Mâu thuẫn Venezuela-Guyana lên đến đỉnh điểm, nguy cơ nổ ra chiến tranh
(PetroTimes) - Vào thứ Ba (5/12), Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã cấp giấy phép cho Tập đoàn Dầu mỏ Nhà nước PDVSA để khai thác tài nguyên ở khu vực Essequibo giàu dầu mỏ, nơi đang vướng tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng Guyana.
Tổng thống Nicolas Maduro với bản đồ vùng Essequibo mà ông tuyên bố là một phần của Venezuela |
Vào Chủ nhật (3/12), hơn 10,4 triệu cử tri Venezuela đã tham gia một cuộc trưng cầu dân ý và cho biết hơn 95% cử tri ủng hộ việc sáp nhập Essequibo vào vùng lãnh thổ Venezuela.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro quyết không từ bỏ khu vực Essequibo. Hôm thứ Hai (4/12), ông đã kêu gọi "một thỏa thuận ngoại giao công bằng, thỏa đáng cho các bên và thân thiện" đồng thời khẳng định Venezuela sẽ "lấy lại" Essequibo. Thứ Ba (5/12), trong một cuộc họp chính phủ, ông đã tuyên bố sẽ thành lập một bộ phận khu vực của PDVSA, đồng thời phải tiến hành cấp giấy phép khai thác dầu, khí đốt trong toàn khu vực Essequibo ngay lập tức.
Thành lập tỉnh Guayana Esequiba
Nguyên thủ quốc gia Venezuela hôm thứ Ba (5/12) còn đề xuất soạn thảo một đạo luật đặc biệt "đối với tất cả các lĩnh vực" nhằm cấm ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực dưới sự quản lý của Guyana. Venezuela cho các doanh nghiệp này thời hạn 3 tháng để rút khỏi khu vực cần được phân định này.
Ông cũng tuyên bố rằng dựa trên cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật vừa qua, giờ đây ông sẽ thực thi quyền lực trong khu vực và đảm bảo rằng luật sẽ được thông qua để thành lập tỉnh Guayana Esequiba. Ông Maduro yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra dân số ở đó và cấp thẻ căn cước cho người dân.
Lãnh đạo Guyana Irfaan Ali (phải) đã mô tả những tuyên bố của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro là 'mối đe dọa trực tiếp' đối với đất nước của ông |
Guyana luôn cảnh giác
Hôm thứ Hai (4/12), Ngoại trưởng Guyana Hugh Todd nói với AFP rằng Guyana sẽ tiếp tục cảnh giác Venezuela. "Chúng tôi phải luôn cảnh giác. Mặc dù chúng tôi không tin ông Nicolas Maduro sẽ ra lệnh tiến hành xâm lược, nhưng chúng tôi phải xét đến tình hình ở Venezuela, thực tế là Tổng thống Maduro cũng rất khó đoán".
Hôm thứ Ba (5/12), Bộ trưởng Tư pháp Guyana Anil Nandlall đã cảnh báo rằng Guyana sẽ đệ trình vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nếu tranh chấp Essequibo với Venezuela trở nên trầm trọng hơn. Ông Nandlall nói với AFP: "Bất kỳ hành động hoặc nỗ lực hành động nào trong cuộc trưng cầu dân ý đều sẽ được đệ trình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tư cách là bên bị hại". Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ tìm mọi cách có thể".
Ông Nandlall cho biết Guyana sẽ dẫn Điều 41 và 42 của Hiến Chương Liên hợp quốc, trao quyền cho Hội đồng Bảo an thực hiện các biện pháp quân sự và áp dụng các biện pháp trừng phạt. Ông nhấn mạnh: "Điều này có thể cho phép các quốc gia thành viên sử dụng lực lượng vũ trang để hỗ trợ việc thực thi các lệnh của Tòa án".
Một cuộc xung đột cũ
Từ nhiều thập kỷ qua, Caracas đã tuyên bố chủ quyền ở Essequibo, vùng lãnh thổ rộng 160.000 km2, chiếm hơn 2/3 tổng diện tích Guyana và là nơi sinh sống của 125.000 người dân, tương đương 1/5 tổng dân số. Caracas cho rằng sông Essequibo phải là ranh giới tự nhiên như năm 1777, dưới thời Đế quốc Tây Ban Nha. Trong khi đó Guyana, nơi có trữ lượng dầu bình quân đầu người lớn nhất thế giới, tin rằng biên giới có từ thời thuộc địa Anh và được công nhận từ năm 1899.
Thứ Sáu (8/12), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan tư pháp tối cao của Liên Hợp Quốc, đã ra lệnh buộc Chính phủ Venezuela phải "dừng mọi hành động có thể thay đổi tình hình" ở Essequibo và buộc 2 bên phải "dừng mọi hành động có nguy cơ làm trầm trọng thêm hoặc kéo dài tranh chấp".
Venezuela bán dầu theo kiểu "tiền trao cháo múc" |
Lập các căn cứ quân sự ở vùng tranh chấp dầu khí |
Ý Thiên