OPEC trong một thế giới đang thay đổi (Bài 1)
(PetroTimes) - Giới lãnh đạo phương Tây từ lâu đã chỉ trích khả năng chi phối giá dầu của OPEC. Thực tế cho thấy, liên minh này tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu ngay cả khi sản lượng dầu của Mỹ tăng vọt và các nguồn năng lượng thay thế nổi lên.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bao gồm 13 quốc gia thành viên giàu dầu mỏ trải dài ở Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ. Tổng hợp lại, nhóm này kiểm soát gần 40% sản lượng dầu thế giới. Vị trí thống lĩnh thị trường này đôi khi cho phép OPEC hoạt động như một tập đoàn, điều phối mức khai thác giữa các thành viên, từ đó chi phối giá dầu toàn cầu. Các đời Tổng thống Mỹ từ Gerald Ford đến Donald Trump đều chỉ trích tổ chức dầu mỏ này là mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ.
Trong những năm gần đây, một số thách thức đối với ảnh hưởng của OPEC đã xuất hiện, bao gồm sự chia rẽ trong nội bộ thành viên, sự nổi lên của Mỹ với tư cách là nhà khai thác dầu lớn và sự chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Khối đã thích nghi bằng cách thành lập một liên minh OPEC+ với Nga và các nước khác, nhưng sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm suy yếu những nỗ lực đó. Vào năm 2022, nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine và kết quả là giá dầu toàn cầu tăng vọt đã tập trung sự chú ý vào OPEC.
Sự ra đời của OPEC
OPEC được thành lập vào năm 1960 bởi Iran, Iraq, Kuwait, Ả Rập Xê-út và Venezuela; số lượng thành viên của tổ chực đã được mở rộng và thu hẹp trong những năm qua.
Năm thành viên ban đầu tìm cách xây dựng một mặt trận thống nhất để ứng phó với việc cắt giảm giá dầu do các công ty dầu khí đa quốc gia áp đặt nhằm kiểm soát hầu hết lượng xăng dầu nhập khẩu vào các nước phương Tây, cũng như các hạn chế nhập khẩu của Chính phủ Mỹ đã làm giảm giá dầu nước ngoài trong những năm 1950. Các thành viên sáng lập của OPEC không chỉ bắt đầu đàm phán mức giá dầu niêm yết toàn cầu cao hơn mà còn theo đuổi quyền kiểm soát lớn hơn đối với tài nguyên của chính họ thông qua việc quốc hữu hóa các nhượng quyền của các công ty dầu mỏ quốc tế. Hầu hết các quốc gia OPEC hiện sở hữu toàn bộ trữ lượng dầu mỏ của mình.
Các quốc gia thành viên phối hợp các chính sách về giá dầu và mức khai thác tại các cuộc họp thường kỳ và khẩn cấp trên khắp thế giới, thường là tại trụ sở Vienna của OPEC. Các phái đoàn thường được dẫn dắt bởi các bộ trưởng dầu mỏ của mỗi quốc gia thành viên và một tổng thư ký do khối bổ nhiệm được giao nhiệm vụ quản lý tổ chức.
Tầm ảnh hưởng
OPEC bùng nổ trên trường thế giới vào năm 1973. Cuối năm đó, Ai Cập và Syria phát động một cuộc tấn công bất ngờ chống lại Israel, và Mỹ đáp trả bằng gói viện trợ quân sự trị giá 2,2 tỷ USD cho Israel.
Được dẫn dắt bởi các Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập, OPEC đã trả đũa bằng lệnh cấm vận đối với Mỹ và một số đồng minh khác của Israel và bắt đầu cắt giảm sản lượng. Người tiêu dùng hoảng loạn và thị trường thắt chặt. Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã ban hành các biện pháp kiểm soát giá xăng, điều này đã làm tình hình trở nên trầm trọng hơn và dẫn đến việc phải xếp hàng dài trước các máy bơm. Ngoại trưởng Henry Kissinger vội vã bắt đầu đàm phán để chấm dứt chiến tranh và lệnh cấm vận của OPEC.
Từ năm 1972 đến năm 1977, tổng thu nhập từ dầu mỏ của các thành viên OPEC đã tăng gấp sáu lần, từ 23 tỷ USD lên 140 tỷ USD. Trong khi đó, ở phương Tây, giá dầu cao hơn đã gây ra suy thoái. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 6% từ năm 1973 đến năm 1975, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi. Như cựu thành viên cấp cao của CFR, Amy Myers Jaffe và nhà kinh tế học Edward Morse đã viết, lệnh cấm vận của OPEC "vào thời điểm đó được ca ngợi là chiến thắng lớn đầu tiên của các cường quốc "Thế giới thứ ba" trong việc khiến phương Tây phải quỳ gối".
OPEC của những năm 1970 vừa được tôn vinh vừa bị lo sợ vì khả năng gây ra tổn thất kinh tế cho phương Tây, danh tiếng mà tổ chức này đã dựa vào ngay cả khi các sự kiện trong nhiều thập kỷ kể từ đó đã làm suy giảm sức mạnh thị trường của tổ chức này.
Jeff D. Colgan của Đại học Brown giải thích: "OPEC luôn muốn duy trì việc quản lý thị trường dầu mỏ thế giới. Danh tiếng đó có nghĩa là các thành viên của tổ chức này nhận được nhiều sự quan tâm ngoại giao hơn so với bình thường".
(Còn tiếp)
Minh Quân