Tận thu rác thải điện tử - Giải pháp lợi nhiều mặt
(PetroTimes) - Do tốc độ phát triển, lượng rác thải điện tử trong nước những năm gần đây đang có xu hướng tăng nhanh, tạo ra những áp lực đối với công tác xử lý loại chất thải đặc thù này. Việt Nam cần sớm có luật về quản lý chất thải điện tử và có nhà máy tái chế chất thải điện tử công nghệ hiện đại, quy mô lớn.
Mối lo ngại toàn cầu
Rác thải điện tử là cụm từ dùng để chỉ những sản phẩm đồ dùng, thiết bị, linh kiện điện tử từ các cá nhân, hộ gia đình, văn phòng, công sở không còn giá trị sử dụng do cũ, hư hỏng hoặc lỗi mốt được loại bỏ ra ngoài môi trường. Các loại rác thải điện tử phổ biến hiện nay bao gồm những đồ dùng điện tử, điện lạnh như: tivi, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện… những thiết bị, linh kiện của máy tính như: màn hình, bàn phím, chuột, máy in, vi mạch, bo mạch, con chip… cho tới những chiếc điện thoại, điều khiển từ xa, các đồ phụ kiện như: tai nghe, loa ngoài, usb…
Thế giới thải ra khoảng 61,3 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm. |
Rác thải điện tử trong những năm gần đây luôn là vấn đề nhức nhối của toàn cầu. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, thế giới thải ra khoảng 61,3 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm nhưng chỉ 17,4% được thu gom và tái chế đúng cách (số liệu ước tính năm 2023). Dù con số này nhỏ hơn lượng rác thải nhựa (hơn 300 triệu tấn mỗi năm) và rác thải dệt may (khoảng 90 triệu tấn) nhưng rác thải điện tử tăng với tốc độ đáng kể 3-5%/năm. Với tốc độ này, rác điện tử được dự báo sẽ tăng đến 74,7 triệu tấn vào năm 2030, tức tăng gấp đôi chỉ trong 16 năm.
Báo cáo của Repowered cho biết phần lớn trọng lượng của rác điện tử là sắt, đồng, thiếc và nhôm, chiếm gần 90%. Tuy vậy, 90% giá trị của rác thải kim loại thu được từ 2 kim loại quý palladium và platium, kế đến là đồng và thiếc. Nếu tái chế toàn bộ lượng rác điện tử của Minnesota sẽ đủ bạc để tạo ra 441.000 tấm pin năng lượng mặt trời, hay lượng đồng đủ để chế tạo ra 155.000 xe điện mỗi năm.
Arabella Ruiz, nhà nghiên cứu cấp cao của The Roundup, ước tính 53,6 triệu tấn rác điện tử thải ra vào năm 2019 chứa lượng nguyên liệu thô trị giá 57 tỉ USD. Điều này nghĩa là với 82,6% lượng rác chưa được tái chế, gần 47 triệu USD giá trị kim loại quý đã không được thu hồi.
Cần sớm có luật về quản lý chất thải điện tử
Theo các chuyên gia, với tốc độ tăng như hiện nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030. Điều này khiến rác thải điện tử trở thành dòng rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất thế giới, được thúc đẩy chủ yếu do tỷ lệ tiêu thụ thiết bị điện và điện tử ngày một cao, trong khi vòng đời các thiết bị ngày một ngắn.
Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 cùng sự đổi mới sáng tạo công nghệ đã khiến việc sản xuất các thiết bị điện, điện tử phát triển mạnh mẽ, nhu cầu thay đổi các sản phẩm điện, điện tử ngày càng cao dẫn đến gia tăng lượng lớn rác điện tử. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi lượng rác thải điện tử trong nước ngày càng tăng nhanh, tạo ra những áp lực đối với công tác xử lý loại chất thải đặc thù này.
Tại Việt Nam, lượng rác thải điện tử hiện nay mặc dù vẫn ở mức thấp hơn so với các nước khác trên thế giới, nhưng đang có chiều hướng gia tăng. Thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc chỉ ra trung bình mỗi người dân Việt Nam đang thải ra 1,3 kg rác thải điện tử mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng rác thải điện tử được thu hồi và đem đi xử lý đúng quy trình là rất ít.
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường cũng chỉ ra, hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng và ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.
