Tin tức kinh tế ngày 30/1: Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 384 triệu USD
(PetroTimes) - Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 384 triệu USD; Thu hút FDI bất động sản vươn lên vị trí dẫn đầu; Nợ công chuyển biến tích cực… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 30/1.
Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 384 triệu USD (Ảnh minh họa) |
Giá vàng tiếp tục tăng mạnh
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 30/1, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2031,54 USD/ounce, tăng 7,06 USD so với cùng thời điểm ngày 29/1.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 30/1, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 74,3-76,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 100.000 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm ngày 29/1.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 74,15-76,75 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 250.000 đồng ở chiều mua và tăng 100.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 29/1.
Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 384 triệu USD
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan công bố trong kỳ 1 tháng 1 (đến ngày 15/1), cán cân thương mại hàng hóa đang thặng dư 384 triệu USD.
Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập-khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu năm đạt xấp xỉ 29,8 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái với giá trị tăng 1,24 tỷ USD. Trong số đó, xuất khẩu tăng 3,3%, tương ứng 488 triệu USD và nhập khẩu tăng 5,4%, tương ứng 752 triệu USD.
Thu hút FDI bất động sản vươn lên vị trí dẫn đầu
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và giải ngân đồng loạt tăng trong tháng đầu của năm 2024. Đáng chú ý, có tới 1,27 tỷ USD vốn FDI rót vào lĩnh vực bất động sản, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp đôi so với tháng 1/2023.
Như vậy, sau thời gian dài chỉ đứng ở vị trí thứ 2 trong số các lĩnh vực, ngành nghề (sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) thì đến tháng 1/2024 thu hút FDI bất động sản đã bứt phá ngoạn mục, vươn lên vị trí dẫn đầu.
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức cao kỷ lục
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2024, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch từ tháng 3/2022.
Con số này tương đương với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2019, thời điểm trước dịch.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách đến lớn nhất trong tháng 1 với 418.000 lượt (chiếm 27,6%); Trung Quốc (xếp thứ 2) với 242.000 lượt, Đài Loan (thứ 3) với 84.000 lượt, Mỹ (thứ 4) với 76.000 lượt.
Nợ công chuyển biến tích cực
Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy nợ công của Việt Nam năm 2023 ở mức bền vững, ổn định. Các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố dư địa chính sách tài khóa. Quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%.
Mức dư nợ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2023 của các quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm BB là 52,8% GDP và BBB là 54,9% GDP.
Tin tức kinh tế ngày 29/1: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh; Tháng 1, CPI cả nước tăng 3,37%; 11 dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt được cấp phép… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 29/1. |
P.V (t/h)