COP28 bước vào giai đoạn nước rút
(PetroTimes) - Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang bước vào giai đoạn gấp rút để đạt được thỏa thuận về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng như hỗ trợ cho các nước đang phát triển.
Giám đốc khí hậu của Liên hợp quốc Simon Stiell đang nỗ lực kêu gọi đại biểu các nước vượt qua các rào cản chiến thuật và tập trung nỗ lực vào các vấn đề quan trọng: loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn còn đề cao lợi ích kinh tế quốc gia thay vì ngồi vào bàn đàm phán để đạt được tiến bộ lịch sử và giải quyết các vấn đề ngoại giao.
Văn bản thỏa hiệp: Một cuộc chạy nước rút ngoại giao
Một dự thảo thỏa thuận mới sẽ khởi nguồn cho một cuộc chạy nước rút ngoại giao căng thẳng. Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber, kiêm ông chủ Công ty dầu khí quốc gia ADNOC, cam kết sẽ đạt được một thỏa thuận lịch sử, đồng thời đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C lên hàng đầu. Thỏa thuận mới này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và được cho là sẽ phản ánh sự thỏa hiệp giữa khát vọng toàn cầu về chuyển đổi năng lượng và thực tế kinh tế - chính trị của mỗi quốc gia.
Lập trường của mỗi quốc gia
Các quốc gia ngày càng chia rẽ do không thống nhất được quan điểm. Một mặt, Ả Rập Xê-út và Iraq, những nhà xuất khẩu dầu hàng đầu, vẫn kiên quyết phản đối mọi quyết định cắt giảm hay loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và muốn dựa vào các công nghệ thu hồi carbon mới nổi để giải quyết vấn đề về khí hậu. Mặt khác, các nước khác đã đạt được đồng thuận, báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên dầu khí và than đá do không đáp ứng được các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Do vậy, quá trình chuyển đổi năng lượng cần được đẩy nhanh. Các cuộc đàm phán đang xoay quanh nhu cầu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo đến năm 2030, bằng cách giảm than và hydrocarbon để tăng cường năng lượng sạch. Điều này thể hiện tham vọng định hình bối cảnh năng lượng toàn cầu cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi dần sang các nguồn năng lượng bền vững và hạn chế ô nhiễm.
Trung Quốc và Mỹ: Những nhân tố chủ chốt
Trung Quốc đã đưa ra lập trường tích cực hơn về vấn đề khí hậu. Bên cạnh đó, Mỹ, quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới so với Trung Quốc, cũng đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng thỏa thuận. Vào tháng 11 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã ký một bản tuyên bố chung nhằm thay thế dần nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Bản tuyên bố này sẽ được dùng để làm tài liệu tham khảo cho các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Các nước đang phát triển là trung tâm của các cuộc đàm phán
Sự thành công của thỏa thuận phụ thuộc rất nhiều vào những cam kết đối với các nước đang phát triển và mới nổi. Từ các quốc gia như Ấn Độ, vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá, đến các quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất do biến đổi khí hậu, tất cả đều đang chờ đợi cam kết hỗ trợ cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng và thích ứng với thực tế khí hậu đang thay đổi.
COP28 vẫn chưa đưa ra bất kỳ kết luận cụ thể nào vì còn dao động giữa hy vọng và thách thức. Những giờ phút tiếp theo sẽ quyết định xem cộng đồng quốc tế có thể đoàn kết vì một tương lai năng lượng bền vững và công bằng hơn hay không, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.
Nhiên liệu hóa thạch: Bóng ma bao trùm COP28 |
COP28 mở ra cánh cửa cho Nhật Bản dẫn đầu trong lĩnh vực điện hạt nhân |
COP28: Mỹ “vừa đánh trống vừa la làng” |
Ý Thiên