Chuyện về một người thợ khoan dầu khí:
Kỳ 4: Hào khí người thợ khoan Việt Nam
(PetroTimes) - Trong một chuyến thăm thân tại Vũng Tàu, tôi may mắn có dịp gặp, được nghe ông Lê Quang Nhạc - nguyên Giám đốc Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro kể về cuộc đời của ông - một người thợ khoan dầu khí - một “sĩ phu xứ Thanh”, ngang tàng, trắc trở nhưng cũng thật dung dị.
Nói mãi chuyện kỹ thuật khoan khoáy cũng “ngán”, hai chú cháu lại chuyển sang chuyện trò về những cái “thú” khi còn công tác trong ngành.
Nhân lúc tôi hỏi về cái “sáng kiến triệu đô” của ông Nhạc thời còn làm ở Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng vào năm 2010-2011, ông bật cười bảo: “Đó không gọi là “sáng kiến cải tiến kỹ thuật” mà chỉ là áp dụng công nghệ mới vào sản xuất của xí nghiệp liên doanh. Nhóm tác giả cũng không ngờ là hiệu quả kinh tế lại cao đến thế. Phòng kinh tế - kế hoạch và Viện nghiên cứu khoa học và thiết kế (VNCKH&TK) của XNLD đã tính toán và kết luận rằng sáng kiến đã mang lại lợi ích khoảng 12 triệu USD/năm cho Vietsovpetro.
Người thợ khoan Lê Quang Nhạc vẫn giữ trong mình lòng yêu nghề và tình yêu với ngành Dầu khí. |
Ông Lê Quang Nhạc kể, đây là câu chuyện “dài” bởi ngay khi đọc được tài liệu về công nghệ chỉnh xiên tự động trong quá trình khoan, tôi liền đề xuất lên ban lãnh đạo liên doanh vào đầu năm 2008. Thời điểm ấy, lãnh đạo liên doanh chê đắt “không chơi”. Ấy vậy nhưng là người làm nghề, tôi đoán chắc nếu áp dụng công nghệ này sẽ làm lợi lớn và lâu dài cho liên doanh nên hễ cứ có cuộc họp nào liên quan đến khoan là tôi lại… đề xuất.
Đến năm 2010 tôi về làm giám đốc xí nghiệp khoan và sửa giếng, tôi cùng với anh Nguyễn Thành Trường, Trưởng phòng Khoan của Viện NCKH&TK (sau này là Phó Tổng giám đốc phụ trách Khoan của Liên doanh) và anh Bùi Văn Tính, Trưởng phòng Khoan xiên, tiếp tục đề xuất này với một lãnh đạo Liên doanh thì tiếp tục bị “gạt” đi.
Tôi liền cầm hồ sơ sang “nói chuyện” với anh Nguyễn Hữu Tuyến - khi đó đang là Tổng Giám đốc Vietsovpetro. Sau khi nghe tôi trình bày, anh Tuyến quyết định ký và áp dụng vào thực tế luôn.
Trước đó, tôi cũng đã đề xuất và đưa vào ứng dụng một loạt các thiết bị công nghệ khoan của liên doanh như động cơ đáy (năm 1997), đầu treo ống chống lửng (năm 1996), búa khoan chống kẹt trên bộ khoan cụ… Mỗi công nghệ, thiết bị mới đều phải liên tục đề xuất từ 2 đến 3 năm mới được chấp thuận.
Ông Lê Quang Nhạc trầm ngâm kết một câu rằng “trong cuộc đời làm thợ khoan của ông có nhiều cung bậc trầm bổng”. Đặc biệt là những năm tháng trước khi nghỉ hưu, ông được giao trọng trách làm Giám đốc Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng. Với sự từng trải và sáng tạo không ngừng cùng với sự ủng hộ của lãnh đạo XNLD, sự đoàn kết nhất trí của tập thể cán bộ, công nhân, ông Nhạc đã đưa Xí nghiệp Khoan từ một trong những xí nghiệp chỉ ở mức trung bình khá của liên doanh lên hàng đầu.
Cụ thể, từ mỗi năm trước đó xí nghiệp chỉ khoan được 50-70 nghìn mét khoan, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến kịp thời đã tăng lên tới 120-130 nghìn mét khoan/năm. Đặc biệt, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, từ số giếng khoan ban đầu được bàn giao khai thác chỉ đạt 5-7 giếng thì có năm xí nghiệp bàn giao tới 35 giếng.
Ông Nhạc trải lòng, tôi nhớ nhất về những năm tháng oanh liệt của thợ khoan Vietsovpetro là tuần nào họp giao ban Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tuyến cũng hỏi “Nhạc, tuần này có bàn giao được giếng nào không?”.
Được sự quan tâm, tin tưởng và hỗ trợ của lãnh đạo Liên doanh, chúng tôi ra sức thi đua, phấn đấu theo cái tinh thần giản dị là “ăn được - chơi được - nói được - làm được”.
