Đại biểu đề nghị cân nhắc việc cấm tuyệt đối lái xe khi có nồng độ cồn
Qua nghiên cứu hồ sơ dự án luật Phòng chống tác hại của rượu bia, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, hồ sơ không có tài liệu của cơ quan có thẩm quyền khẳng định bằng chứng khoa học cho quy định này. Hơn nữa, không nên cấm các hành vi liên quan đến nét đẹp văn hóa của nhân loại. Không nên đưa ra các quy định hạn chế, gây ảnh hưởng đến việc hành nghề của các ngành nghề khác, trong trường hợp này là các nghề liên quan đến y học dân tộc.
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (ngày 24/11) nhiều ý kiến của đại biểu cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn để xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu rõ, dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, tuy nhiên nhiều quy định bộc lộ rõ hạn chế, bất cập, không đáp ứng của yêu cầu công tác quản lý trong lĩnh vực này. Việc tách nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật là hết sức cần thiết.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình). Ảnh: quochoi.vn |
Góp ý vào các hành vi bị cấm tại Điều 8, đại biểu Đặng Bích Ngọc quan tâm đến khoản 1, Điều 8 quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn. Đại biểu cho rằng, thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này góp phần rất quan trọng vào việc đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Do đó, đại biểu bày tỏ thống nhất theo quy định của dự thảo Luật.
Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự án luật, việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chính phủ đã có ý kiến giải trình hợp lý. Theo đó, quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông quan trọng.
Trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như góc độ sinh học…
Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở đảm bảo yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, đảm bảo tính khả thi.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: PV/LĐO |
Đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) phát biểu tranh luận liên quan đến băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội về việc khi tham gia giao thông có được có nồng độ cồn hay không?
“Chúng ta đang muốn kiểm soát năng lực hành vi, trong khi rượu chỉ là một trong số những tác nhân. Và rượu khi uống nhiều quá mới ảnh hưởng đến năng lực hành vi, uống ít thì có lẽ cũng chưa có ảnh hưởng. Chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa năng lực hành vi với tác nhân, việc dùng hay không dùng rượu”, đại biểu nêu quan điểm.
Tham gia ý kiến về quy định liên quan đến điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu có nồng độ cồn, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cho rằng, không nên quy định một cách tuyệt đối, cứng nhắc, mà nên quy định như trong luật cũ, nghĩa là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở, khi vượt qua mốc đó thì mới phạt.
Tranh luận với các ý kiến cho rằng nên quy định về ngưỡng nồng độ cồn, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) ủng hộ nên quy định cấm trong Luật. Đại biểu làm rõ tác hại của người tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn là rất lớn, 50% tai nạn nghiêm trọng có nguyên nhân là từ việc người tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn.
Đại biểu nhấn mạnh quy định của Luật cần tường minh để người dân dễ kiểm chứng, đánh giá việc mình có vi phạm hay không vi phạm thì việc lựa chọn quy định có ngưỡng hay không có ngưỡng thì phương án cấm sẽ tường minh và dễ chấp hành, người dân biết được mình vi phạm hay không vi phạm.
Mặt khác, việc cho phép uống rượu ở mức nào đấy sẽ tạo ra không gian thúc đẩy hành vi vi phạm. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của nước ta chưa cao. Việc quy định cấm sẽ phù hợp hơn.
Đại biểu cho biết, quy định trong dự thảo Luật không phải là mới, mà đã được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Thời gian gần đây mới quyết liệt thực hiện đã mang lại hiệu quả rất tốt.
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, tại khoản 4 Điều 3, Thông tư liên tịch số 26 năm 2014 của Bộ Y tế và Bộ Công an quy định: Bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông, nhưng thực tế có cơ sở khám chữa bệnh không thực hiện quy định này, do khó khăn trong chi phí xét nghiệm, làm ảnh hưởng đến công tác điều tra, xác định vi phạm khi xảy ra tai nạn giao thông. Do đó, đại biểu kiến nghị bổ sung tại khoản 3 Điều 74 như sau: Cơ sở y tế cấp cứu ban đầu người bị tai nạn do tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất và thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cho những trường hợp quy định theo yêu cầu của cơ quan công an hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Đối với cơ sở y tế không đủ điều kiện xét nghiệm phải lấy mẫu máu, bảo quản và chuyển mẫu máu theo đúng quy định đến cơ sở xét nghiệm; Đồng thời cần có cơ chế đảm bảo kinh phí thực hiện nội dung này cho các cơ sở y tế.
Tranh luận về vấn đề liên quan đến nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, Quốc hội quyết định các vấn đề phải dựa trên bằng chứng khoa học, kết luận khoa học của các cơ quan có thẩm quyền, không thể quyết định dựa trên cảm tính hoặc theo dư luận.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai). Ảnh: quochoi.vn |
Qua nghiên cứu hồ sơ dự án luật Phòng chống tác hại của rượu bia, đại biểu cho rằng, hồ sơ không có tài liệu của cơ quan có thẩm quyền khẳng định bằng chứng khoa học cho quy định này. Hơn nữa, không nên cấm các hành vi liên quan đến nét đẹp văn hóa của nhân loại. Không nên đưa ra các quy định hạn chế, gây ảnh hưởng đến việc hành nghề của các ngành nghề khác, trong trường hợp này là các nghề liên quan đến y học dân tộc.
Đại biểu cho rằng bằng chứng và căn cứ khoa học sẽ là nền tảng cơ bản, chắc chắn cho những quy định đúng đắn. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời chính thức cho Quốc hội về căn cứ khoa học, bằng chứng khoa học làm cơ sở cho quy định này.
Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết qua tổng hợp, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Điểm lại những vấn đề các đại biểu Quốc hội đề cập, Bộ trưởng Bộ Công an nên rõ: về sự cần thiết ban hành Luật, về tên gọi và bố cục dự thảo Luật, rà soát để tránh chồng lấn về phạm vi điều chỉnh giữa Luật này và Luật Đường bộ; việc bổ sung xe của Viện kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp là xe ưu tiên; quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; về thiết bị giám sát hành trình; quy định về giấy phép lái xe; an toàn giao thông cho học sinh; kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ; xử phạt vi phạm hành chính; cứu hộ, cứu nạn; bảo trì, bảo dưỡng công trình giao thông; biện pháp chống người thi hành công vụ; tín hiệu giao thông; chống ùn tắc giao thông; cấp đổi giấy phép lái xe; dừng đỗ xe, cấm dừng đỗ xe; thiết bị giao thông thông minh; chuyển đổi số; đấu giá biển số xe; khám sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông; độ tuổi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; vấn đề vận tải đường bộ; người đi bộ…
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan hữu quan nghiên cứu kĩ tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng, khả thi.
Hải Minh