Khi nào lãi suất sẽ quay đầu?
Không ít chuyên gia cho rằng đến thời điểm này, đã không cần phải đặt nặng trọng tâm vào khả năng "quay đầu" của Fed - vì có quá nhiều tín hiệu cho thấy Fed sẽ hạ nhiệt lãi suất vào năm sau.
Theo FedWatch cập nhật vào 22/12, có tới 83,5% khả năng Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại (5,25-5,50%) trong cuộc họp đầu tháng 2 năm sau. Ảnh: Xinhua |
Bên cạnh đó, cũng có những quan điểm cho rằng trên thực tế, Việt Nam đã thể hiện một bản lĩnh dám "đi ngược chiều gió" - nới lỏng tiền tệ sớm từ đầu quý II/ 2023, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu vẫn đang "vò đầu" ứng phó lạm phát bằng cách không ngừng tăng lãi suất.
Nhưng cho dù như vậy, mức độ tác động của các nền kinh tế bên ngoài, với chuyển động của các NHTW lớn, đến chính sách tiền tệ của các quốc gia khác, vẫn rất lớn. Việt Nam không là ngoại lệ. Cũng như, thực tế các nhà điều hành vẫn phải luôn "nhìn" biến động lãi suất FFR và "canh" điều tiết tỷ giá, bởi dòng vốn vào và dòng vốn ra luôn có liên quan mật thiết từ các biến số này và tác động đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính vì vậy, đặt câu hỏi bao giờ lãi suất Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) thực sự "quay đầu", cho phép các dự báo về chính sách, diễn biến tiền tệ ở "thì tương lai" có thể rõ ràng hơn.
Trả lời cho câu hỏi này, chứng khoán MBS cho rằng, cuộc chiến chống lạm phát đang đổi chiều theo hướng có lợi cho NHTW các nước nhờ giá năng lượng hạ nhiệt cũng như chuỗi cung ứng cải thiện dẫn đến giá cả hàng hóa quay trở lại mặt bằng hợp lý. Trung bình giá dầu năm 2023 ở mức 82US$/thùng, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 101USD của năm.
Đồng thời, các nút thắt của chuỗi cung ứng cũng như tình trạng thiếu chất bán dẫn đã được tháo gỡ trong năm 2023, đây được cho là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến giá cả hàng hóa leo thang trong giai đoạn 2021. Vì vậy, tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ mức đỉnh 9,1% của năm 2022 xuống còn 3,1% trong tháng 11/23 và đang có khả năng giảm hơn nữa khi chỉ số giá nhà vẫn đang trên đà giảm tốc. Tại khu vực đồng Euro, lạm phát đã xuống mức dưới 3% trong từ tháng 10 và tại Anh, lạm phát đã rơi xuống mức 4,6% trong tháng 10, đây là mức thấp nhất trong hai năm gần đây.
"Lạm phát hạ nhiệt cho phép các NHTW chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất và dần chuyển dịch từ chính sách thắt chặt sang giai đoạn hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Lãi suất sẽ hạ từ khi nào và mức giảm sẽ là bao nhiêu?
Trong kỳ họp ngày 13/12, Fed phát đi thông điệp kỳ vọng có ít nhất 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024, với tổng mức giảm là 75 điểm cơ bản. Trong lịch sử chu kỳ tăng lãi suất của Fed, khoảng thời gian bình quân từ lần tăng cuối cùng đến lần giảm đầu tiên là 8 tháng. Vì vậy thị trường tài chính thậm chí đang kỳ vọng lãi suất sẽ giảm từ tháng 3/2024 với tổng mức giảm 150 điểm cơ bản trong năm 2024. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng trong bối cảnh giá năng lượng vẫn còn khó đoán định, giá lương thực thực phẩm vẫn có xu hướng tăng trong năm 2024 do sản lượng thấp, do đó lạm phát của Mỹ vẫn đang cách khá xa mục tiêu dài hạn 2% của Fed.
