi, 69 triệu việc làm mới được tạo ra. Thị trường lao động đang có sự chuyển biến mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ và các xu hướng xã hội. |
D.Q