Trung Quốc vào cuộc điều tra đường ống dẫn khí bị hỏng ở Phần Lan
(PetroTimes) - Hôm 26/10, Thủ tướng Phần Lan, ông Petteri Orpo tuyên bố: "Bắc Kinh đang hợp tác với Phần Lan trong cuộc điều tra đường ống dẫn khí giữa Phần Lan và Estonia bị hỏng gần đây do sự can thiệp từ bên ngoài" và một tàu Trung Quốc là trọng tâm của cuộc điều tra.
Một tàu hải quân Phần Lan điều tra gần địa điểm có đường ống dẫn khí đốt nối Phần Lan và Estonia |
Các cơ quan chức năng Phần Lan xác định rò rỉ trong đường ống Balticconnector dẫn đến việc đóng cửa vào ngày 8/10 là do một lực cơ học bên ngoài, gây ra nỗi lo sợ về khả năng tấn công phá hoại.
Tuần trước cảnh sát Phần Lan cho biết đang điều tra một tàu container treo cờ Hồng Kông tên NewNew Polar Bear thuộc sở hữu của Trung Quốc đang có mặt ngay thời điểm xảy ra sự cố.
"Chúng tôi đang hợp tác với Trung Quốc để xác định vai trò của con tàu Trung Quốc này trong khu vực sự cố", Thủ tướng Orpo nói khi đến tham dự một cuộc họp thượng đỉnh châu Âu tại Bruxelles.
Ông khẳng định: "Trung Quốc hứa hợp tác tốt với cuộc điều tra của Phần Lan".
Cảnh sát Phần Lan cho biết họ đã tìm thấy “một vật thể nặng” gần hiện trường, họ sẽ cố gắng trục vớt vật thể này để xem liệu nó có liên quan đến va chạm đã làm hỏng đường ống hay không.
Theo nhà điều hành đường ống, công việc sửa chữa sẽ mất ít nhất năm tháng, buộc Phần Lan phải lấy nguồn cung cấp qua cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi ở Inkoo (miền nam).
Thụy Điển cũng thông báo hôm 23/10 rằng một tuyến cáp dữ liệu dưới biển kết nối nước này với Estonia đã bị hỏng do lực lượng từ bên ngoài hoặc có thao túng, có thể xảy ra cùng lúc với sự cố đường ống dẫn khí Phần Lan-Estonia.
Những vụ việc này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng cao giữa các quốc gia Baltic, Scandinavia và láng giềng Nga.
NATO thông báo đang tăng cường tuần tra trên Biển Baltic. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO sẽ có "phản ứng kiên quyết" nếu phát hiện hành vi cố ý phá hoại đường ống biển Baltic.
Phần Lan gia nhập NATO vào năm nay, và Thụy Điển đang trong quá trình gia nhập.
Hơn một năm trước đó, vào tháng 9 năm 2022, các vụ rò rỉ khí lớn do vụ nổ dưới đáy biển đã xảy ra trên đường ống Nord Stream 1 và 2 - chuyên chở hầu hết khí của Nga đến châu Âu. Danh tính của những kẻ tấn công vẫn chưa được xác định.
Nh.Thạch