Đề xuất để người lao động tự đóng BHXH: Cần đánh giá kỹ lưỡng
“Đề xuất để người lao động trực tiếp đóng bảo hiểm xã hội sẽ khó thực hiện, bởi khó có giải pháp khả thi nào để tách bạch được các khoản đóng của người lao động và người sử dụng lao động…”.
Đây là nhận định của ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước đề xuất để người lao động tự đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) của mình dựa trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thay vì để doanh nghiệp đóng như hiện nay, nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Đề xuất để người lao động tự đóng tiền BHXH của mình dựa trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thay vì để doanh nghiệp đóng như hiện nay. Ảnh minh họa |
Người lao động tự chuyển 8% tiền đóng BHXH
Theo đó, trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM mới đây, Giám đốc BHXH TP HCM Lò Quân Hiệp cho biết, hiện nay có tình trạng doanh nghiệp chậm đóng BHXH, trong đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng một số có hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu bình thường nhưng vẫn chậm, trốn đóng BHXH.
Trong khi đó, hàng tháng, người lao động đều trích phần trăm tiền lương của mình ra để đóng BHXH (thông qua doanh nghiệp) nhưng nhiều doanh nghiệp lại chưa đóng số tiền đó cho cơ quan bảo hiểm. Còn phần còn lại do doanh nghiệp đóng đã trích vào chi phí và đã có dòng tiền thanh toán tiền hàng nhưng doanh nghiệp vẫn chậm đóng.
Vì thế, với bối cảnh công nghệ ngày càng được sử dụng rộng rãi, ông Hiệp cho rằng nên tiến tới hình thức đóng để người lao động tự chuyển 8% tiền đóng BHXH của mình về cho cơ quan bảo hiểm, giống như hình thức thanh toán tiền điện, nước, điện thoại trực tuyến hiện nay.
"Với phương thức này thì doanh nghiệp có muốn nợ cũng không nợ được", ông Hiệp nói và cho biết thêm, đối với phần tiền BHXH mà doanh nghiệp đóng thì cần có quy định cụ thể khi có văn bản hướng dẫn luật.
Khó khả thi
Trước đề xuất này, một số đại biểu đánh giá đó là kiến nghị hay, cần được xem xét. Tuy nhiên, dưới góc nhìn chuyên gia, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, rất khó thực hiện.
Theo ông Quảng, đây là vấn đề phát sinh từ thực tiễn và công đoàn cũng ghi nhận kiến nghị của người lao động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo ông Quảng, đề xuất này sẽ khó thực hiện, bởi khó có giải pháp khả thi nào để tách bạch được các khoản đóng của người lao động và người sử dụng lao động.
Ông Quảng cho biết, Luật BHXH năm 2014 quy định, đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương ở khu vực doanh nghiệp, thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động. Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Tuy nhiên, qua tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 để phục vụ quá trình sửa đổi Luật, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ghi nhận có trình trạng trong doanh nghiệp luôn tồn tại 3 loại thu nhập của người lao động là: Loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và loại trả cho người lao động.
Thu nhập làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất, chỉ bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% với lao động qua đào tạo nghề và thêm 5-7% với người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
“Đáng chú ý, có doanh nghiệp chẻ thu nhập, tách phụ cấp sang các phúc lợi khác để không phải tính đóng BHXH cho người lao động. Trong khi đó, quy định hiện hành khó tách bạch các khoản phụ cấp tính đóng BHXH với doanh nghiệp trả theo lương tối thiểu vùng, bởi mỗi nơi xây dựng thang bảng lương, phụ cấp, mức tiền khác nhau”, ông Quảng phân tích.
Đề xuất cần đánh giá kỹ lưỡng, chi tiết, ở nhiều khía cạnh để đảm bảo tính phù hợp, khả thi trong thực tiễn. Ảnh minh họa |
Chia sẻ dưới góc nhìn quản lý, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết, pháp luật về BHXH hiện hành quy định người lao động đóng BHXH theo đơn vị sử dụng lao động.
Theo đó, hàng tháng người sử dụng lao động sẽ trích nộp BHXH từ tiền lương phần trách nhiệm đóng của người lao động (8%) và phần trách nhiệm đóng của chủ sử dụng lao động đóng (14%) để đóng BHXH cho người lao động. Quy định này đã được thực hiện ổn định từ nhiều năm nay.
Vì vậy, ông Cường cho rằng, đề xuất để người lao động tự đóng phần BHXH của mình sẽ là vấn đề cần tính toán kỹ. Bởi hiện có những đơn vị doanh nghiệp có đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người lao động, họ phải trích một lần tiền đóng BHXH bắt buộc cùng với kỳ trả lương hàng tháng để nộp cho cơ quan BHXH.
Nếu quản lý theo đối tượng doanh nghiệp thì Cơ quan BHXH sẽ quản lý trên 600 nghìn đơn vị sử dụng lao động có đóng bảo hiểm.
Theo ông Cường, hiện với hơn 16 triệu lao động đang tham gia BHXH bắt buộc, nếu để số này trực tiếp đóng phần BHXH của mình thì cơ quan BHXH sẽ phải quản lý từng này đầu mối. Hàng tháng phải có các biện pháp đốc thúc việc đóng của nhóm này sẽ phát sinh nhiều bất cập.
“Đề xuất cần đánh giá kỹ lưỡng, chi tiết, ở nhiều khía cạnh để đảm bảo tính phù hợp, khả thi trong thực tiễn, bởi nếu làm không khéo sẽ không đảm bảo quy định hiện hành”, ông Nguyễn Duy Cường nói.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp