“Tăng đề kháng” để thoát khỏi bẫy tăng trưởng âm
Năm 2024 được dự báo tiếp tục có nhiều thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp tăng sức đề kháng để tồn tại và thích ứng.
Khó khăn vẫn bao trùm trong năm 2024
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 lần đầu tiên chạm mức kỷ lục với gần 160 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Ở chiều ngược lại, năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022. Cùng với đó, 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%.
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động hay giải thể trong năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm, tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng).
Dự báo xu hướng năm 2024, Tổng cục Thống kê cho rằng, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Nhìn về dài hạn từ nay đến năm 2030, các chuyên gia mới đây đề cập đến trạng thái mới của thế giới, thay thế cho trạng thái VUCA. Đó là trạng thái BANI được đặc trưng bởi Brittle (Mong manh, Dễ vỡ), Anxious (Bất an, Lo lắng), Non-Linear (Phi tuyến tính) và Incomprehensible (Khó hiểu). Thừa hưởng nhiều yếu tố của thế giới VUCA nhưng với những đặc tính nghiêm trọng hơn và sâu rộng hơn.
Trạng thái BANI được định hình bởi 12 xu hướng chính như biến động cực đoan gia tăng, thiếu hụt nhân tài, thách thức cho năng suất kinh tế, mô hình chia sẻ thay thế cho mô hình sở hữu… Đặc biệt, một số xu hướng chính đang được doanh nghiệp vận động chuyển đổi mạnh mẽ như ESG, công nghệ tái định hình thế giới hay kỷ nguyên của năng lượng tái tạo.
Liều thuốc để doanh nghiệp tăng sức đề kháng
Từ nhận định về khó khăn tác động đến doanh nghiệp và nền kinh tế, Tổng cục Thống kê cho rằng để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội trong năm 2024, ngoài các chính sách tài khoá và tiền tệ, các giải pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng, cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử…
Đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ được xem là liều thuốc hỗ trợ doanh nghiệp tăng đề kháng |
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia nhấn mạnh: phát triển bền vững, ESG và công nghệ cũng là những từ khoá chính định hình tương lai, tác động đến nền kinh tế, doanh nghiệp toàn cầu từ nay đến năm 2030.
Tại Báo cáo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023, các chuyên gia nhận định: công nghệ có quy mô về mặt thị trường tầm nhìn đến 2030 lớn nhất vẫn là IoT (internet vạn vật), trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, có thể xem xét đến hydrogen xanh hay công nghệ xe điện là nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Trong đó, ở thị trường công nghệ, các doanh nghiệp cần lưu tâm đến tài sản trí tuệ được xem là tài sản vô hình, động lực tăng trưởng quan trọng để phát triển bền vững trước sự thay đổi chóng vánh của thị trường công nghệ. Nhìn vào chỉ số S&P 500 của doanh nghiệp, giá trị đóng góp của nhóm tài sản vô hình ngày càng lớn và đã chiếm đến 90% cấu phần giá trị thị trường của các doanh nghiệp này vào năm 2020. Trung Quốc hiện đang là quốc gia đi rất nhanh với tỷ lệ sở hữu bằng sáng chế, tập trung vào các công nghiệp tiên phong 4.0, công nghệ năng lượng xanh tái tạo.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Dương Thanh Tâm - Phó Chủ tịch HĐQT Canifa cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tuy tăng trưởng chưa đạt được như mục tiêu đề ra nhưng thực tế trong ngành bán lẻ, Canifa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương, thoát bẫy tăng trưởng âm. Theo bà Dương Thanh Tâm, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách đón cơn bão khác nhau. Canifa đã lựa chọn đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo để có thể vượt qua cơn bão hoàn hảo của kinh tế thế giới.
Chủ nghĩa kinh nghiệm đã lạc hậu, doanh nghiệp cần trải qua giai đoạn tái khởi động và nâng cao năng lực (Unskill - Reskill - Upskill) doanh nghiệp liên tục với công nghệ. Doanh nghiệp đã coi đầu tư đổi mới sáng tạo chính là để tăng sức đề kháng cho mình. Trước khi ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số, doanh nghiệp cần chuyển đổi tư duy. Nhờ vậy, năm nay, Canifa đạt doanh thu tốt từ nền tảng thương mại điện tử.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới Ngày 11/1, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới". |