Thương vụ chiến lược của TikTok ở Đông Nam Á
Trong bối cảnh có nguy cơ bị “cấm cửa” ở Indonesia, TikTok đã có bước đi chiến lược khi đầu tư 1,5 tỷ USD vào Tokopedia của GoTo để khởi động lại tham vọng ở Đông Nam Á.
Theo đó, một phần của thỏa thuận này, TikTok sẽ mua lại 75,01% hoạt động kinh doanh Tokopedia của GoTo với giá khoảng 840 triệu USD. Các hoạt động kinh doanh của Tokopedia và TikTok Shop ở Indonesia cũng sẽ được hợp nhất thành thực thể Tokopedia hiện có, với các tính năng mua sắm trong ứng dụng TikTok ở Indonesia sẽ được vận hành và duy trì bởi thực thể mở rộng.
TikTok đã có bước đi chiến lược khi đầu tư 1,5 tỷ USD vào Tokopedia của GoTo. |
Ngoài ra, TikTok cũng đã cam kết đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào đơn vị mở rộng theo thời gian, cung cấp nguồn vốn trong tương lai mà doanh nghiệp yêu cầu mà không cần pha loãng thêm GoTo. Thỏa thuận này sẽ cho phép cả TikTok và GoTo phục vụ người tiêu dùng và doanh nghiệp Indonesia một cách toàn diện hơn.
GoTo sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của thực thể mở rộng và sẽ vẫn là đối tác hệ sinh thái của Tokopedia, thông qua các dịch vụ tài chính kỹ thuật số (GoTo Financial) và các dịch vụ theo yêu cầu (GoJek). GoTo cũng sẽ nhận được nguồn doanh thu liên tục từ Tokopedia tương xứng với quy mô và tốc độ tăng trưởng của nó.
Trong tương lai, TikTok, Tokopedia và GoTo đặt mục tiêu cùng nhau chuyển đổi lĩnh vực thương mại điện tử của Indonesia, hướng tới tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm mới trong 5 năm tới. Giao dịch dự kiến sẽ kết thúc vào quý đầu tiên của năm 2024.
Theo các nhà phân tích, thương vụ này được coi là đặc biệt tích cực đối với GoTo Group, tập đoàn đang tìm cách củng cố vị thế tài chính và chiến lược của mình sau khi chật vật kiếm lợi nhuận. Đầu tháng 3, GoTo đã báo cáo khoản lỗ ròng tăng 56% vào năm 2022 lên 40,4 nghìn tỷ IDR (2,6 tỷ USD) từ 25,9 nghìn tỷ IDR (1,7 tỷ USD) của năm trước. Khoản lỗ ngày càng lớn đã khiến GoTo, một công ty niêm yết, đến đỉnh điểm, phải chịu áp lực từ các nhà đầu tư và dẫn đến sự thay đổi trong ban lãnh đạo, với việc Patrick Walujo thay thế Andre Soelistyo làm Giám đốc điều hành.
“Ngộ biến tùng quyền”?
Trên thực tế, TikTok đã nhanh chóng mở rộng trên toàn thế giới, không chỉ ở Mỹ và Châu Âu mà còn ở Đông Nam Á. Indonesia đã phát triển để trở thành thị trường lớn nhất của TikTok Shop kể từ khi ra mắt vào năm 2021, nhưng TikTok đã gặp phải một rào cản lớn tại đất nước này.
Hiện Indonesia đang là thị trường lớn thứ 2 của TikTok với 113 triệu người dùng. |
Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã đưa ra lệnh cấm các giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok Shop và Facebook. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dùng sẽ không được phép mua hoặc bán hàng hóa, dịch vụ thông qua các nền tảng đó.
Theo một báo cáo của BMI cho thấy, thương mại điện tử chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng giao dịch trực tuyến tại Indonesia. Tính đến tháng 7/2023, tổng giá trị giao dịch trực tuyến tại nước này đã đạt kỷ lục 160 nghìn tỷ IDR (10,3 tỷ USD), và trong tổng giá trị giao dịch trực tuyến đạt 52 tỷ USD năm 2022, phía TikTok chiếm 5% con số này.
Hiện Indonesia đang là thị trường lớn thứ 2 của TikTok với 113 triệu người dùng, chỉ đứng sau Mỹ với 116,5 triệu người dùng. Tuy nhiên nếu tính riêng TikTok Shop thì số lượng khách hàng Indonesia lại đứng đầu khi quốc gia này là thị trường đông dân thứ 4 toàn cầu.
Chính vì lý do này mà TikTok đã phải cố gắng “ngộ biến tùng quyền”, nhằm khôi phục hoạt động tại một trong những thị trường tiềm năng nhất của mình.
Theo các nhà phân tích, việc tích hợp TikTok Shop vào Tokopedia sẽ cho phép ứng dụng này tiếp tục hoạt động ở Indonesia. Sự hợp tác mới này cũng cho phép TikTok khởi động lại các hoạt động thương mại điện tử ở Indonesia theo một cấu trúc hơi khác. Động thái này rất quan trọng để TikTok đi đúng hướng với các kế hoạch rộng lớn hơn của mình.
Ngoài ra, việc hợp tác với tư cách là một thực thể kết hợp cũng có thể mở ra những cải tiến về hiệu quả hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như mua sắm, hậu cần, thanh toán, v.v., mang lại lợi ích cho cả TikTok và Tokopedia trong cuộc cạnh tranh với đối thủ lớn Shopee để trở thành người dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Indonesia và Đông Nam Á. Tại Indonesia, Shopee hiện đang dẫn đầu, trong khi Tokopedia đang bám sát phía sau dựa trên thị phần.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Tiết lộ chiến thuật giúp McDonald's đã giàu lại thêm giàu |
Starbucks bị nhân viên làm lộ công thức bí mật: KFC, Coca-Cola từng dính |