Israel và Hamas có thể "vũ khí hóa" nước biển để đối phó lẫn nhau?
Chuyên gia nhận định cả Hamas và Israel đều có thể sử dụng nước biển để làm khó đối phương trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 1 tháng qua.
Chiến sự Israel - Hamas đã kéo dài hơn 1 tháng và chỉ có dấu hiệu hạ nhiệt gần đây, với lệnh ngừng bắn tạm thời kéo dài 4 ngày bắt đầu từ 24/11. Trước đó, Israel đã mở chiến dịch tấn công trên bộ, bắt đầu dồn lực nhằm vào hệ thống hầm ngầm được ví như "mê cung" của Hamas bất chấp những rủi ro mà họ phải đối mặt.
Hamas được cho là đã giam giữ hàng trăm con tin dưới hệ thống đường hầm dài hàng trăm km, chạy chằng chịt dưới lòng đất Gaza. Để thực hiện mục tiêu đã tuyên bố là xóa sổ Hamas, Israel không còn lựa chọn nào khác là buộc phải thực hiện hoạt động tác chiến dưới lòng đất.
Đây sẽ là một trận chiến căng thẳng và 2 bên dự kiến sẽ triển khai chiến thuật để đối phó với phía còn lại.
Hamas biến Địa Trung Hải thành "vũ khí"?
Một thành viên Hamas đứng trước cửa hầm ngầm ở Gaza (Ảnh: AFP). |
Theo Asia Times, Hamas có thể đã nghĩ đến việc tạo ra một cái bẫy bằng nước biển và chờ đợi thời cơ thích hợp để tấn công khi Israel đang tìm cách vô hiệu hóa hệ thống hầm ngầm.
Trước đó, giới quan sát từng nêu ra giả thuyết về việc Hamas có thể sử dụng hệ thống hầm ngầm như một đòn tâm lý chiến khiến lực lượng Israel giảm sút tinh thần tại Gaza. Hamas từ lâu đã coi hầm ngầm như một biện pháp phòng thủ trong thời chiến. Nhưng lần này, Hamas có thể biến đường hầm thành "vũ khí" tấn công.
Cụ thể, một phương án được nêu ra là Hamas có thể tạo ra các trận lũ lụt dưới lòng đất bằng nước Địa Trung Hải thông qua kích nổ từ xa một quả bom trên bờ biển.
Các đường hầm của Hamas được đào khá sâu và chúng có thể được kết nối với bờ Địa Trung Hải. Mặt khác, khoảng 25% diện tích Gaza nằm dưới mực nước biển. Trong số 4 khu vực ở Gaza nằm dưới mực nước biển, có 3 khu vực ở phía bắc và trung tâm Gaza. Khu vực còn lại nằm ở phía nam.
Theo Asia Times, nếu Israel tiến sâu hơn xuống hầm ngầm ở Gaza, Hamas có thể sẽ cho nước biển sẽ tràn vào qua các đường hầm và làm ngập các khu vực trũng thấp, tạo ra một vành đai đầm lầy khoảng 4km, khiến các phương tiện và xe tăng của Israel gần như không thể di chuyển.
Chuyên gia Robinder Sachdev nhận định, trong kịch bản Hamas tự làm ngập hầm, họ sẽ có được lợi thế ở khu vực phía bắc Gaza, nơi mà Israel đang dồn lực tấn công thời gian qua.
Ông Sachdev cho biết, các đường hầm của Hamas nằm ở độ sâu trung bình 15m so với mặt đất. Hamas có thể đã xây các đường hầm chỉ sâu 1-1,2m, rồi nối chúng ra Địa Trung Hải. Vào thời điểm thích hợp, Hamas có thể cho nổ tung đường nối, làm nước biển tràn qua đường hầm và ngập các vùng trũng.
Trong kịch bản Israel quyết định sử dụng bom GBU-28 do Mỹ sản xuất để phá các hầm ngầm, nó sẽ chỉ càng khiến cho tình trạng lũ lụt trở nên nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới các phương tiện quân sự trên bộ của Tel Aviv.
Hệ thống đường hầm ở Gaza, hầu hết được xây dựng trong 40 năm qua, mang lại cho Hamas khả năng tấn công vào Israel. Nó cũng cấu thành nên hệ thống phòng thủ đáng gờm nhất của lực lượng này.
