Tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản tiếp tục tăng mạnh
(PetroTimes) - Theo khảo sát báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng rất mạnh, trong khi cho vay cá nhân mua nhà tăng chậm. Bộ Xây dựng cũng cho biết, tính đến 31/8/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng, tăng khoảng 23,3% so với cuối năm 2022.
Tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế |
Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp |
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các khoản dư nợ tín dụng tăng trong tháng 8 là các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 266.248 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7; các dự án văn phòng đạt 40.622 tỷ đồng (tăng gần 700 tỷ đồng); dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 56.571 tỷ đồng (tăng 4.700 tỷ đồng); dự án nhà hàng, khách sạn đạt 64.211 tỷ đồng (tăng gần 900 tỷ đồng); xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 132.165 tỷ đồng (tăng 4.000 tỷ đồng); đầu tư kinh doanh bất động sản khác 310.099 tỷ đồng (tăng 600 tỷ đồng).
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Khảo sát báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng cho thấy, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản (cho vay doanh nghiệp, chủ đầu tư) tăng rất mạnh trong khi cho vay cá nhân tăng rất chậm, thậm chí giảm.
Cụ thể, tại VPBank, tín dụng kinh doanh bất động sản tính tới cuối tháng 9/2023 tăng 45% lên 98.192 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,83% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Trong khi đó, cho vay cá nhân mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất mua nhà ở chỉ tăng 6,6%, tỷ trọng giảm so với trước.
Còn tại Techcombank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính tới cuối tháng 9/2023 tăng 47,2%, chiếm tỷ trọng 34,63% tổng dư nợ tín dụng (tăng so với tỷ trọng 26,4% cùng kỳ năm ngoái). Dư nợ cho vay cá nhân giảm tới 9,2%. Đồng thời, tỷ trọng cho vay cá nhân tại thời điểm 30/9/2023 cũng chỉ còn hơn 42%, giảm mạnh từ mức 53% cùng kỳ năm ngoái.
Tại MSB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản cũng tăng 20%, trong khi cho vay cá nhân chỉ tăng 5,8%.
Trước đó, vào tháng 7, Ngân hàng Nhà nước công bố tổng dư nợ cho vay bất động sản đạt khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, chỉ tăng gần 5% so với đầu năm, do nhu cầu vay mua nhà đất giảm mạnh. Số dư nợ này chiếm tỷ trọng 21% so với tín dụng toàn nền kinh tế. Đây là mức tăng trưởng rất cao, gấp hơn 4 lần tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (4,54%), đồng thời vượt tốc độ tăng cả năm ngoái (10,7%, tương đương 100.000 tỷ đồng).
Tính đến cuối tháng 7, dư nợ cho vay mua nhà đất giảm 1,36% so với đầu năm trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm. Năm ngoái, dư nợ cho vay mua nhà đất, căn hộ... tăng tới 31%.
Trong khi cầu tiêu dùng bất động sản sụt giảm, nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường cho chủ đầu tư kinh doanh địa ốc. Cụ thể, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 7 tháng đầu năm tăng trưởng 18,95%, tương đương với hơn 150.000 tỷ đồng vốn ngân hàng chảy thêm vào phân khúc kinh doanh bất động sản, chiếm gần 30% lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế.
Riêng với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sau nửa năm triển khai mới giải ngân được 83 tỷ đồng trong tổng số 1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn, tức chưa đến 0,07%.
Theo Ngân hàng Nhà nước tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).
Để kiểm soát rủi ro trong tín dụng bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung; bất động sản không có nhu cầu thực; kinh doanh bất động sản có tính chất đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản…
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn; có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng...
Huy Tùng (t/h)