PGS. TS Ngô Trí Long: Áp lực lạm phát 2024 không quá lớn, song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
(PetroTimes) - Trao đổi với PetroTimes, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, bước sang năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn thách thức. Áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn, vẫn nằm trong tầm kiểm soát song tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng mạnh. Do đó, không vì thế mà chúng ta chủ quan trong việc kiểm soát giá cả trong năm 2024, bởi tình hình kinh tế vẫn có biến động phức tạp, khó lường.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long (Ảnh: Mạnh Tưởng) |
Những yếu tố chính làm gia tăng lạm phát
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, mặc dù giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong nước cũng như thế giới nhìn chung có xu hướng giảm trong năm 2023 nhưng vẫn đang ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp và tạo áp lực tăng giá đối với hàng hóa tiêu dùng.
Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đồng đô la Mỹ tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Giá gạo trong nước dự báo tiếp tục xu hướng tăng theo giá gạo thế giới do Ấn Độ, Nga, UAE hạn chế hoặc cấm xuất khẩu gạo và sự tác động của El Nino có thể gây căng thẳng hơn nữa đối với thị trường gạo toàn cầu, làm trầm trọng lạm phát giá lương thực trong thời gian tới, từ đó tác động tới giá trong nước. Giá gạo toàn cầu trung bình năm 2023 cao hơn 28% so với năm 2022 và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024 (theo dự báo của WB) tiếp tục tác động đến giá lương thực thực phẩm.
Giá các mặt hàng năng lượng, nhiên liệu biến động khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tạo nên các cú sốc cho lạm phát năm 2024. Giá dầu cũng là một yếu tố đáng chú ý trong năm 2024 trong bối cảnh các xung đột quốc tế có thể kéo dài. Tuy nhiên, triển vọng giá dầu chưa thực sự rõ ràng vì các cam kết cắt giảm từ OPEC+ hiện tại chỉ chắc chắn kéo dài đến hết Quý I/2024, sản lượng từ các quốc gia ngoài OPEC+ liên tục gia tăng trong bối cảnh nhu cầu ảm đạm do ảnh hưởng từ nền kinh tế.
Dự báo giá dầu trung bình năm 2024 sẽ trong khoảng 83 - 85 USD/thùng, tức là tăng nhẹ khoảng 1,2% - 3,6% so với giá dầu trung bình năm 2023. Tuy vậy, Cơ quan Năng lượng quốc tế dự báo, nhu cầu dầu năm 2024 sẽ tăng chậm lại khi kết thúc giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, cùng với sự phát triển của các loại xe điện và một số yếu tố khác. Xung đột giữa Nga và Ukraine, giữa Israel và Hamas chưa biết bao giờ kết thúc, đồng thời những bất ổn ở Biển Đỏ làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển, từ đó có thể sẽ ảnh hưởng đến giá nguyên, nhiên, vật liệu.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, điện là mặt hàng rất quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng nên có tác động trực tiếp khá lớn tới lạm phát. Năm 2023, điện đã điều chỉnh 2 lần giá bán lẻ điện bình quân vào tháng 5 và tháng 11, tuy nhiên mức điều chỉnh không cao, chỉ tăng 3% và 4,5% và lần điều chỉnh thứ hai vào cuối năm nên tác động rất ít tới chỉ số giá tiêu dùng của năm 2023 nhưng sự tác động sẽ thể hiện rõ ràng hơn trong năm 2024. Thêm vào đó, có khả năng giá bán lẻ điện bình quân sẽ tiếp tục những lần điều chỉnh trong năm 2024 khi mà nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng lên cùng với sự biến đổi khí hậu gây nên thời tiết cực đoan, từ đó tạo áp lực lên lạm phát.
Giá thép xây dựng nội địa sẽ phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn (tăng 8% so với cùng kỳ) trong năm 2024 nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ sẽ thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% so với cùng kỳ theo dự báo của CBRE, sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa và tác động đến chỉ số giá của nhóm vật liệu xây dựng.
