Dự báo diễn biến kinh tế châu Á trong tuần
(PetroTimes) - Tuần này tại châu Á, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), vì RBA dự báo sẽ tăng lãi suất.
Số liệu thương mại của Trung Quốc cũng như báo cáo lạm phát và GDP từ một số thị trường trong khu vực cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng.
Dữ liệu của Mỹ tương đối trầm lắng. Một số thành viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong đó có Chủ tịch Fed Jerome Powell, sẽ phát biểu tại một hội nghị của IMF.
Các nhà giao dịch sẽ dõi theo những bài phát biểu này để nắm thông tin mới về chính sách của Fed.
Căng thẳng địa chính trị, diễn biến giá dầu và biến động lợi suất trái phiếu cũng được toàn cầu dõi theo.
Dưới đây là những thông tin cần theo dõi trong tuần:
Thứ Hai
Tăng trưởng kinh tế của Indonesia chậm lại trong quý III/2023. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia tăng 4,94% trong khoảng thời gian từ tháng 7-9, thấp hơn mức tăng trưởng dự kiến 5,05% và mức tăng trưởng 5,17% trong quý II/2023. Nguyên nhân là do tiêu dùng hộ gia đình suy giảm, chi tiêu công giảm và xuất khẩu suy yếu.
Sản xuất nông nghiệp, hoạt động thương mại, bán lẻ và dịch vụ y tế cũng tăng trưởng chậm lại.
Indonesia dự báo mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 là 5,1%.
Trong khi đó, giá tiêu dùng ở Thái Lan đã giảm 0,31% so với cùng kỳ trong tháng 10, đánh dấu tình trạng giảm phát đầu tiên sau hơn 2 năm.
Trong một báo cáo, Pantheon Macronomics cho biết lạm phát suy giảm chủ yếu là do chính phủ đã cắt giảm giá nhiên liệu và do tình trạng giảm phát lương thực ngày càng trầm trọng.
Tại Nhật Bản, hoạt động dịch vụ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong tháng 10 nhưng chậm hơn so với tháng trước.
Chỉ số PMI Dịch vụ Ngân hàng Jibun dừng ở mức 51,6 trong tháng 10, tăng so với chỉ số sơ bộ là 51,1 nhưng vẫn thấp hơn chỉ số 53,8 trong tháng 9.
Trong biên bản cuộc họp do Ngân hàng Nhật Bản công bố hồi tháng 9, theo quan điểm cơ bản của ngân hàng về việc thực hiện chính sách tiền tệ trong tương lai, các thành viên nhất trí rằng mục tiêu ổn định giá cả bền vững, cùng với việc tăng lương, vẫn chưa đạt được, do đó ngân hàng nên duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng vẫn phải đảm bảo đường cong lợi suất.
Thứ Ba
Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) dự kiến sẽ công bố mức tăng 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất từ 4,10% lên 4,35%.
“Với dấu hiệu mới nhất của RBA về khả năng chịu lạm phát thấp nhưng vẫn trên mức mục tiêu, cũng như thị trường lao động vẫn còn thắt chặt, dường như Thống đốc RBA Michele Bullock ít có lựa chọn đáng tin, ngoại trừ việc thắt chặt lãi suất hơn nữa trong cuộc họp tiếp theo”, ING cho biết trong một ghi chú.
Trong khi đó, dữ liệu thương mại của Trung Quốc cho thấy hoạt động xuất khẩu vẫn đang trên đà suy giảm, theo báo cáo gần đây của PMI.
Ngược lại, xuất khẩu của Đài Loan sẽ vẫn duy trì trạng thái tích cực. ING dự báo xuất khẩu tháng 10 của Đài Loan sẽ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 2 liên tiếp nhờ nhu cầu bán dẫn toàn cầu tăng trở lại.
Philippines dự báo sức ép lạm phát sẽ giảm bớt trong tháng 10, từ 6,1% trong tháng trước giảm xuống còn 5,3%, theo Pantheon Macro Economics.
Thứ Tư
Philippines và Malaysia sẽ công bố tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9. Trong khi đó Indonesia sẽ báo cáo tâm lý người tiêu dùng trong tháng 10.
New Zealand sẽ công bố dự báo lạm phát kinh doanh trong quý IV/2023.
Thứ Năm
Sức ép lạm phát ở Trung Quốc trong tháng 10 dự báo sẽ tiếp tục giảm nhẹ sau khi chỉ số CPI hàng năm ở mức 0% hồi tháng 9.
“Lạm phát của Trung Quốc dự kiến sẽ nhỉnh hơn 0 với mức tăng giả định 0,1% so với tháng trước và 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu suy yếu sẽ duy trì lạm phát ở mức vừa phải”, ING cho biết trong một ghi chú.
Trong khi đó, GDP của Philippines có thể sẽ tăng chậm lại trong quý III/2023, so với mức 4,3% trong quý II/2023. Pantheon Macro Economics dự báo GDP của Philippines sẽ tăng 3,1%, trong khi đó ING dự báo là 4,2%.
Các chỉ số kinh tế khác sẽ được công bố vào thứ Năm (9/11), bao gồm doanh số bán lẻ từ Indonesia và Malaysia, cũng như báo cáo về niềm tin của người tiêu dùng ở Thái Lan.
Thứ Sáu
Kết thúc tuần bằng công bố tốc độ tăng trưởng GDP của Hồng Kông trong quý III/2023, cùng với những báo cáo về sản lượng công nghiệp và chế tạo của Ấn Độ trong tháng 9.
Cảnh báo đáng ngại về kinh tế Mỹ và châu Âu |
Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc |
Tác động từ Mỹ tới sự hỗn loạn trên các thị trường tài chính châu Á |
Ý Thiên