Hà Nội: Đèn tín hiệu cho người đi bộ dần trở nên “vô hình”?!
(PetroTimes) - Sau 7 năm TP Hà Nội lắp thí điểm các cụm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường ở những nơi không thể xây cầu vượt hay hầm đi bộ, đến nay nhiều đèn đã gặp trục trặc, không được người dân sử dụngg.
Ưu điểm của đèn tín hiệu giao thông sử dụng năng lượng mặt trời |
[VIDEO] Giao thông không tưởng giữa ngã năm 'sai một li đi vài ngàn dặm' |
Đèn tín hiệu cho người đi bộ không phát huy tác dụng
Được biết, năm 2017, TP Hà Nội đã lắp đặt thí điểm các cụm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường ở những nơi không thể xây cầu vượt hay hầm đi bộ.
Theo đó, một nút bấm được lắp đặt trên cột đèn tín hiệu, nơi đường có vạch kẻ trắng ưu tiên. Khi người đi bộ muốn qua đường, thực hiện thao tác bấm nút, sau một lúc, đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển sang màu đỏ yêu cầu các phương tiện dừng lại, đèn ưu tiên dành riêng cho người đi bộ sẽ chuyển màu xanh để người đi bộ qua đường an toàn.
Trong vai của một người dân, phóng viên vừa xuống xe buýt bấm tín hiệu xin sang đường. Tuy nhiên sau mấy phút chờ đợi, lượng xe lưu thông trên đường vẫn không có dấu hiệu giảm tốc độ, phóng viên đánh liều giơ tay rồi băng qua đường.
Đèn tín hiệu cho người đi bộ ở Hà Nội không phát huy tác dụng trong thực tế. |
Theo Nguyễn Thị Hạnh (20 tuổi) - sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, từng nhiều lần bấm đèn tín hiệu để xin sang đường nhưng đèn bị trục trặc, không chuyển màu. Những ngày đường quá đông, Hạnh cho biết, đành đi bộ về phía cầu vượt để sang đường cho an toàn,
“So với cầu vượt hay hầm dành cho người đi bộ thì đèn tín hiệu vẫn chưa phát huy hết tác dụng, còn nhiều bất cập” - Hạnh nói.
Cần có cuộc khảo sát chi tiết
Hà Nội hiện có tổng 13 nút đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ sang đường. Một số tuyến đường trên địa bàn thành phố được lắp đặt như đường Xuân Thủy (đoạn qua trường Đại học Sư Phạm), ngã tư Kim Mã - Giang Văn Minh, nút giao Trần Quang Khải, ngã ba Hàng Trống - Lê Thái Tổ, trước cửa bưu điện thành phố...
Song sau 7 năm triển khai, đèn tín hiệu cho người đi bộ ngày càng trở nên “vô hình” trong mắt người dân. Những đèn tín hiệu này cũng chưa thật sự phát huy hiệu quả như mong đợi.
Một cột đèn tín hiệu cho người đi bộ ở Hà Nội. |
Theo ghi nhận của phóng viên, các cột đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ được lắp đặt trên các tuyến đường, phố như: Xuân Thủy, Láng Hạ, nút giao Kim Mã - Giang Văn Minh, Đinh Tiên Hoàng… có rất ít người dân sử dụng để xin sang đường. Trong đó, nhiều đèn đã không còn hoạt động, số khác thường xuyên bị hỏng, mất tín hiệu.
Với số ít người dân, du khách sử dụng nút bấm trên đèn tín hiệu để xin sang đường, thì nhiều ô tô, xe máy đang lưu thông trên đường lại không nhường đường cho người đi bộ, vô tư vượt qua.
TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia - cho biết, để đèn tín hiệu hoạt động hiệu quả, cần có cuộc khảo sát chi tiết, kỹ lưỡng để quy hoạch, sắp xếp xem chỗ nào cần, chỗ nào không cần để làm cho hiệu quả.
Đặc biệt, phải khảo sát những vị trí hợp lý để phục vụ cho người đi bộ. Vị trí lắp là nơi có nhiều người đi bộ sang đường, song lượng xe cơ giới di chuyển qua đây đông, không có hầm/cầu đi bộ. Thêm vào đó, khi lắp đèn tín hiệu cho người đi bộ, cần cân nhắc thời gian dành cho người đi bộ dựa trên các yếu tố như chiều rộng của đường, số lượng người đi bộ...
“Cũng nên có quy định cụ thể và thiết kế chi tiết để “không phải người đi bộ cứ ấn nút là xe cơ giới sẽ dừng lại. Có thể thiết kế cứ sau 5-10 phút sẽ có đường dành cho người đi bộ. Tínhtoán để đảm bảo an toàn, không làm ảnh hưởng đến các phương tiện khác, không gây ùn tắc giao thông, không gây tai nạn giao thông” - TS Khương Kim Tạo nhấn mạnh.
Quỳnh Trang