Năm 2024, Việt Nam cũng thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục, từ đó tác động làm tăng CPI. EVN có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao.
Việc thực hiện cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ giữa năm 2024 sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên. Các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch... dự kiến cũng sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới.
Lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại và lãi suất cơ bản của NHNN đã hạ thấp, cùng với đó Chính phủ chỉ đạo tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối năm sẽ tạo áp lực lạm phát.
Những yếu tố giúp giảm áp lực lạm phát
Nói về những yếu tố làm giảm áp lực lạm phát trong năm 2024, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tiến dần về mức lạm phát mục tiêu, sẽ giảm áp lực "nhập khẩu"; giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát; thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát năm 2023 cũng đã tạo đà cho việc giữ ổn định lạm phát trong năm 2024.
Chính phủ thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sẽ làm giảm lạm phát kỳ vọng.
Năm 2024, kinh tế Mỹ dự báo hạ cánh mềm và Fed có thể cắt giảm lãi suất vào cuối quý I khiến USD giảm giá và tỷ giá giữa Việt Nam đồng và Đôla Mỹ giảm, do đó giảm áp lực lạm phát do tỷ giá đối với kinh tế Việt Nam. Một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2023 được tiếp tục thực hiện trong năm 2024 như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ; với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào sẽ giúp Việt Nam giảm bớt áp lực lạm phát trong bối cảnh đang xuất hiện nhiều rủi ro, thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.
Sự chủ động và nguồn cung dồi dào về lương thực, thực phẩm - nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu dùng của người dân; Chính phủ có kinh nghiệm trong điều hành giá hàng hóa và dịch vụ chiến lược, cùng với tổng cầu tiêu dùng chưa có dấu hiệu khởi sắc, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4%- 4,5% đã được Quốc hội thông qua hoàn toàn khả thi
Với những yếu tố gia tăng và kiềm chế lạm phát như đã nêu trên trong năm 2024, dự báo CPI bình quân 2024 sẽ dao động ở mức 3,5% - 3,6%. Mức lạm phát vẫn duy trì nằm trong kế hoạch mục tiêu của Quốc hôi đề ra là 4%-4,5% do cầu trong nước vẫn còn thấp
Kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên trong trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024/Ảnh minh họa ( Nguồn Internet) |
Giải pháp kiểm soát lạm phát 2024
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên trong trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Nhiều ý kiến cho rằng, chưa có nhiều yếu tố đáng ngại với mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4- 4,5% trong năm 2024, song cần cẩn trọng và có kịch bản ứng phó với những yếu tố bất lợi từ kinh tế thế giới.
Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được thông qua trong Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được Quốc hội yêu cầu là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 được đặt mục tiêu kiểm soát ở mức 4 - 4,5%. Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu do Quốc hội đề ra, cần triển khai động bộ các giải pháp:
Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, qua đó hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân, kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung;
Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn, cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn, có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên nhiên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất...
Các Bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu của ngành, địa phương quản lý để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp lễ, tết, cuối năm nhằm hạn chế tăng giá; Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới;
Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, ngay từ đầu năm cần phải xây dựng kế hoạch, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) phù hợp với mục tiêu kiềm soát lạm phát. Cần sớm lên phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong phối hợp chính sách vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung;
Tận dụng tốt các FTA để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất để kiểm soát lạm phát;
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng; Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chú trọng phát triển kinh tế số - xã hội số; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh; nâng cao hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, từ đó giảm áp lực lạm phát trong trung - dài hạn.
Các Bộ, các ngành và các địa phương cần chủ động phối hợp chặt chẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả của các mặt, đặc biệt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas,...) để có giải pháp ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước;
Chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đặc biệt, thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.
“Cần xây dựng, thực hiện Chương trình bình ổn giá, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh xây dựng và triển khai chương trình bình ổn giá; Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các thương nhân mua bán các mặt hàng thiết yếu nhằm tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết thêm.
Huy Tùng