Ông Nhạc thủng thẳng giải thích “Ăn - Chơi” không phải nghĩa của từ “ăn chơi” theo nghĩa trác táng đâu mà là ăn thật nhiều để có sức khỏe, chơi thật vui các môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông để đầu óc linh hoạt, trong sáng để từ đó có sức, có tâm mà làm việc cho tốt. Cái điều tôi tự hào nhất trong những năm tháng còn làm việc là lên đến trụ sở chính của Vietsovpetro gặp ai cũng nghe nói về Xí nghiệp Khoan, những người thợ khoan đi đâu cũng “mát mặt”.Chúng tôi đã nỗ lực liên tục bám biển, bám giàn để thêm một phần tự hào vì những đóng góp của mình vào liên doanh nói riêng, ngành Dầu khí Việt Nam nói chung.
Khai thác dầu trên mỏ Bạch Hổ. |
Thay lời kết: Cho đến lúc viết những dòng này, chúng tôi vẫn cảm thấy rất may mắn được ghi lại vài nét chấm phá về chuyện đời của người thợ khoan dầu khí Lê Quang Nhạc. Trong đó, cái chất ngang tàng của người con xứ Thanh từ lúc chọn nghề, theo nghề đến bền bỉ kiên trì, khéo léo để đưa bằng được các công nghệ, thiết bị tiên tiến về áp dụng vào sản xuất của ông đã đem lại lợi ích thực tế, lâu dài cho Xí nghiệp Khoan, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí Việt Nam nói chung.
Đến nay, từ một đội khoan được xây dựng năm 1983, Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng - Vietsovpetro có gần 1.000 cán bộ công nhân viên với trình độ, tay nghề cao đang quản lý và vận hành 5 giàn khoan tự nâng với các thiết bị hiện đại (Tam Đảo 01, Tam Đảo 02, Tam Đảo 03, Tam Đảo 05, Cửu Long), có căn cứ dịch vụ trên bờ với hệ thống nhà xưởng hiện đại và 5 đội khoan có khả năng đáp ứng được dịch vụ trọn gói hoặc riêng lẻ trong công tác thi công và sửa chữa giếng khoan.
Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng đã và đang hoạt động trên các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Vải Thiều, Cam, Sói, Rồng - Đồi Mồi, Gấu Trắng, Mèo Trắng, Thỏ Trắng, Đại Bàng và Thiên Ưng.
Xí nghiệp đã khoan trên 500 giếng, trong đó có một số giếng với độ sâu gần 5,500 mét; Đã khoan trên 2,4 triệu mét khoan; Sửa chữa lớn trên 800 lượt các giếng khai thác và bơm ép; Tiến hành hủy 36 giếng.
Ở Vũng Tàu xưa nay vẫn đồn đoán một chuyện khá lý thú. Đó là thế hệ kỹ sư, công nhân trẻ mới ra trường tìm đủ mọi cách để ra giàn làm việc vì một nhẽ rằng "lương - thưởng" cao. Ấy vậy nhưng cũng chỉ được vài năm thì những người trẻ ấy lại tìm mọi đường để xin... về bờ. Nguyên nhân cũng vì những chuyện rất đời thường như lo bị vô sinh, không chăm sóc con cái được đầy đủ, sợ bị vợ bỏ...
Người viết xin mượn một đoạn trong cuốn Lược sử ngành Dầu khí Việt Nam (1961-2020, tr120) để đánh giá về những người thợ khoan dầu khí trên biển như sau: “Bắt đầu từ con số 0, phải có cách đi riêng của mình. Bản thân sự hiện diện của Xí nghiệp Liên doanh cũng đã nói lên cách đi trong điều kiện hoàn cảnh đất nước có nhiều khó khăn. Điều đáng ghi nhận trong thời kỳ này là tinh thần làm việc quên mình vì sự nghiệp dầu khí của Tập thể lao động quốc tế Việt Nam - Liên Xô đã làm nên nhiều kỳ tích. Chỉ trong thời gian ngắn, cùng trang thiết bị và công nghệ không cao nhưng họ đã lập được chiến công rạng rỡ, mang dòng dầu về cho đất nước!
Cán bộ công nhân viên Vietsovpetro, cũng như những người làm công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí với tinh thần khiêm tốn, thực sự cầu thị đã vừa làm vừa học, tranh thủ tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia Liên Xô truyền thụ để trưởng thành lên”.
Có thể thấy rằng, những người thợ khoan dầu khí, những cán bộ kỹ sư đang làm việc trên giàn khoan là những người có tinh thần thép - ngày càng trân quý trên cuộc đời này.
Công tác khảo sát, tìm kiếm, thăm dò những năm qua đã giúp Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro hiểu biết đặc điểm cấu trúc địa chất cũng như đặc điểm kiến tạo, phân chia địa tầng, đặc trưng thạch học, trầm tích… của các mỏ Bạch Hổ, Đại Hùng, Rồng, từ đó giúp hiểu được đặc tính chứa dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam. |
Thành Công (lược ghi)
Kỳ 1: Hành trình từ một cậu học trò nông thôn đến thợ khoan | |
Kỳ 2: Những mũi khoan không thể quên | |
Kỳ 3: Nâng tầm nghề khoan dầu khí Việt Nam |