MB báo lãi kỷ lục, đang đổ bao nhiêu tiền vào lĩnh vực bất động sản?
(PetroTimes) - Năm 2023, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) lãi kỷ lục 26.300 tỷ đồng, tập trung cho vay vào bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo..., tỷ lệ nợ xấu duy trì mức thấp.
MB phục vụ 27 triệu khách hàng nhờ nền tảng số
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) lãi trước thuế năm 2023 hơn 26.300 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ với động lực tăng trưởng đến từ thu nhập lãi thuần, chứng khoán kinh doanh và giảm chi phí dự phòng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ lợi nhuận đạt 24.688 tỷ đồng, tăng 21,5% so năm ngoái, các tỷ lệ thể thiện khả năng sinh lời ROA và ROE lần lượt là 2,5% và 25%.
Theo đó, tính chung cả năm 2023, hoạt động chính của MB tăng trưởng 7% so với năm trước, với 38.683 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Lãi từ dịch vụ xấp xỉ năm trước ở mức 4.085 tỷ đồng, mặc dù thu từ dịch vụ bảo hiểm sụt giảm. Hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 29% còn 1.209 tỷ đồng tiền lãi, do tăng chi về các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ.
Điểm sáng góp vào bức tranh kinh doanh năm qua của MB đến từ 542 tỷ đồng lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh, gấp gần 4 lần năm trước.
Mặc dù tổng thu nhập hoạt động tăng khiêm tốn nhưng nhờ tối ưu về chi phí, tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu (CIR) hợp nhất ở mức 31,5%.
Thêm vào đó, năm 2023 ngân hàng MB chỉ trích 6.087 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm đến 24% so với năm trước, do hoàn nhập dự phòng hơn 4,800 tỷ đồng (gấp 2 lần năm 2022) từ danh mục cơ cấu nợ thành công cho các nhóm khách hàng COVID từ 2020, 2021 và đến nay, cơ bản các khách hàng cơ cấu đã phục hồi hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (quỹ dự phòng tín dụng/nợ xấu) năm 2023 đạt gần 116%.
Năm 2023, MB đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất 7 lần trong năm 2023 với mức giảm từ 2-4% để hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay, đồng hành tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về tình hình hoạt động, MB vẫn duy trì đà tăng trưởng khách hàng bền vững, tổng số lượng khách hàng MB đến 31/12/2023 đạt gần 27 triệu khách hàng. Năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp MB thu hút được hơn 6 triệu khách hàng mới (năm 2021 là 6,2 triệu; năm 2022 là 6,9 triệu khách hàng mới và năm 2023 là 6,3 triệu khách hàng mới).
Tỷ lệ giao dịch trên kênh số của MB duy trì ở mức cao, đạt đến 97%; quy mô giao dịch chuyển tiền của MB qua Napas đứng đầu hệ thống trong 3 năm liên tiếp (2021-2023).
Trong năm qua, số lượng thanh toán không tiền mặt của MB đạt 2,6 tỷ giao dịch, tăng 1,5 lần so với năm 2022. Doanh thu trên các nền tảng số của MB chạm mốc 24,4%. “Trong 4 năm tới, MB xác định doanh thu trên nền tảng số sẽ chiếm 50% doanh thu cho ngân hàng” - ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT cho hay.
Cho vay kinh doanh bất động sản tăng mạnh, tỷ lệ nợ xấu duy trì mức thấp
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, tính đến 31/12/2023, tổng tài sản tại MB mở rộng 30% so với đầu năm, lên gần 944.954 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng đến 67% đạt 66.321 tỷ đồng; tiền gửi và cho vay TCTD khác tăng 40% đạt 46.343 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 33% đạt 611.048 tỷ đồng.
Số dư tiền gửi của khách hàng đạt 569.640 tỷ đồng, tăng 27,9% so với đầu năm. Trong năm, số dư tiền gửi hông kỳ hạn (CASA) năm 2023 cũng tăng trưởng gần 27% so với năm 2022. Tỷ lệ CASA đạt khoảng 40,1%.
Theo thuyết minh cho vay theo ngành nghề kinh doanh, tính đến 31/12/2023, ngân hàng MB rót hơn 168.000 tỷ đồng vào ngành "hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình", tăng 12% so với đầu năm, chiếm 27,49% dư nợ cho vay.
Ngân hàng MB còn tập trung cho vay vào bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác với hơn 165.000 tỷ đồng, chiếm 27,07% dư nợ cho vay, tăng 44% so với đầu năm. Tiếp đến, MB rót hơn 98.521 tỷ đồng vào công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 16,12% dư nợ cho vay.
Đặc biệt, dư nợ cho vay về hoạt động kinh doanh bất động sản tại MB tính đến cuối năm 2023 hơn 43.000 tỷ đồng, tăng vọt 103% so với đầu năm, chiếm 7,09% dư nợ cho vay. Bên cạnh đó, MB còn rót hơn 28.700 tỷ đồng vào ngành xây dựng, chiếm 4,70% dư nợ cho vay.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2023 tại MB///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Cùng với tăng mạnh về cho vay khách hàng, nợ xấu của MB tính đến cuối năm 2023 tăng tới 95% từ hơn 5.000 tỷ lên hơn 9.804 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu (tỷ lệ nợ nhóm 3 đến nhóm 5 trên tổng cho vay khách hàng) từ 1,09% hồi đầu năm nhích tăng lên 1,6%. (tỷ lệ nợ xấu tại MB vẫn ở mức thấp nhất thị trường).
Trong cơ cấu nhóm nợ xấu, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất lên tới 203% so với đầu năm, ghi nhận hơn 3.704 tỷ đồng; tiếp đến là nợ dưới tiêu chuẩn tăng 112% lên hơn 3.210 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 26% lên hơn 2.889 tỷ đồng.
Như vậy, năm 2023, MB lãi kỷ lục 26.300 tỷ đồng nhưng nợ xấu cũng tăng thêm gần 4.800 tỷ đồng lên gần 10.000 tỷ đồng.
Huy Tùng - Hà Phương