Có một không gian kể về “99 câu chuyện nghề báo”
(PetroTimes) - Chắt lọc từ thực tế đời sống sôi động, từ những trang bản thảo, bài báo, những tấm ảnh, kỷ vật báo chí thân thuộc và trên hết là những trang đời - tấm gương cao cả, chiến đấu và lao động sáng tạo, cống hiến hết mình cho các thế hệ người làm báo cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang trưng bày một bộ sưu tập bước đầu về 99 câu chuyện nghề báo tại Hội Báo toàn quốc 2024, TP Hồ Chí Minh.
Giữa hệ thống các gian trưng bày cho thấy bức tranh tổng quan về báo chí Việt Nam đương đại theo hướng chuyên nghiệp - nhân văn - hiện đại, là gian trưng bày chuyên đề “Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925-2024: 99 chuyện nghề”. Đây là câu chuyện lịch sử 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam, với những câu chuyện cống hiến và hy sinh, lao động và sáng tạo của các thế hệ người làm báo - chiến sĩ.
Một góc không gian trưng bày 99 câu chuyện nghề báo. |
Hình ảnh nổi bật của khu trưng bày 99 câu chuyện nghề báo là Bút Sen - ngòi bút vươn thẳng và những cánh sen toả sáng kết bằng hàng trăm tên các tờ báo tiếng Việt ra đời từ 1865 đến nay, một biểu tượng gần gũi và sáng tạo, tôn vinh nghề báo cao quý tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Bút sen chứa đựng những câu chuyện đẹp đẽ về nghề báo, gắn với một ý niệm son sắt về lao động sáng tạo và cống hiến của các thế hệ người làm báo Việt Nam, khởi đầu từ Gia Định Báo với lịch sử 159 năm báo chí Quốc ngữ từ năm 1865 đến nay.
Đặc biệt báo chí cách mạng với sự xuất hiện của một số tờ báo tiếng Pháp và tiếng Việt đầu những năm 20 của thế kỷ XX trong nước và nước ngoài, do một bộ phận người làm báo Việt Nam chủ trì, nêu cao tinh thần nhân văn, nhân ái, nhân quyền, bênh vực người cùng khổ, tập hợp quần chúng lao động, như những đội quân xung trận mạnh mẽ, bày tỏ lập trường yêu nước và cách mạng.
Đỉnh cao là báo Thanh Niên do lãnh tụ cách mạng - nhà báo Nguyễn Ái Quốc sáng lập và là cây bút chủ chốt. Trong Ban biên tập còn có các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm…
Báo Thanh Niên trong khu trưng bày. |
Báo Thanh Niên ra số đầu ngày 21/6/1925, chính thức khai mở dòng báo chí cách mạng Việt Nam với tuyên ngôn: “Để dẫn dắt nhân dân làm một sự nghiệp vĩ đại cần có sức mạnh lãnh đạo, sức mạnh lãnh đạo đó không phải có một vài người thôi, mà phát sinh từ sự hiệp lực của hàng vạn người… Muốn cho hàng vạn người ấy đoàn kết chặt chẽ với nhau thì họ phải cùng một ý chí như nhau, họ phải nuôi kỳ vọng giống nhau”.
Và bắt đầu từ đây, 99 câu chuyện nghề báo được chắt lọc và kể đến ngày nay, trong không gian của Hội Báo toàn quốc năm 2024, diễn ra trên đại lộ Lê Lợi, trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Một số hình ảnh khu trưng bày 99 câu chuyện nghề báo:
N. Hiển