Tiếp tục rút bớt tiền lưu thông, hướng đến giảm lạm phát
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 18/3 có thêm một phiên hút 15.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua công cụ tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày.
Kết quả ghi nhận tổng cộng có 12 thành viên tham gia đấu thầu và tất cả đều trúng thầu. So với phiên 15/3, lãi suất trúng thầu đã nhích nhẹ thêm 0,02 điểm % lên 1,4%/năm, tương tự như những ngày trước đó.
NHNN tiếp tục hút ròng
Trong tuần trước, NHNN đã hút khoảng 75.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu. Như vậy, kể từ khi khởi động lại kênh tín phiếu, NHNN đã hút về tổng cộng gần 90.000 tỷ đồng thanh khoản khỏi hệ thống, trong khi không có động thái bơm thêm.
NHNN tiếp tục hút ròng tín phiếu trên thị trường mở, tổng cộng đã hút 90.000 tỷ qua 6 phiên (tính đến 18/3). (Ảnh minh họa: Quốc Tuấn) |
Tốc độ phát hành trong 6 phiên vừa qua là 15.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn đáng kể so với tốc độ trung bình của giai đoạn tháng 9-11/2023 là gần 10.300 tỷ đồng/phiên. "Nhịp" hút ròng cao hơn nhưng được đánh giá là không quá cao trong bối cảnh hiện tại, cho thấy áp lực để hút bớt tiền lưu thông, giảm ứ thừa thanh khoản hệ thống và giảm áp lực với tỷ giá lúc này, tỏ rõ sự thận trọng của nhà điều hành nhiều hơn là sự ứng "độ căng" của biến động thị trường vào gần cuối 2023.
Từ ngay cuối tuần trước, tác động của các phiên hút ròng mà NHNN khởi động trên thị trường OMO đã được phản ánh với lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn chủ chốt tăng lên rõ rệt.
Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại sau khi NHNN hút tiền. (Nguồn: WiChart) |
Cùng với đó, tỷ giá VND/USD đã giảm nhiệt, đặc biệt tỷ giá "chợ đen", mặc dù giá vàng miếng SJC sụt giảm nhưng vẫn neo cao trên 79,4-81 triệu đồng/ lượng. Sáng 18/3, NHNN công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam giữ ở mức 23.979 đồng/USD. Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN niêm yết ở mức 23.400 – 25.127 đồng/USD (mua – bán), đi ngang chiều mua và tăng 12 đồng/USD chiều bán ra so với phiên trước đó. Tương tự, tỷ giá tại các NHTM, dẫn đầu Vietcombank với biểu được "tham chiếu" phổ biến, tiếp tục giữ mức đi ngang 24.520-24.890 đồng/USD, như phiên liền trước. Tỷ giá USD trên thị trường "chợ đen" được giao dịch ở quanh mức 25.575 – 25.655 đồng/USD, giảm mạnh 97 đồng/USD chiều mua vào và giảm 117 đồng/USD chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó...
Sẽ tiếp tục rút bớt tiền lưu thông thời gian tới?
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính trong phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng ngày 18/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất có thể hạn chế hoặc rút bớt tiền trong lưu thông và tạo điều kiện, mở "nút thắt" để sản xuất kinh doanh phát triển, tạo cung hàng hóa dồi dào để giảm lạm phát.
Cụ thể, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh Hương về nội dung "trước những biến động của thị trường thế giới và trong nước, cử tri và nhân dân rất kỳ vọng các bộ, ngành tiếp tục có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là về mặt bằng giá đối với mặt hàng thiết yếu như là xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp,... không để xảy ra tình trạng biến động lớn về giá, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống, đề nghị Bộ trưởng cho biết biện pháp của Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề này?; Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, trong năm 2023 chỉ số giá CPI chỉ tăng 3,25% tuy nhiên, trong nửa đầu quý I/2024 chỉ số này đã tăng đột biến.
Theo Bộ trưởng Phớc, trong rổ hàng hoá CPI có 752 loại hàng hóa từ đó hình thành nên các nhóm hàng hoá thực phẩm hay hàng tiêu dùng, y tế, giáo dục, năng lượng. Vì vậy, cần có giải pháp can thiệp gián tiếp hoặc trực tiếp để làm sao cho giá cả hạ xuống.
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ổn định vĩ mô, điều hành giá cả. Trong đó, giải pháp đầu tiên thứ nhất, có thể hạn chế hoặc rút bớt tiền trong lưu thông để giảm lạm phát và thứ hai tạo điều kiện, mở nút thắt để sản xuất kinh doanh phát triển, tạo cung hàng hóa dồi dào. "Giá cả hàng hoá tăng hay giảm phụ thuộc vào các yếu tố: Chí phí đẩy, cung và cầu. Phải can thiệp được vào ba yếu tố này thì mới điều hành được giá cả', Bộ trưởng cho biết.
