Miếu thờ bà mụ ở Bình Định được vua Tự Đức ban sắc “Ân Đức Độ Nhân”
Di tích Miếu Bà xưa kia là ngôi miếu nhỏ bằng mái tranh, vách đất được người dân xã Nhơn Phong (thị xã An Nhơn, Bình Định) lập từ thế kỷ XVII để thờ người phụ nữ có tấm lòng đức độ làm nghề đỡ đẻ.
Di tích Miếu Bà đã được chính quyền, nhân dân địa phương trùng tu, xây dựng lại khang trang. Ngày 16, 17 tháng Giêng âm lịch hàng năm, địa phương long trọng tổ chức lễ hội Miếu Bà hay còn gọi là lễ hội Vía Bà Nhơn Phong.
“Người nhà trời cử xuống giúp dân”
Theo lời truyền ở thôn Liêm Định (xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, Bình Định), từ thế kỷ XVII có một phụ nữ tên là Đỗ Thị Tân không rõ từ nơi nào đến sống một mình trong ngôi nhà tranh, vách đất bên bờ sông cạnh chợ Cảnh Hàng, xã Nhơn Phong.
Lễ hội Miếu Bà tổ chức vào ngày 16,17 tháng Giêng hàng năm (Ảnh: Doãn Công). |
Bà nổi tiếng mát tay trong việc đỡ đẻ, giải quyết được nhiều ca sinh khó, cứu sống nhiều sản phụ quanh vùng. Chẳng quản đêm tối, mưa gió, chẳng phân biệt sang hèn, nơi nào cần, Bà đều có mặt, tạo phúc cho đời mà chẳng màng ơn nghĩa. Nhân dân quanh vùng đều kính trọng, ngưỡng mộ tài đức của Bà.
Những bậc cao niên ở địa phương cũng kể lại, đêm 16 rạng sáng 17 tháng Giêng âm lịch, Bà lặng lẽ ra đi không một lời từ biệt, dân làng buồn thương tìm kiếm khắp nơi nhưng bặt vô âm tín. Các cụ già trong làng cho rằng, Bà là người “nhà trời” cử xuống giúp dân, giờ xong nhiệm vụ đã về trời.
Những bậc cao niên ở Nhơn Phong xem Miếu Bà rất linh thiêng (Ảnh: Doãn Công). |
Tưởng nhớ ân đức của Bà, dân làng nơi đây lập miếu thờ ngay trên nền lều tranh cũ. Người dân địa phương gọi là Miếu Bà hay còn gọi là “Hộ Sản Nương Thần Miếu”.
Kính trọng tài năng, đức độ của bà, về sau, vua Tự Đức ban sắc phong “Ân Đức Độ Nhân”. Năm 2006, Miếu Bà đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh.
Bà Bùi Thị Hai (85 tuổi, thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong), người thường chăm nom Miếu Bà, chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, tôi đã thấy có miếu thờ và nghe ông bà kể những giai thoại về Bà. Bao đời nay, ngoài ngày giỗ Bà, vào ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng, người dân đến Miếu Bà dâng hương cầu an”.
Cấm dâng lễ vật là xôi đậu cho Bà
Theo những bậc cao niên ở Nhơn Phong, Bà “sống sao thác vậy”, lễ vật trong ngày Vía Bà không quy định như các lễ hội khác. Lễ vật dâng lên Bà tùy tâm, mọi người đến cầu lễ đều tâm niệm, tưởng nhớ ân đức của Bà đã hết lòng vì dân làng.
Tượng Bà được thờ bên trong miếu (Ảnh: Doãn Công). |
“Ai có nhiều góp nhiều chứ chẳng bắt buộc. Trước đây, ngày giỗ Bà, người dân chuẩn bị mâm cúng cháo, gà, hoa quả rất đơn giản. Giờ đây, cuộc sống no đủ hơn nên dân làng cúng cả con heo nhưng cấm kỵ không được cúng xôi đậu vì Bà họ Đỗ”, bà Hai nói.
Theo bà Hai, lễ hội Vía Bà bắt đầu lúc 23h ngày 16 tháng Giêng, thực hiện trang nghiêm theo nghi lễ truyền thống. Ban tế lễ gồm 8 vị (1 chánh tế, 1 tả phân hiến, 1 hữu phân hiến, 1 khỉ cổ và 4 học trò trong trang phục tế lễ). Hành lễ xong, thời gian cũng điểm sang ngày hôm sau.
Ngồi hai bên Bà là 2 em bé ăn mặc theo nghi lễ, tượng trưng cho sự trong trắng để hầu Bà (Ảnh: Doãn Công). |
Điểm độc đáo của lễ hội Vía Bà là tục đốt cây bông, từ thời điểm đốt cây bông, thỉnh kiệu án Bà về làng, trên đường đi, đoàn múa lân dừng lại ở những gia đình đặt bàn hương, đèn lồng trước ngõ để đón kiệu Bà. Người dân quan niệm, đoàn lân vào nhà sẽ được hưởng phước Bà ban cho và đoàn lân sẽ xua đuổi những đen đủi, bất trắc để gia chủ bình an, hạnh phúc.
Người dân bốn phương đi lễ Miếu Bà
Bên trong miếu có bài vị thờ Bà luôn được người dân lo hương khói rất chu toàn. Ngồi hai bên Bà là hai em bé ăn mặc theo nghi lễ, tượng trưng cho sự trong trắng để hầu Bà. Đây cũng là tượng trưng cho những sinh linh bé nhỏ lúc chào đời gặp trắc trở được Bà ra tay cứu giúp qua cơn hiểm nghèo, đã mang ân mà theo người mẹ đỡ đầu.
Lễ hội Vía Bà được tổ chức theo nghi lễ truyền thống (Ảnh: Doãn Công). |
Theo ông Nguyễn Văn Ca, thành viên Ban quản lý di tích Miếu Bà, ngoài ngày chính lễ thì những ngày thường, người dân ở các nơi xa gần cũng tìm về Miếu Bà để cầu mong được may mắn, bình an về đường con cái hay tạ ơn.
“Có thời nửa đêm gà gáy, người dân địa phương có con cái sinh khó cũng đến miếu thắp hương cầu Bà để mong mẹ tròn con vuông. Người dân địa phương có con cái mang bầu đều đến miếu thắp hương mong Bà phù hộ”, ông Ca cho hay.
Cụ Nguyễn Thị Lý (86 tuổi, thôn Liêm Định) kể nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến nguyện cầu, sau khi sinh được con, cả nhà tìm về tạ ơn Bà.
Nhiều người dân, du khách đến ngày Vía Bà cũng tìm về xem lễ, dự hội để trải nghiệm nét đẹp văn hóa truyền thống cần giữ gìn và phát huy ở Nhơn Phong.
Theo Dân trí