Rác thải điện tử gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường và sức khỏe con người do chúng thường không được phân loại, đôi khi bị bỏ chung với những loại rác khác. Trong rác thải điện tử chứa rất nhiều kim loại nặng độc hại từ vỏ và các linh kiện bên trong thiết bị điện tử. Do đó, nếu không xử lý rác điện tử đúng cách, các loại rác thải điện tử có thể giải phóng các chất độc hại như thủy ngân, chì, niken... vào môi trường. Rác thải điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua các con đường ô nhiễm đất, nước, không khí, lao động có tiếp xúc trực tiếp với rác thải.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Việt Nam cần có mạng lưới thu gom chất thải điện tử hiệu quả hơn, thực hiện bởi những đơn vị có chuyên môn. Đồng thời, cần triển khai từ nghiên cứu khoa học sang ứng dụng kỹ thuật thực tiễn ở quy mô công nghiệp, trong đó, cơ sở xử lý được cấp phép tái chế rác thải điện tử phải thiết lập quy trình chung cho tất cả vật liệu được đưa vào tái chế.
Việt Nam cần sớm có luật về quản lý chất thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế; xây dựng hệ thống thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ theo đúng quy định pháp luật nhằm truy xuất nguồn gốc chất thải điện tử và tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển sản phẩm thải bỏ. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ của rác thải điện tử để phân loại, thu gom, xử lý đúng cách.
Nhóm tình nguyện thu gom rác thải điện tử tại Hà Nội. |
Nhiều giải pháp đồng bộ cần triển khai
Đánh giá về hiện trạng xử lý, tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam, bà Lê Thị Ngọc Dung - Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam nhận định, hiện nay, tỷ lệ xử lý chất thải điện tử còn đang ở mức độ thấp (dưới 10% tổng lượng chất thải điện tử phát sinh). Cả nước có khoảng 68 công ty được cấp phép xử lý chất thải, linh kiện điện tử quy mô nhỏ với công suất từ 0,25 - 30 tấn/ngày. Các công ty được cấp phép phần lớn tập trung tháo dỡ, phá dỡ thủ công, chỉ có một số nhỏ công ty có đủ dây chuyền xử lý được cấp phép xử lý bảng mạch điện tử. Bên cạnh đó, Việt Nam mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường như sắt, đồng, chì, thiếc, nhựa bằng các công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu và chưa thể tái chế được các kim loại quý, vốn có hàm lượng cao trong chất thải điện tử.
Chính vì vậy, bà Dung đề xuất Việt Nam cần có nhà máy tái chế chất thải điện tử công nghệ hiện đại, quy mô lớn, có thể thu hồi kim loại quý để giải quyết được lượng rác thải phát sinh trong nước và dần dần nâng cấp các mô hình tái chế tự phát thành mô hình thu gom, phân loại có kiểm soát.
Đánh giá thêm về vấn đề này, ông Nick Wade, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Blue Planet, một công ty tái chế rác điện tử tại Châu Âu cho rằng, nếu có thể thu hồi tất cả những kim loại quý hiếm, rác điện tử sẽ có giá trị. Khi ấy, việc đưa công nghệ mới vào để hỗ trợ ngành này sẽ thực sự là một điều lớn lao. Ngoài ra, để phục vụ hệ thống EPR (trách nhiệm nhà sản xuất) tại Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường Nguyễn Đức Quảng đề xuất cần đưa hệ thống thu gom tư nhân vào các hoạt động của EPR. Điều chỉnh quy định pháp luật (tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế, định mức tái chế) kịp với thời điểm ban hành các quy định liên quan. Phát triển các cơ sở tháo dỡ, phân loại chất thải điện tử chính quy.
Theo số liệu ước tính năm 2023, thế giới thải ra khoảng 61,3 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm. Dù con số này nhỏ hơn lượng rác thải nhựa (hơn 300 triệu tấn mỗi năm) và rác thải dệt may (khoảng 90 triệu tấn) nhưng rác thải điện tử tăng với tốc độ đáng kể 3-5%/năm. Với tốc độ này, rác điện tử được dự báo sẽ tăng đến 74,7 triệu tấn vào năm 2030, tức tăng gấp đôi chỉ trong 16 năm. Để đạt được Net Zero vào năm 2050, thu hồi kim loại quý từ rác điện tử sẽ góp phần giải quyết nhu cầu kim loại tăng cao. |
Minh Châu