Các nước EU sẽ rút khỏi Hiệp ước năng lượng vì lo ngại vấn đề biến đổi khí hậu
(PetroTimes) - Hôm thứ Năm 7/3, các nước thuộc Liên minh Châu Âu đã nhất trí cùng nhau từ bỏ Hiệp ước năng lượng quốc tế, vì lo ngại rằng nó làm suy yếu các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, các quan chức cho biết.
“Người được kẻ mất” khi dừng trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine |
Cuộc đua LNG vùng Vịnh |
Cờ Liên minh Châu Âu tung bay bên ngoài trụ sở Ủy ban EU tại Brussels, Bỉ, ngày 14 tháng 7 năm 2021. Ảnh Reuters |
Hiệp ước Hiến chương Năng lượng năm 1998, cho phép các công ty năng lượng kiện Chính phủ về những chính sách gây thiệt hại cho khoản đầu tư của họ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Hiệp ước này đã được sử dụng để thách thức các động thái của Chính phủ về việc yêu cầu đóng cửa nhà máy nhiên liệu hóa thạch.
Hai quan chức EU nói với Reuters rằng, các Bộ trưởng từ các nước EU đã nhất trí rời khỏi Hiệp ước này tại một cuộc họp ở Brussels.
Bây giờ, quyết định này sẽ được chuyển đến Nghị viện châu Âu để xin sự đồng thuận của các nhà lập pháp. Điều đó rất có thể xảy ra vì trước đây Hội đồng EU đã thúc giục các nước EU rời khỏi Hiệp ước này.
Brussels đã đề xuất EU phối hợp rời khỏi Hiệp ước lần đầu tiên vào tháng 7 năm ngoái, sau khi các quốc gia thành viên bao gồm Đan Mạch, Pháp, Đức, Luxembourg, Ba Lan, Tây Ban Nha và Hà Lan công bố kế hoạch rút lui, với hầu hết các nước này đều viện cớ lo ngại về biến đổi khí hậu.
Cho đến nay, các nước EU đã trì hoãn quyết định rời khỏi Hiệp ước vì một số nước, chẳng hạn như Síp và Hungary, muốn ở lại, trong khi những nước khác lo ngại rằng những nỗ lực hiện đại hóa Hiệp ước sẽ trở nên lãng phí khi họ rời đi.
Để xoa dịu những lo lắng đó, tuần trước EU đã đề xuất rằng trước khi rời khỏi Hiệp ước, các nước EU nên tán thành việc thông qua các cải cách.
Đề xuất đó dường như đã mở ra một thỏa thuận.
Một nguồn tin trong cơ quan chủ tịch EU tại Bỉ, nơi sẽ tổ chức các cuộc đàm phán, nói với Reuters rằng các nước EU sẽ thông qua đề xuất chấp nhận cải cách Hiệp ước vào tháng 5 năm nay.
Khoảng 50 bên ký kết Hiệp ước đã đồng ý cải cách vào năm ngoái, nhưng những cải cách này có rất ít cơ hội có hiệu lực nếu không được EU bật đèn xanh.
Một trong những cải cách quan trọng là giảm thời hạn tham gia Hiệp ước từ 20 năm xuống còn 10 năm, cho các công ty năng lượng từ các bên ký kết ngoài EU như Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước này sẽ được bảo vệ đối với các khoản đầu tư hiện có trong khối.
Yến Anh