Nhiều chiêu “móc túi” người dùng từ... app công nghệ
Trong thời buổi kinh doanh khó khăn, trụ vững đã khó, nhiều doanh nghiệp đang phải “chia lời” cho hàng loạt app công nghệ…
Doanh nghiệp bỏ "cuộc chơi"
Từ sau dịch, nhu cầu đặt hàng online ngày càng tăng. Hàng loạt app công nghệ và các sàn thương mại điện tử nắm bắt được xu thế đã tung nhiều chiêu “hút” người dùng. Với mong muốn tăng doanh thu, nhiều nhà hàng đã chọn hình thức liên kết kinh doanh qua các app công nghệ. Song, các chủ nhà hàng cho biết, việc hợp tác này không “dễ ăn” chút nào khi phần lớn lợi nhuận đã phải “chi” cho app.
Chị Nguyễn Thuý Hà, chủ một chuỗi cửa hàng bánh mì Hải Phòng tại Hà Nội cho biết, dựa trên xu hướng khách hàng ngày càng gia tăng trong việc tiếp cận mua hàng qua kênh online, chị đã liên hệ với một số app giao đồ ăn như GrabFood, GoFood, ShoppeFood để đặt gian hàng với mong muốn qua các app sẽ đẩy doanh số ngày càng tăng.
Sau 2 năm hợp tác, lượng doanh thu đẩy về từ các app cũng có, song, lợi nhuận không đáng là bao khi tỉ lệ chiết khấu cho các app ngày càng tăng dần.
Theo chị Hà, nếu như những năm trước phần phí cho các app chỉ ở mức khoảng 15 - 20%, thì nay trung bình là 25 - 27,5%. Mức chiết khấu trên đơn hàng của các ứng dụng sẽ khác nhau tùy vị trí, quán ăn và thời gian hợp tác.
Chi phí cho các app công nghệ quá cao, khiến nhiều người dùng "không hài lòng" |
Đáng nói, chị Hà cho hay, ban đầu có nhiều khách đặt khi app tăng khuyến mãi, sau đó từng bước đưa chủ quán vào thế phải khuyến mãi mạnh hơn mới có khách. Ngoài ra, mình phải chi tiền quảng cáo, ưu đãi 20 - 30% mới xuất hiện nổi bật trên gian hàng online của app.
"Doanh số có thể tăng song chi tiền khuyến mãi quá nhiều, lợi nhuận giảm nên tôi đã phải gỡ bỏ gian hàng trên một số ứng dụng. Việc các app thu một khoản lớn, trong khi phần lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ nhỏ giọt thì chúng tôi không thể “trụ” được” – chị Hà nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Văn Thức, Giám đốc Nhà hàng lẩu nướng Hàn Quốc ở phố Nguyễn Chánh, Hà Nội cho biết, trong thời buổi kinh doanh khó khăn, với menu đồ ăn khá đa dạng, đặc biệt là chú trọng vào cơm trưa văn phòng, nên nhà hàng đã định hướng bán hàng qua kênh online để tăng doanh thu.
Tuy nhiên, theo anh Thức, sau khi liên hệ với app công nghệ GrabFood thì anh được tư vấn, phải chiết khấu 25% tổng đơn hàng và 1,2 triệu đồng phí đăng ký gian hàng. Tương tự, một số app khác cũng phải chiết khấu từ 15-25%.
“Với mức chi phí bỏ ra cao như vậy, chúng tôi thà giảm giá trực tiếp để kéo khách về vẫn hơn liên kết với app. Việc các app thu phí quá cao chẳng khác gì “móc túi” người dùng” – anh Thức cho hay.
Thay vào đó, anh Thức cho hay, giải pháp nhà hàng đưa ra thời điểm này là tập trung xây dựng bộ phận chăm sóc khách hàng, tăng hậu mãi, đầu tư fanpage, website, review trực tiếp từ trải nghiệm của các KOL, KOC…
Phí chồng phí
Đáng nói, ngoài việc lấy tiền chia sẻ doanh thu trên đơn hàng từ các quán ăn, dịch vụ giao hàng, các hãng công nghệ còn "thu" thêm nhiều loại phí khác từ người dùng.
Mở cửa hàng online bán thiết bị gia dụng trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, chị Hoàng Anh cho biết, hầu hết các sàn đều thu các loại phí như: phí sàn, phí tham gia chương trình vận chuyển, phí quảng cáo... chưa kể thuế giá trị gia tăng.
Riêng với các shipper, mức phí cho các app cũng không hề nhỏ. Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, một shipper cho biết: “Với mỗi đơn hàng, chúng tôi phải chiết khấu với app từ 20 - 25%. Ngày tôi chạy được từ 15-20 đơn, tuy nhiên tiền công chẳng đáng là bao, chưa kể còn chi phí đổ xăng, ăn uống”.
Người tiêu dùng đã dần thích ứng với việc mua hàng online |
Không chỉ “tận thu” từ các đơn vị sử dụng dịch vụ bán hàng online, hay của các shipper, với người dùng cũng phải “gánh” mức chi phí giao hàng tăng mạnh. Hay như giá cước xe công nghệ cũng tăng chóng mặt.
Theo anh Đăng Khoa, khách hàng chuyên sử dụng xe công nghệ cho biết, cùng một quãng đường di chuyển như trước đây giờ phí dịch vụ đã tăng gấp đôi. Không chỉ chi phí cho cùng một quãng đường đã tăng mà app còn áp đặt thêm một loạt phí như: phí nền tảng, phí quyền lợi chuyến đi, phụ phí ban đêm...
Mặc dù với mỗi đơn hàng, app công nghệ thu lời từ nhiều bên nhưng nhiều ứng dụng công nghệ vẫn kêu gặp lỗ. Theo các app, áp lực lớn cho thị trường giao thức ăn tới từ nhà đầu tư. Việc "chi" tiền chiếm thị trường, cạnh tranh với đối thủ khiến các ứng dụng giao hàng lâm vào thế khó.
Theo đó, nhiều app giao thức ăn cho hay, phải liên tục "góp" tiền đầu tư công nghệ và vận hành hệ thống nhưng thực tế sức mua giảm mạnh, doanh thu sụt giảm rất mạnh từ đầu năm nay nên nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn.
Các chuyên gia nhận định, hiện giá xăng dầu, vật giá tăng cao là áp lực cho cả app, tài xế và khách hàng. Tuy nhiên, dù vì lý do gì, các app cần san sẻ, cân đối lợi nhuận ở mức vừa phải để hỗ trợ tài xế và khách hàng, đảm bảo quyền lợi hài hoà giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo Báo Công Thương
Mặt trái của thương mại điện tử và những giải pháp ngăn chặn để phát triển một cách lành mạnh Bên cạnh những lợi ích to lớn, Thương mại điện tử tại Việt Nam cũng bộc lộ nhiều tồn tại cần khắc phục để phát triển lành mạnh, bền vững. |