Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với LNG của Nga đe dọa an ninh khí đốt của Nhật Bản
(PetroTimes) - Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với một nhà máy xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) mới của Nga có nguy cơ khiến Nhật Bản quay lưng với các đồng minh phương Tây nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, theo Bloomberg.
Nga đang "chơi đùa" với lệnh trừng phạt dầu mỏ như thế nào? |
EU chuẩn bị gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga |
Ảnh minh họa |
Hôm thứ Năm, Mỹ đã áp đặt các biện pháp đối với dự án Arctic LNG 2 của Novatek PJSC, trong đó chính phủ Nhật Bản là nhà đầu tư và dự án dự kiến sẽ bắt đầu xuất khẩu trong những tháng tới. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên của Mỹ nhắm trực tiếp vào một nhà máy xuất khẩu LNG ở Nga và các công ty vẫn đang xem xét tác động tiềm tàng.
Trong khi Nhật Bản áp đặt các hạn chế đối với Nga và cấm nhập khẩu than, Chính phủ nước này đã đặt ra giới hạn đối với khí đốt tự nhiên, loại nhiên liệu được sử dụng để sản xuất khoảng 1/3 sản lượng điện và sưởi ấm các ngôi nhà. Quốc gia này có ít tài nguyên riêng và đã tăng cường nỗ lực bảo đảm nguồn cung LNG sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái.
Nhật Bản khẳng định rằng LNG của Nga cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng và năm ngoái đã thúc giục Mitsui & Co. và Mitsubishi Corp. tiếp tục đầu tư vào cơ sở LNG Sakhalin-2 ở vùng viễn đông của Nga. Ngược lại, Shell - cổ đông nước ngoài lớn nhất tại nhà máy này - đã bỏ cổ phần sau khi Moscow xung đột với Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt mới đối với Arctic LNG 2 sẽ thử thách mối quan hệ của Nhật Bản với các quốc gia Nhóm G7 khác, vốn đang có đường lối ngày càng cứng rắn hơn đối với Nga khi cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài. Các biện pháp trừng phạt cho đến nay phần lớn bỏ qua khí đốt của Nga, vốn vẫn được vận chuyển đến Nhật Bản và châu Âu.
Ông Kaushal Ramesh, Phó Chủ tịch nghiên cứu thị trường điện và LNG tại Rystad Energy, cho biết: “Điều này có thể có tác động đáng kể hơn so với các lệnh trừng phạt trước đây do nó nhắm trực tiếp vào công ty điều hành chứ không chỉ gián tiếp đến các dự án.”
Theo dữ liệu do BloombergNEF tổng hợp, một liên danh của Mitsui và công ty nhà nước Jogmec có 10% cổ phần tại Arctic LNG 2 và sẽ nhận được 2 triệu tấn mỗi năm từ cơ sở này, tương đương khoảng 3% tổng nguồn cung theo hợp đồng dài hạn của Nhật Bản.
Người phát ngôn của Mitsui cho biết công ty sẽ kiểm tra chặt chẽ tác động của các lệnh trừng phạt mới đối với Arctic LNG 2. Jogmec chưa đưa ra bình luận ngay lập tức. Các nhà đầu tư khác của dự án bao gồm TotalEnergies SE của Pháp, cũng như CNOOC Ltd. của Trung Quốc và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Vào tháng 9, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một đơn vị của Novatek điều hành các kho cảng LNG tương lai ở Nga phục vụ các nhà máy lớn như Arctic LNG 2. Đáp lại, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản cho biết họ sẽ làm việc với Mỹ và các quốc gia G7 khác để đảm bảo sẽ không mất nguồn cung cấp năng lượng ổn định.
Ông Ramesh cho biết có thể những công ty liên kết với phương Tây sẽ được miễn trừ các biện pháp trừng phạt, với lộ trình giảm dần, nếu họ bắt buộc phải nhận các lô hàng từ Artic LNG 2. Đó là những gì đã xảy ra sau khi G7 áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga, trong đó Nhật Bản được miễn trừ đối với dầu thô sản xuất từ dự án Sakhalin dành cho quốc gia châu Á này.
Đỗ Khánh