Các bản đồ nguồn mở cho thấy Hamas sở hữu ít nhất 11 mạng lưới đường hầm độc lập, một số gần sát biển. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lớn hơn nhiều trong bối cảnh Hamas tuyên bố rằng tổng chiều dài của các tuyến đường hầm lên tới khoảng 500km.
Tạo lũ từ biển từ lâu đã được sử dụng như một chiến lược ngăn chặn đối phương xâm nhập trong nhiều thế kỷ. Ví dụ, trong sự kiện Cuộc vây hãm Leyden năm 1574 thuộc Chiến tranh giành độc lập của Hà Lan, người Hà Lan đã phá hủy các con đê trên sông Maas, vốn chặn nước Biển Bắc, làm ngập lụt vùng nông thôn và buộc phía Tây Ban Nha phải rút lui.
Một ví dụ khác về việc sử dụng lũ lụt là việc phá hủy đê sông Hoàng Hà năm 1938 trong Chiến tranh Trung - Nhật lần thứ 2. Bằng cách phá hủy các con đê, người Trung Quốc đã ngăn chặn quân Nhật giành được Thiểm Tây, Tứ Xuyên và Trùng Khánh.
Israel sẽ dùng chiến thuật tương tự?
Mô phỏng một số tuyến đường hầm ngầm của Hamas (Ảnh: Global Times). |
Mặt khác, chuyên gia quân sự Jeff Goodson cho biết rằng Israel cũng có thể chủ động làm ngập các đường hầm của Hamas để buộc chiến binh đối phương phải lên mặt đất tác chiến bằng cách sử dụng hệ thống ống nước, hút trực tiếp nước từ biển, bơm vào các lối vào hầm ngầm.
Giới quan sát nhận định, chiến thuật này có thể làm giảm thương vong cho Israel và đây cũng là cách lâu dài hơn cả để đối phó với hệ thống hầm ngầm phức tạp của Hamas.
Sau khi hầm bị ngập, nếu Hamas muốn bơm nước ra khỏi các tuyến đường, họ sẽ rất mất rất nhiều thời gian và tốn kém, đặc biệt nếu Israel ồ ạt ném bom ở phía trên. Ngoài ra, việc làm ngập hầm cũng có thể tiến hành một cách linh hoạt. Israel có thể làm ngập ngay những hầm đã bị phát hiện và từ từ làm ngập các tuyến còn lại.
Có những ý kiến cho rằng để làm ngập được mạng lưới hầm lớn, Israel có thể sẽ phải mất nhiều thời gian. Một "mê cung" hầm ngầm 500km ước tính có thể phải mất 7 tháng rưỡi để lấp đầy với tốc độ bơm nước 378 lít mỗi phút.
Tuy nhiên, giờ đây đã có công nghệ cho phép bơm nước với tốc độ cao gấp 10 lần như vậy. Ngoài ra, các đường hầm sẽ không cần thiết phải bị bơm đầy hoàn toàn, một số chỉ cần bị ngập một nửa thì đã không còn có thể sử dụng được.
Một hầm ngầm ở Gaza từng bị Ai Cập bơm nước làm ngập trước đó để ngăn vũ khí và phiến quân đối lập di chuyển vào bán đảo Sinai (Ảnh: Flash 90). |
Theo các chuyên gia, từ năm 2013, Ai Cập từng làm ngập hàng loạt đường hầm xuyên biên giới ở Gaza bằng cách xả nước vào tuyến đường thường được sử dụng để buôn lậu.
Mục tiêu của Ai Cập là chặn đứng dòng chảy vũ khí và cả các phiến quân đối lập từ Gaza sang bán đảo Sinai. Theo trang tin Israel Hayom, bằng các nỗ lực tổng hợp, Ai Cập đã phá hủy tới 1.900 đường hầm lớn, nhỏ của Hamas, khiến các hoạt động giao thương ngầm xuyên biên giới bị đình trệ trong thời gian dài.
Vào thời điểm đó, Ai Cập không kích các hầm ở phía trên, cài thuốc nổ, bơm nước thải và nước biển vào trong các hầm. Vì vậy, phương án bơm nước làm ngập hầm được xem là khả thi với Israel, Asia Times nhận định.
