Dịch vụ logistics - Những thách thức lớn
(PetroTimes) - Logistics là ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều thách thức mà ngành logistics Việt Nam phải đối mặt.
Dịch vụ logistics là mắt xích không thể thiếu để hoàn thành giao dịch các đơn hàng |
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng cao trong những năm qua.
Năm 2022, TMĐT là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, tăng tới 20% so với năm 2021; doanh thu bán lẻ (B2C) đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Dự kiến năm 2023 doanh thu bán lẻ TMĐT ước đạt 20,5 tỉ USD.
Sự phát triển của TMĐT đã thúc đẩy chuyển đổi hành vi tiêu dùng từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm qua các kênh TMĐT. Sự gia tăng giao dịch TMĐT khiến nhu cầu vận chuyển và giao hàng tăng cao, là thách thức lớn đối với lĩnh vực logistics trong TMĐT.
Theo các chuyên gia, logistics trong TMĐT được hiểu là các quy trình liên quan đến việc lưu trữ và vận chuyển hàng hóa, bao gồm từ quản lý hàng tồn kho, đóng gói, vận chuyển, giao hàng, dịch vụ sau bán hàng như đổi trả, thu hồi, xử lý hàng.
Trong TMĐT, người tiêu dùng có thể mua sắm không giới hạn khu vực địa lý, có thể đặt mua hàng hóa bất kỳ tại quốc gia khác hay vùng miền khác qua website, thông tin đơn hàng sẽ được truyền đi và chấp nhận với tốc độ gần như tức thời. Vì thế, việc vận chuyển hàng hóa không thể đến tay người dùng ngay, mà cần vượt qua khoảng cách địa lý nhất định, được thực hiện bởi hệ thống logistics - mắt xích không thể thiếu để hoàn thành giao dịch. Logistics giúp cho quá trình lưu thông hàng hóa được thông suốt, chuẩn xác, nhanh chóng, an toàn.
Logistics trong TMĐT hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của doanh nghiệp với mục tiêu giao đúng sản phẩm, đúng số lượng, đúng địa điểm, đúng thời gian, tới đúng khách hàng, mục đích cuối cùng là tạo lợi thế cạnh tranh, tạo uy tín của doanh nghiệp với người mua hàng.
Cảng nước sâu Gemalink nằm tại ví trị thuận lợi nhất trong Cảng Cái Mép - Thị Vải |
Theo đánh giá mới nhất của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility, năm 2022, Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam từ 14-16%, quy mô đạt 40-42 tỉ USD/năm.
Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước, cùng khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu cung cấp các dịch vụ, từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa ngành logistics nhờ địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển là những khó khăn mà lĩnh vực logistics đang đối mặt.
Đầu tiên là hạn chế về cơ sở hạ tầng. Khi thị trường TMĐT rộng lớn, vị trí người mua ở xa, số lượng các đơn hàng nhiều và nhỏ, yêu cầu giao hàng nhanh, việc vận chuyển, giao hàng trở nên vô cùng phức tạp. Bởi vậy, TMĐT rất cần các doanh nghiệp logistics mới để tối ưu hóa việc vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng, kéo theo chi phí logistics tăng cao hơn, nếu tính vào giá hàng hóa sẽ không thấp hơn nhiều so với mua hàng theo phương thức truyền thống.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ là sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, khiến doanh nghiệp phải đầu tư lớn để hoàn thiện hệ thống, cung cấp thêm dịch vụ gia tăng giá trị, đáp ứng đòi hỏi được giao hàng nhanh hơn, an toàn hơn, tiết kiệm hơn và dịch vụ tốt hơn của khách hàng. Tốc độ vận chuyển hàng hóa và chất lượng sản phẩm hàng hóa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với cả người mua và người bán.
Ngoài ra, những giải pháp logistics trong TMĐT ở trong nước còn nhiều hạn chế về công nghệ và bảo mật thông tin, bảo mật thanh toán. Giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hồi, xử lý hàng (reverse e-logistics) cũng chưa được tổ chức, xây dựng và kiểm soát tốt, tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp logistics khi chưa đáp ứng được chất lượng dịch vụ thu hồi, đổi trả hàng hóa.
Để tận dụng tiềm năng to lớn từ lĩnh vực logistics, các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư mở rộng và hiện đại hóa kho bãi, quy hoạch mạng lưới, nhằm giải quyết các phương án và hình thức giao nhận, tối ưu hóa việc giao hàng theo tuyến, từ đó giảm thiểu chi phí giao nhận cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số để đồng bộ hóa các chuỗi logistics. Đây là hướng đi có tính ứng dụng cao trong thời gian tới.
Một vấn đề đáng quan tâm: Dù được đánh giá là ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển lớn, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, nhưng nhân lực logistics mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), 50% số doanh nghiệp logistics có nhu cầu cần tuyển dụng thêm 15-20% nhân viên và đến năm 2030, Việt Nam cần đến hơn 200.000 nhân lực logistics. Đó là chưa kể đến nhu cầu nhân lực logistics tại doanh nghiệp sản xuất và thương mại. Trong khi đó, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5-7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này.
Thực tế cho thấy, quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của doanh nghiệp hiện nay. Có đến 85,7% doanh nghiệp Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. Đặc biệt, một số doanh nghiệp logistics quy mô lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng riêng để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển.
Để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng cần sự tham gia và cam kết tích cực của Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp logistics và các trường dạy nghề. Chính phủ cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics...
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), đến năm 2030, Việt Nam cần đến hơn 200.000 nhân lực logistics. Trong khi đó, số lao động được đào tạo bài bản về logistics chỉ chiếm khoảng 5-7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này. |
Anh Tuấn