Hydro xanh là xu hướng giúp các quốc gia phát triển mạnh mẽ, bùng nổ
(PetroTimes) - Chiều 16/12, Hội Vật lý Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Khoa học “Vật lý học và Khoa học Vật liệu trong sự phát triển của Khoa học và Công nghệ Việt Nam”.
Tại hội thảo đã có 6 tác giả trình bày về 6 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Cụ thể, GS.TS Nguyễn Quang Liêm, Viện Khoa học Vật liệu đã trình bày đề tài khoa học “Đất hiếm: Tình hình khai thác, chế biến, sử dụng trên thế giới và Việt Nam”; GS.TS Nguyễn Đức Chiến, Hội Vật lý Việt Nam và Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam trình bày đề tài “Vai trò của Hội Vật lý Việt Nam và Hội Khoa học Vật liệu trong phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; GS.TS Lê Văn Hiếu, trường Đại học KHTN TP HCM trình bày “thành tự về phát triển nguồn nhân lực và các hướng nghiên cứu vật lý - vật liệu tại Đại học KHTN - Đại học Quốc gia TP HCM”.
Toàn cảnh Hội thảo Khoa học “Vật lý học và Khoa học Vật liệu trong sự phát triển của Khoa học và Công nghệ Việt Nam”. |
Cùng với đó, GS.TSKH Đặng Mậu Chiến trình bày đề tài “Nghiên cứu và đào tạo quy trình, quy chế Chip bán dẫn, vi hệ thống (Microsystem) tại Viện Công nghệ Nano (INT) - Đại học Quốc gia TP HCM từ khi thành lập - 2004”; PGS.TS Đoàn Đình Phương, Viện Khoa học Vật liệu trình bày đề tài “Năng lượng Hydro: Vai trò, tiềm năng và một số kết quả nghiên cứu tại Viện Khoa học Vật liệu”; PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải trình bày đề tài nghiên cứu “Đổi mới hoạt động đào tạo vật lí để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Với đề tài “Năng lượng Hydro: Vai trò, tiềm năng và một số kết quả nghiên cứu tại Viện Khoa học Vật liệu”, PGS.TS Đoàn Đình Phương nhấn mạnh đến vai trò của năng lượng Hydro. Cụ thể, việc tích trữ điện mặt trời, điện gió bằng tấm pin không thích hợp cho công suất lớn; tích trữ bằng thủy điện vẫn là vấn đề, chưa giải quyết được. Tuy nhiên, tích trữ bằng năng lượng Hydro xanh (sạch, chỉ thải ra H2O) có thể tích trữ công suất lớn, giải quyết được bài toán tích trữ năng lượng. Do đó, từ năm 1987, nhiều quốc gia trên thế giới đã quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân, hướng đến năng lượng xanh, trong đó có năng lượng Hydro.
PGS.TS Đoàn Đình Phương cũng dự báo những quốc gia sẽ sản xuất Hydro nhiều nhất trên thế giới giai đoạn 2023 - 2030 là những quốc gia có nguồn năng lượng mặt trời, gió dồi dào như: Úc, Hoa Kỳ, Đức, Canada, Ấn Độ… Cùng với đó, thị trường Hydro sẽ tăng từ 1,2 tỷ USD vào năm 2021 lên 1,83 tỷ USD vào năm 2023 và tăng tới 89,1 USD tỷ USD vào năm 2030. Qua đó, PGS.TS Đoàn Đình Phương khẳng định Hydro và Hydro xanh sẽ là xu hướng phát triển mà thế giới hướng đến. Nếu quốc gia nào có thể tận dụng xu hướng này thì nền năng lượng, công nghiệp quốc gia đó sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, bùng nổ.
PGS.TS Đoàn Đình Phương trình bày đề tài khoa học. |
PGS.TS Đoàn Đình Phương khẳng định tại Việt Nam việc phát triển Hydro xanh rất phù hợp. Bởi Việt Nam có nguồn năng lượng tự nhiên (mặt trời, gió) dồi dào, có thể sản xuất năng lượng Hydro xanh với chi phí thấp (nguồn điện tái tạo lớn 21.000MW vào năm 2021). Với sự đa dạng của nền kinh tế Việt Nam, nguồn năng lượng Hydro có thể được sử dụng vào nhiều ứng dụng khác nhau. Trong đó, Hydrogen được sản xuất và tiêu thụ tại chỗ trong các nhà máy lọc hóa dầu và đạm. Một lượng nhỏ Hydrogen được sử dụng trong sản xuất thép, điện tử, thực phẩm…; Sử dụng hiệu quả năng lượng Hydro giúp Việt Nam đạt được lượng khí thải bằng 0 vào năm 2050 và mang lại cho Việt Nam sự đảm bảo tối đa về nguồn cung năng lượng. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý nằm gần với các tuyến hàng hải quốc tế, kết nối với các thị trường Hydro lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và EU sẽ giúp cho việc xuất khẩu được thuận tiện.
PGS.TS Đoàn Đình Phương cũng đưa ra dự báo việ sản xuất Hydro tại Việt Nam sẽ liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, giai đoạn 2026 - 2030 các dự án sản xuất Hydro tại miền Bắc sẽ đạt 100 - 200 nghìn tấn/năm; miền Trung 200 - 400 nghìn tấn/năm; miền Nam 200 - 400 nghìn tấn/năm. Giai đoạn 2031 - 2050 tại miền Bắc sẽ đạt 1000 - 6000 tấn/năm, miền Trung 3000 - 12000 tấn/năm, miền Nam 3000 - 12000 tấn/năm.
Qua báo cáo đề tài, PGS.TS Đoàn Đình Phương khẳng định: Năng lượng Hydro được thế giới đặc biệt quan tâm nghiên cứu phát triển trong tiến trình chuyển đổi năng lượng hướng đến nền kinh tế không phát thải khí carbon. Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn trong sử dụng năng lượng Hydro xanh hướng đến thực hiện mục tiêu không phát thải Carbon đến năm 2050.
PGS.TS Đoàn Đình Phương cũng cho biết: Viện Khoa học Vật liệu là một tổ chức nghiên cứu phát triển hàng đầu về vật liệu và công nghệ trong năng lượng Hydro tại Việt Nam. Viện Khoa học Vật liệu hoan nghênh sự hợp tác để đẩy nhanh sự phát triển và triển khai nguồn năng lượng sạch này tại Việt Nam.
Sau khi nghe các tác giả trình bày kết quả nghiên cứu các đề tài, các đại biểu đánh giá cao các đề tài và kết quả nghiên cứu của các tác giả, nhóm tác giả. Nhiều đại biểu cho rằng, các đề tài đã giúp ích rất nhiều cho việc phát triển công tác nghiên cứu vật lý tại Việt Nam. Các đề tài nghiên cứu cũng rất thiết thực, có thể đóng góp trực tiếp, gián tiếp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam.
Quang Phú