COP28: Mỹ “vừa đánh trống vừa la làng”
(PetroTimes) - Trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc, Mỹ kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, nhưng tư cách là cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới đã khiến lời kêu gọi của Mỹ không đáng tin, hãng tin Pháp AFP đưa tin ngày 11/12.
Diễu hành kêu gọi ngừng khai thác nhiên liệu hóa thạch |
Theo AFP, Mỹ đã khiến nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Ả Rập Xê-út ngạc nhiên khi ủng hộ những lời kêu gọi chấm dứt khai thác dầu, khí đốt và than đá.
Hãng tin Pháp dẫn lời Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry cho biết Mỹ muốn củng cố vai trò của nước này trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và nhận thức được rằng Mỹ có một "sứ mệnh" trước tình trạng khẩn cấp của khí hậu.
Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đã đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu như Đạo luật Giảm phát trị giá 1,2 nghìn tỷ USD nhằm tài trợ cho các khoản đầu tư lớn vào ô tô điện và mạng lưới điện.
Nhưng tính đến nay, Mỹ vẫn là nhà khai thác dầu lớn nhất thế giới, với sản lượng trung bình năm 2022 là 20 triệu thùng/ngày, tương đương 21% tổng sản lượng của thế giới, theo Cơ quan Thông tin Dầu mỏ Hoa Kỳ.
Mỹ vẫn khoan thêm giếng dầu trong nước
Tổng thống Biden vẫn tiếp tục phê duyệt các hoạt động khoan dầu trên đất Mỹ, với lý do cần phải bù đắp lượng dầu thiếu hụt khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga do cuộc chiến Ukraine.
Bà Allie Rosenbluth của Oil Change International cho biết: "Khi thảo luận về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, chúng tôi cần chính quyền Biden hành động trong nước nhiều hơn".
Bà bổ sung thêm rằng chính quyền Mỹ đang nghiên cứu "các công nghệ không hiệu quả mà còn tốn kém", khi đề cập đến hạn mục đầu tư vào thu hồi carbon, nhằm giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.
Các văn bản dự thảo của COP28 đề cập đến việc dầu, khí đốt và than vẫn được phép sử dụng, nhưng phải nỗ lực giảm tác động của chúng đối với môi trường.
Tuy nhiên, một số nhà bảo vệ môi trường đã rất ngạc nhiên khi thấy Washington nghiêm túc chấm dứt khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Bà Jean Su của Trung tâm Đa dạng sinh học cho biết: "Chúng tôi đã thấy Mỹ thay đổi rõ rệt trong chính sách đối ngoại về khí hậu, thoát khỏi sự phụ thuộc vào việc thu hồi và lưu trữ carbon cũng như các công nghệ khác và hướng tới các cơ chế thị trường thuần túy để ứng phó với tình trạng cấp bách của khí hậu".
Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm nữa thì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra và ông Donald Trump đang tìm cách trở lại Nhà Trắng.
Thượng Nghị sĩ Lisa Murkowski - đại diện bang Alaska, một bang khai thác dầu khí, dù đã thừa nhận tác động của nhiên liệu hóa thạch đối với khí hậu, nhưng vẫn không muốn chấm dứt hoàn toàn các hoạt động khai thác.
Bà Murkowski, đảng viên Cộng Hòa duy nhất trong phái đoàn Thượng viện tới COP28, cho biết: "Việc chuyển sang giai đoạn loại bỏ dần không cho thấy được thực tế của quá trình chuyển đổi mà chúng ta phải đối mặt".
Ông Trump và những đảng viên Cộng hòa khác vẫn đối đầu và phủ nhận sự đồng thuận khoa học về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, ông Kerry cho rằng vai trò lãnh đạo của tổng thống sẽ không quan trọng vì các doanh nghiệp Mỹ và chính quyền địa phương đã cam kết thực hiện hành động xanh.
Ông Kerry tuyên bố: "Từng có thời điểm có thể tạo ra sự khác biệt, nhưng giờ không còn nữa".
Nhiều đảng viên Cộng hòa cũng phản đối kế hoạch viện trợ cho khí hậu, một yếu tố then chốt trong các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn với các nước giàu khi hứa sẽ giúp đỡ những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã cam kết hỗ trợ 3 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh.
Thượng Nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Coons lưu ý rằng phần lớn khoản đầu tư vào khí hậu của ông Biden dành cho các bang bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.
Ý Thiên