Bên cạnh đó, chu kỳ đầu tư chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu “zero-carbon” và đầu tư công nghệ mới vẫn đang tạo áp lực lên chi phí vốn. Do đó lãi suất sẽ khó hạ nhiệt nhanh trong năm 2024. Chúng tôi dự báo Fed sẽ giảm lãi suất khoảng 100 điểm cơ bản, lãi suất sẽ ở mức 4,5% vào cuối năm 2024" Bộ phân phân tích của MBS nêu.
Công cụ FedWatch cập nhật ngày 22/12/2023, có đến 83,5% tin rằng Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại (5,25-5,50%) và chỉ có 16,5% xác suất chỉ ra lãi suất Fed sẽ hạ về 5,0%- dưới 5,25% ngay trong cuộc họp đầu tháng 2 năm sau. Diễn biến này cho thấy số lượng người tin tưởng Fed sẽ tiến tới xu hướng nới lỏng tiền tệ đang cao. Con số thể hiện lãi suất định hướng này rõ ràng đã có những điều chỉnh thấp hơn so với tuần trước khi tuần trước, có tới 87,6% cho rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất cao như hiện tại.
Ngay cả như vậy và khi các thành viên thuộc FOMC đưa ra lộ trình dự báo về ít nhất ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, mỗi lần điều chỉnh lãi suất ước tính khoảng 0,25%; theo đó dự kiến thay đổi lãi suất thấp hơn so với kỳ vọng bốn lần của thị trường nhưng rõ ràng vẫn đã phát đi tín hiệu mềm mỏng đối với chính sách tiền tệ - thì cũng chưa có gì là chắc chắn.
Bởi lẽ, các chuyên gia dự báo, ít nhất Fed vẫn sẽ phải quan sát kỹ các dữ liệu kinh tế khi kết thúc năm, cùng với đó là các dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ suy thoái, có hoặc không, xảy ra với nước Mỹ. Kênh Fox Business dẫn kết quả khảo sát từ Bankrate, chỉ ra có khoảng 59% người trưởng thành ở Mỹ tin kinh tế Mỹ đang suy thoái. Theo định nghĩa, nền kinh tế bị coi là suy thoái khi có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Khảo sát này ghi nhận ước tính khoảng 50% người Mỹ cho biết tình hình tài chính của họ đã xấu đi tính từ sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Và ứoc tính khoảng gần 2/3 người Mỹ trả lời khảo sát cho rằng nhiều yếu tố như lạm phát leo thang, lãi suất cao cũng như thay đổi về việc làm và thu nhập đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của họ trong năm 2023.
Khi kỳ vọng suy thoái cao, người ta thông thường sẽ có xu hướng hành động theo kỳ vọng, ở đây sẽ tiếp tục là xu hướng thắt lưng buộc bụng chi tiêu phòng tránh khó khắn - một trong những hành vi có tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Một yếu tố cũng cần được xem xét, để trả lời cho câu hỏi bao giờ thì lãi suất Fed quay đầu, đó là vào năm tới, đừng quên nước Mỹ còn một cuộc bầu cử. Điều này dẫn đến dự báo về khả năng Fed sẽ không dám có những động thái chính sách quá mạnh tay trong năm bầu cử 2024.
Như vậy, khi lãi suất Fed chưa thực sự sẵn sàng "quay đầu", với các nền kinh tế như Việt Nam, tác động có thể sẽ không còn mạnh nhưng vẫn còn rất rõ vì nó sẽ góp phần tạo ra mặt bằng lãi suất toàn cầu - chi phối tăng trưởng kinh tế nhanh/ chậm; cũng như có ý nghĩa với sức cầu xuất khẩu từ Việt Nam.
Sức ép lớn với tỷ giá được dự báo sẽ không căng, khi thặng dư thương mại, nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định..., nhưng ở mặt bằng lãi suất cao, chắc chắn chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD của Việt Nam vẫn cao. Và đáng nói là một khi dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài còn e ngại rủi ro, rút vốn... thì đó vẫn sẽ là số ít trong những yếu tố có thể ảnh hưởng ngược trở lại đến chính sách tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam, trong năm sau.