Phục Hưng Holdings làm ăn ra sao trong năm 2023?
(PetroTimes) - Năm 2023, Phục Hưng Holdings gây chú ý khi trúng gói thầu nằm trong liên danh VIETUR có giá trị nghìn tỷ, song bức tranh kinh doanh tài chính tại doanh nghiệp này lại không mấy sáng sủa.
Chi phí lãi vay tăng, Phục Hưng Holdings lãi thấp nhất 9 năm
Năm 2023, Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC) đặt mục tiêu kinh doanh khá thấp với doanh thu đạt 2.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc năm 2023, Phục Hưng Holdings ghi nhận kết quả kinh doanh bết bát, lợi nhuận thấp nhất 9 năm qua.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, riêng quý IV/2023, doanh thu thuần hợp nhất của Phục Hưng Holdings đạt 628 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ cải thiện giá vốn, lợi nhuận gộp tăng 62% so với cùng kỳ, đạt 39 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 6,27%.
Trong quý, doanh thu tài chính chỉ đạt 800 triệu đồng, giảm tới 90%. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 20%, đạt 18 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng 5%, đạt 17 tỷ đồng cùng với khoản lỗ khác 3 tỷ đồng. Do đó, Phục Hưng Holdings chỉ mang về 2,8 tỷ đồng lãi trước thuế và lãi sau thuế 2,4 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ.
Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của Phục Hưng Holdings đạt 1.807 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 135 tỷ đồng, tăng 16%. Biên lợi nhuận gộp đạt 7,47%.
Trong năm, chi phí tài chính tăng 34%, đạt 70 tỷ đồng trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay tăng tới 35% lên hơn 68 tỷ đồng, còn chi phí quản lý chỉ giảm nhẹ. Bởi vậy, kết năm 2023, doanh nghiệp xây dựng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 51% so với năm trước, ghi nhận 11,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm đến 57%, chỉ còn 8,4 tỷ đồng.
Vài năm trở lại đây, kết quả kinh doanh tại Phục Hưng Holdings chỉ lẹt đẹt vài tỷ đồng. Đặc biệt, kết quả kinh doanh năm 2023 được cho là thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua.
Khoản phải thu chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tài sản, nợ vay tăng tốc
Năm qua, Phục Hưng Holdings gây chú ý khi nằm trong liên danh VIETUR trúng thầu gói thầu 5.10 - là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 35.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không lâu sau khi trúng gói thầu lớn, lại cho thấy “sức khoẻ” tài chính không mấy sáng sủa khi khối nợ ngày càng phình to, cơ cấu vốn mất cân đối. Đặc biệt lợi nhuận tăng trưởng chậm, dòng tiền thâm hụt và các khoản phải thu ngày càng tăng.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Phục Hưng Holdings tăng 17% so với đầu năm, lên tới 3.171 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 24%, chiếm gần 51% tổng tài sản. Doanh nghiệp xây dựng này đã phải dự phòng hơn 6,5 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi. Đặc biệt, khoản phải thu ngắn hạn cuả khách hàng tăng tới 35% so với đầu năm, chiếm tới 39% tổng tài sản.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, tính đến 31/12/2023 Phục Hưng Holdings có khoản phải thu với CTCP Xây dựng và Thương mại Pros tới hơn 129 tỷ đồng; CTCP tập đoàn Ecopark hơn 70 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm chỉ ghi nhận hơn 26 tỷ đồng;...
Khoản phải thu tăng khá nhanh, chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tài sản giữa lúc thị trường bất động sản ảm đạm là tín hiệu không mấy tích cực cho "sức khỏe" của doanh nghiệp, khiến dòng tiền thu về chậm hơn, nguy cơ có thể thành nợ xấu.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2023 tại PHC///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Đáng chú ý, tuy quy mô tài sản tăng nhưng nguồn vốn tại Phục Hưng Holdings lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả chiếm đến 79%, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 21%.
Cụ thể, tính đến 31/12/2023 nợ phải trả của PHC đạt hơn 2.502 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu xấp xỉ so với đầu năm, đạt hơn 669 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2023, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Phục Hưng Holdings tăng lên mức 3,73 lần.
Đáng chú ý, tổng nợ vay của PHC ghi nhận hơn 1.425 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ghi nhận gần 1.288 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm; vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm nhẹ 8% còn hơn 137 tỷ đồng.
Chủ nợ lớn nhất tại Phục Hưng Holdings là ngân hàng BIDV - chi nhánh Đông Đô với hơn 1.272 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn tính đến thời điểm 31/12/2023.
Về dòng tiền, năm 2023, dòng tiền kinh doanh âm tới 143 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2023 dương hơn 19 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải thu. Trong khi đó, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư lại âm 102 tỷ đồng. Để có tiền hoạt động, doanh nghiệp xây dựng này đã phải tăng cường vay nợ. Tính đến 31/12/2023, tiền thu từ đi vay tăng 18% so với đầu năm, lên hơn 1.678 tỷ đồng; tiền chi trả nợ gốc vay cũng tăng nhẹ 3% ghi nhận hơn 1.324 tỷ đồng.
Huy Tùng - Lê Thanh