Ai đã “băm nát” quy hoạch Hà Nội?
Bài 5: Quy hoạch PCCC, thoát nước chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân Thủ đô
(PetroTimes) - Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh khiến cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng kịp yêu cầu. Một trong các cơ sở hạ tầng thiết yếu đó là PCCC và cấp thoát nước tại Hà Nội cũng nằm trong tình trạng này. Điều đó, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, thậm chí là tính mạng của người dân.
Hạ tầng PCCC không đảm bảo, an toàn tính mạng và tài sản của người dân bị đe dọa
Những năm qua, Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, có vụ khiến hàng chục người thiệt mạng. Điển hình như vụ cháy tại quán karaoke ISIS, địa chỉ 231 Quan Hoa, Cầu Giấy ngày 1/8/2022 làm 3 cán bộ chiến sỹ PCCC hi sinh sau khi vừa cứu được 8 người thoát nạn an toàn. Hay vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy ngày 1/11/2016 làm 13 người thiệt mạng. Vụ cháy xưởng bánh kem ở địa chỉ Km19 quốc lộ 32, thuộc địa phận xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức ngày 29/7/2017 làm 8 người tử vong (hầu hết nạn nhân là người trong cùng một gia đình)…
Gần đây nhất, vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân ngày 12/9/2023 đã làm 56 nạn nhân tử vong.
Hà Nội với hàng chục ngàn con phố nhỏ, ngõ nhỏ sâu hun hút sẽ rất dễ để lại hậu quả khôn lường nếu xảy ra cháy nổ. |
Cùng với những vụ cháy lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tổn thất cả người và tài sản thì tại Hà Nội cũng liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhỏ, được dập tắt kịp thời, không gây ảnh hưởng đến tính mạng con người. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao các vụ cháy lại xảy ra nhiều và gây hậu quả nghiêm trọng như vậy?
Có thể nói, Hà Nội với vị thế là một thành phố lớn, một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục lớn nhất cả nước nên tốc độ đô thị hóa, tốc độ gia tăng dân số “nhanh chóng mặt”.
Tốc độ đô thị hóa nhanh làm nhu cầu ở, sinh hoạt tại Hà Nội tăng cao khiến những tòa nhà cao tầng, những chung cư mini “mọc lên như nấm”. Điều đáng nói là rất nhiều tòa nhà được xây dựng sai quy hoạch nhưng vẫn được tồn tại (chung cư mini số 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ hay một tòa nhà xây dựng trái phép tại dự án CT6 Kiến Hưng là những minh chứng điển hình). Cùng với đó, hầu hết các tòa nhà đều đã được trang thiết bị về PCCC nhưng lại chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế.
Theo một chuyên gia về thiết kế công trình xây dựng, chi phí để hoàn thiện hệ thống PCCC chiếm khoảng 2% tổng vốn đầu tư công trình. Đối với chung cư quy mô vừa, chi phí này chiếm khoảng 15-20 tỷ đồng. Trong khi đó, mức xử phạt hiện nay đối với hành vi vi phạm về PCCC trong đầu tư, xây dựng chỉ từ 10 đến 30 triệu đồng. Đây là con số quá nhỏ, không đủ tính răn đe đối với các chủ đầu tư, do vậy, dù lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt cũng chưa giải quyết triệt để được tình trạng này.
Hệ thống các dây cap, dây điện chằng chịt cũng là một trong những nguy cơ gây cháy nổ tại Hà Nội. |
Mặt khác, hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác PCCC còn bất cập. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn hầu như chưa được áp dụng thực hiện trong quy hoạch đô thị. Tại Hà Nội có hàng chục ngàn con ngõ nhỏ với chiều rộng dưới 2m nhưng chiều dài lên tới hàng km. Nếu xảy ra cháy tại các khu vực này, việc các xe chữa cháy, lực lượng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tiếp cận được hiện trường là vấn đề vô cùng nan giải, khó khăn.
Thực trạng nêu trên cho thấy Hà Nội cần thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy và PCCC có hiệu quả. Trong đó, phải rà soát lại hệ thống giao thông trong đô thị đảm bảo các xe cứu hỏa đến được từng gia đình, từng tầng cao nhất của công trình. Tuy nhiên, đây dường như là một điều bất khả thi tại Hà Nội khi mà tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh nhưng vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch không được làm nhất quán, triệt để; những vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra “như cơm bữa”.
