Đổ ải vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024: Tiết kiệm tối đa nguồn nước thủy điện
(PetroTimes) - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với EVN và các địa phương, thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước đổ ải năm nay.
PV: Xin ông cho biết tình hình lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân 2023 - 2024 tới nay?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Theo kế hoạch, đợt 1 lấy nước bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/01/2024 đến 24 giờ ngày 30/1/2024 (tổng cộng 8 ngày), tuy nhiên do thực tế tiến độ lấy nước nhanh hơn dự kiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo rút ngắn 2 ngày, kết thúc lúc 24 giờ ngày 28/01/2024.
Mặc dù rút ngắn thời gian như vậy, nhưng diện tích lấy nước tới nay đã đạt 95%. Hiện nay, diện tích còn lại chỉ khoảng 5%, sẽ được lấy nước trong đợt 2. Bộ đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi liên tỉnh vận hành tối đa các công trình thủy lợi để hoàn thành cấp đủ nước cho toàn bộ diện tích gieo cấy; các tỉnh, thành phố cần tăng cường tích trữ nước tối đa trong hệ thống kênh mương, đầm, ao, khu trũng dành cho tưới dưỡng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp |
PV: Năm 2024, các giải pháp để tận dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước đổ ải được thực hiện ra sao, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Năm nay, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với EVN để xả nước thấp nhất. Trong đợt 2 này, theo tình hình thực tế, dự kiến có thể tiếp tục rút ngắn 1 ngày so với kế hoạch.
Phải khẳng định, EVN đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ NNPTNT và thực hiện đúng, nghiêm các chỉ đạo, các kế hoạch 2 bên cam kết. Trong đó, tất cả các lần xả nước, mực nước tại Hà Nội đều được đảm bảo giúp cho các địa phương chủ động lấy nước theo đúng kế hoạch. Nhờ vậy đã rút ngắn được số ngày xả nước so với kế hoạch.
Cụ thể, năm nay ngành nông nghiệp cần khoảng 3,5 tỷ m3 nước phục vụ đổ ải, tới thời điểm này, Bộ khẳng định sẽ điều hành lấy nước dưới 3 tỷ m3. Như vậy, có thể tiết kiệm được khoảng 500-600 triệu m3. Lượng nước này rất có ý nghĩa phục vụ cấp điện cho miền Bắc, nhất là các tháng mùa khô, cao điểm nắng nóng.
Một giải pháp khác là trong năm 2024, Bộ điều hành tưới dưỡng không lấy nước tập trung, nghĩa là các địa phương sẽ lấy nước rải rác căn cứ lịch thủy triều và lịch phát điện của nhà máy thủy điện để tích đủ nước tưới dưỡng. Như vậy sẽ tiết kiệm được tối đa nguồn nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình lấy nước đổ ải đợt 2, ngày 19/2 tại trạm bơm Phù Sa, Sơn Tây, Hà Nội |
PV: Hiện có một số địa phương còn gặp khó khăn hoặc chậm hơn trong việc lấy nước, ông có khuyến cáo điều gì?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Hiện nay, có một số khó khăn trong việc lấy nước tại các địa phương: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng. Trong đó, đối với Hải Phòng, lần đầu tiên có hiện tượng nước mặn không lấy được. Còn tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, do vụ màu kéo dài nên bà con lấy nước chậm hơn so với các địa phương khác.
Để việc lấy nước mang lại hiệu quả, các địa phương cần phải tập trung thực hiện cấy theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hoàn thành cấy xong trước ngày 28/2. Bên cạnh đó, đối với việc tưới dưỡng, các địa phương phải lưu ý sẽ không có các đợt lấy nước tập trung, nên cần chủ động sớm tiếp tục tích nước vào ruộng và kênh mương.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
2 đợt xả nước đổ ải vụ Đông Xuân 2023 - 2024: - Đợt 1: Từ 0 giờ ngày 23/01/2024 đến 24 giờ ngày 28/1/2024 - Đợt 2: Kế hoạch từ 0 giờ ngày 18/2/2024 đến 24 giờ ngày 21/02/2024 |
M.Hạnh (thực hiện)