Theo chuyên gia Goodson, nếu Israel chọn cách làm ngập các đường hầm, họ sẽ có thể vô hiệu trong thời gian dài mạng lưới phức tạp của Hamas, buộc các chiến binh phải lộ diện trên mặt đất. Từ đó, Tel Aviv có thể tận dụng lợi thế về vũ khí trước đối phương, cũng như giảm bớt rủi ro bị rơi vào "cái bẫy" của Hamas khi tác chiến ngầm.
"Cái bẫy" dưới lòng đất
Binh sĩ Israel di chuyển dưới hầm ngầm ở Gaza (Ảnh: AP). |
Trong nhiều năm qua, Hamas đã coi các hầm ngầm là hệ thống quan trọng giúp họ có thể ứng phó với quân đội Israel với tiềm lực áp đảo.
Các đường hầm được đào bên dưới Gaza ban đầu được sử dụng để buôn lậu hàng hóa ra vào Ai Cập nhằm đối phó việc Israel phong tỏa toàn diện dải đất.
Sau đó, các thành viên Hamas tiếp tục xây dựng các đường hầm để di chuyển rocket và bệ phóng rocket, vũ khí, che chắn cho các thành viên không bị quân đội Israel phát hiện và tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ do Tel Aviv kiểm soát.
Trong bài viết cho Viện Chiến tranh hiện đại (Mỹ), chuyên gia John Spencer cho rằng Hamas có thể sẽ sử dụng hầm ngầm để tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ, ví dụ như xâm nhập vào khu vực phía sau vị trí của Israel để tập kích, gây tổn thất cho đối phương.
Ông Spencer cho biết Hamas cũng sử dụng các đường hầm để thoát khỏi các đòn tấn công của Israel, cho phép các thành viên di chuyển giữa các vị trí chiến đấu một cách an toàn dưới các tòa nhà lớn.
Theo chuyên gia này, việc di chuyển vào đường hầm tạo ra thách thức chiến thuật lớn cho Israel khi điều kiện chiến đấu tương đối khắc nghiệt với tầm nhìn kém, ôxy loãng, khó sử dụng thiết bị chuyên dụng.
Dưới địa bàn quen thuộc, Hamas có thể có được lợi thế lớn trước lực lượng Israel đông vượt trội về quân số và năng lực vũ khí. Trong những con đường chật hẹp, các lợi thế về công nghệ, kỹ thuật quân sự, quốc phòng của Israel khó có thể phát huy hiệu quả.
Mặc dù Israel đã phát triển các chiến thuật và thiết bị độc đáo cho chiến tranh đường hầm ở Gaza, nhưng độ sâu và quy mô của những tuyến đường này có thể vượt qua khả năng tấn công hiệu quả của Tel Aviv.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, sự kết hợp giữa hoạt động tác chiến đô thị và tác chiến dưới lòng đất sẽ khiến Israel đối mặt với những thách thức lớn khi Hamas vẫn có thể di chuyển âm thầm dưới lòng đất, ẩn giấu những công trình quan trọng, vũ khí, cơ sở chỉ huy.
Để tiếp cận và xóa sổ Hamas, Israel có thể phải điều biệt kích xuống dưới lòng đất tìm kiếm mục tiêu và họ có thể phải đối mặt với nguy cơ bị thiệt hại lớn trước những cạm bẫy của đối phương.
Vì vậy, phương án làm ngập hầm dường như đã được Israel tính toán tới nhằm giảm thiểu thiệt hại về nhân lực, cũng như giải quyết hiệu quả "mê cung" ngầm dưới lòng đất.
Trong bài viết trên trang Substack, nhà báo điều tra Mỹ Seymour Hersh hồi tháng trước cho biết: "Một nguồn tin từ chính quyền Mỹ nói rằng ban lãnh đạo Israel dường như đang cân nhắc sẽ làm ngập phần lớn hệ thống hầm ngầm của Hamas".
Theo Dân trí
Xung đột Israel - Hamas gây mất ổn định nguồn cung LNG sang châu Âu? |
Những “vết sẹo” kinh tế vì cuộc chiến Israel - Hamas |