Theo như chia sẻ của người đứng đầu Bộ Tài chính, thì rất có thể tới đây, nhà điều hành thị trường tiền tệ vẫn còn tiếp tục duy trì động thái phát hành tín phiếu để hút ròng tiền trong hệ thống, cho đến khi tình trạng vốn đang "ứ" lại do tăng trưởng huy động cao nhưng khả năng cho vay ra tăng trưởng tín dụng còn chậm sẽ được "tháo nút", khơi thông.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, mặc dù các yếu tố "đe dọa" lạm phát của Việt Nam hiện tại là không cao (giá hàng hóa tăng đột biến vừa qua có yếu tố mùa vụ); nhưng việc thị trường vẫn đang chờ đợi dữ liệu rõ ràng hơn về lạm phát của Mỹ cho thấy có khả năng DXY vẫn có thể tăng trở lại, đồng nghĩa đồng bạc xanh sẽ tăng giá và áp lực tỷ giá VND/USD vẫn chưa thể hạ xuống "bình yên".
Chỉ số DXY có thể phục hồi trở lại - vẫn còn áp lực kéo tỷ giá USD/VND tăng lên? (Nguồn: MSVN) |
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc phân tích, CTCK Maybank Investment Bank (MSVN) - cho biết trong tuần qua, các chỉ báo động lượng đã cho thấy đà giảm của chỉ số USD (greenback) đã quá mức và do đó dễ phục hồi nếu có bất kỳ tin tức nào có thể làm chệch hướng kỳ vọng hiện tại của thị trường về việc ba lần cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm nay. Chỉ số CPI tuy hơi mạnh hơn dự kiến nhưng không hoàn toàn làm chệch hướng câu chuyện giảm lạm phát.
"Tuy nhiên, giống như trường hợp CPI, chỉ số PPI mạnh hơn dự kiến đối với cả chỉ số toàn phần và chỉ số cơ bản, lần lượt là 1,6% n/n (so với kỳ vọng 1,2% n/n; tháng 1: 0,9% n/n) và 2,0% n/n (so với kỳ vọng: 1,9% n/n; tháng 1: 2,0% n/n). Các con số này cũng chỉ ra rủi ro về khả năng tăng của chỉ số PCE cơ bản (core PCE).
Mặc dù vậy, không phải tất cả dữ liệu kinh tế đều mạnh, như doanh số bán lẻ tháng 2 kém hơn so với dự kiến ở mức 0,6% t/t (dự kiến: 0,8% t/t)", ông Lâm nêu.
Nhà phân tích của MSVN cũng nhấn mạnh, dữ liệu gần đây cho thấy sự suy yếu đang dần xuất hiện ở nền kinh tế Mỹ và quá trình giảm tốc đang diễn ra ngay cả khi câu chuyện giảm lạm phát thực sự không suôn sẻ và diễn ra từ từ. Mặt khác, cũng tồn tại lo ngại về tình trạng kinh tế suy yếu và lạm phát vẫn ở mức cao dai dẳng.
MSVN tin rằng kịch bản đầu tiên có khả năng xảy ra cao hơn và Chủ tịch Powell tại cuộc họp FOMC tuần này có thể sẽ không thay đổi nhiều quan điểm so với những gì ông đã phát biểu tại Capitol Hill. Ông Powell có thể tiếp tục nhấn mạnh rằng Fed vẫn đang trên đà cắt giảm lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm nay, nhưng đồng thời cũng cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu 2% một cách bền vững.
"Biểu đồ “dot plots” cũng khó có khả năng thay đổi và vẫn phản ánh kỳ vọng có ba lần giảm cắt lãi suất 25 điểm cơ bản. Về cơ bản, những tuyên bố như vậy phản ánh đúng với kỳ vọng của chúng tôi rằng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể chỉ diễn ra từ khoảng giữa năm trở đi. Do lo lắng về diễn biến dữ liệu của Mỹ, chỉ số DXY vẫn có thể tăng cao hơn, nhưng tiềm năng tăng bị hạn chế vì Fed đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất. Kháng cự nằm ở mức 103.60 và mức tiếp theo là 104.00. Hỗ trợ nằm ở mức 102.70 và 102.00", chuyên gia MSVN nhận định.
Đồng quan điểm cho rằng lạm phát tại Mỹ còn "cứng đầu" có thể khiến chỉ số DXY leo dốc và kéo theo tỷ giá VND/USD tăng, CTCK BSC vẫn lạc quan dự báo, "tỷ giá có thể sẽ bắt đầu hạ nhiệt khi có những bằng chứng rõ ràng và vững chắc hơn về đà giảm bền vững của lạm phát về mức mục tiêu 2% và thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất”.
Theo CTCK này nhận định, “động thái phát hành tín phiếu của NHNN có lẽ sẽ chỉ có tác dụng làm dịu đà tăng nóng của tỷ giá, còn tỷ giá khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức cao khi những chỉ số lạm phát Hoa Kỳ vẫn ủng hộ cho chính sách tiền tệ “diều hâu” của Fed kéo dài".
BSC cũng đưa ra dự báo tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024 và tỷ giá trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 24.045 - 24.319 VND/USD, tăng lên so với 2023.
Kinh tế Việt Nam 2024: Tỷ giá khó biến động, lãi vay cần giảm sâu |
"Hé lộ" lý do kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" |