Từ thực tế trên cho thấy, PCCC nói chung và hạ tầng PCCC tại Hà Nội nói riêng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình phát triển kinh tế - xã hội… việc quy hoạch hạ tầng PCCC đồng bộ, hiện đại, phù hợp là đòi hỏi cấp thiết để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Hệ thống thoát nước tại Hà Nội chưa đáp ứng yêu cầu?
Theo thống kê, hiện nay, 12 quận nội thành Hà Nội có 5.700km cống thoát nước; hệ thống kênh mương, sông dài 254km; 125 hồ điều hòa; 8 trạm bơm thoát nước công suất 8 - 90m3/giây; 5 nhà máy xử lý nước thải công suất từ 2.300 - 200.000m3/ngày đêm; 2 xe bơm di động với công suất 1.800m3/giờ; 13 tổ máy bơm di động công suất 200 - 300m3/giờ; 128 xe hút, téc phục vụ cho công tác tiêu thoát nước. Số nhân lực thường trực phục vụ việc thoát tiêu nước, xử lý nước thải khoảng 2.000 người.
Quá trình đô thị hóa nhanh nhưng công tác đầu tư hệ thống thoát nước chưa theo kịp là một trong những nguyên nhân khiến thành phố ngập cục bộ khi xảy ra mưa lớn (Ảnh minh họa: Dân trí). |
Mặc dù Hà Nội đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng cho việc thoát nước. Nhưng nhiều năm gần đây cứ mùa mưa đến, người dân ở nội thành Hà Nội lại khổ sở bởi cứ sau mỗi trận mưa to, đường phố lại ngập úng. Giao thông trở nên hỗn loạn, tê liệt. Hình ảnh những con đường mênh mông nước không phân biệt được lòng đường, vỉa hè hay hình ảnh tắc đường dài đến vài km khắp các con đường nội đô đã trở nên quá quen thuộc với người dân Hà Nội.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra đó là việc đầu tư hệ thống hạ tầng tuy hiện đại nhưng chưa đồng bộ. Nhiều dự án thoát nước chậm tiến độ, không phát huy được hết công suất của hệ thống thoát nước. Có thể kể đến dự án cải tạo mương Thụy Khuê dài 1,8 km với mục đích tiêu thoát nước cho phố Thụy Khuê sau 10 năm khởi công vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đôn đốc việc thi công công trình thuộc Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây TP Hà Nội. |
Một điển hình trong việc chậm tiến độ dự án gây ngập úng chính là dự án cứng hóa kênh La Khê. Nằm trong Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây TP Hà Nội được khởi công từ tháng 12/2015. Tuy nhiên, việc cứng hóa kênh La Khê bị chậm tiến độ, khiến mực nước dẫn vào trạm bơm Yên Nghĩa không đủ nên mùa khô trạm bơm gần như dừng hoạt động, vào mùa mưa bão chỉ có 3/10 tổ máy công suất 120m3/giây hoạt động.
Như vậy, dù có mưa lớn, gây úng ngập ở quận Hà Đông và các quận lân cận thì trạm bơm Yên nghĩa cũng không phát huy được hết công suất, tác dụng. Người dân thì vẫn chịu cảnh ngập úng, tắc đường khi mưa lớn kéo dài.
Cùng với đó, quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều dự án xây dựng quy mô lớn được triển khai khiến hệ thống tiêu thoát nước bị ảnh hưởng. Nhiều dự án chậm tiến độ thi công kéo dài như tại ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, nhà ga tàu điện S12 (dự án metro Nhổn - ga Hà Nội) chậm triển khai đã khiến hệ thống thoát nước trong khu vực bị ảnh hưởng.
Một nguyên nhân khác được cho là nguyên nhân trực tiệp gây úng ngập cục bộ chính là việc diện tích các hồ chứa nước, hồ điều hòa tại Hà Nội đang giảm dần. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng cho thấy đã có 17 hồ ở nội thành bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới. Diện tích mặt nước từ 2.100 ha trước năm 2010 đã giảm còn 1.165 ha vào năm 2015. Với việc diện tích mặt hồ nước giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu, thoát nước cục bộ và trở thành một trong những nguyên nhân gây ngập úng tại Hà Nội mỗi khi mưa lớn xuất hiện. Điều này cũng đặt ra một dấu hỏi lớn trong công tác quy hoạch của Hà Nội trong việc điều tiết nước thải, mưa lũ.
Quang Phú