Hộ đồng bào thoát nghèo với heo đen bản địa
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), các xã vùng cao ở huyện An Lão (Bình Định) triển khai mô hình nuôi heo đen bản địa, bước đầu tạo sinh kế cho bà con đồng bào nơi đây.
Động lực thoát nghèo ở Tây Nguyên |
Hỗ trợ gần 10.000 tấn gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số chăm sóc, bảo vệ rừng |
Khởi công khu tái định cư cho đồng bào bị sạt lở Trà Leng |
Phòng Dân tộc huyện An Lão (Bình Định) cho biết, từ đầu năm đến nay, các dự án, tiểu dự án đã cho thấy sự hiệu quả từ Chương trình MTQG mang lại.
Thụ hưởng chính sách, hộ Đinh Thị Hiu (33 tuổi) là một trong 16 hộ dân ở xã An Trung được hỗ trợ vốn để nuôi mô hình heo đen bản địa. Chị Hiu phấn khởi khi 3 con heo đen giống phát triển tốt sau hơn 4 tháng nuôi.
Heo đen bản địa dễ nuôi do có thể chịu được môi trường sống kham khổ (Ảnh: Doãn Công). |
Chị Hiu cho biết, trước khi được hỗ trợ heo giống, bà con được cán bộ tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc. Chị quây lưới B40 để chăn nuôi thả ở vườn, cho ăn rau chuối, hy vọng khi 2 con heo cái đến thời kỳ phối giống sẽ sinh sản ra nhiều heo con để nhân giống thêm.
Hộ bà Phạm Thị Quyên (48 tuổi, thôn 8, xã An Trung) cũng được hỗ trợ 3 con giống trị giá 3 triệu đồng. "Nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ vốn thì gia đình tôi không có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế để mong thoát được nghèo", bà Quyên bày tỏ.
Bà Phạm Thị Quyên phấn khởi khi được Nhà nước hỗ trợ 3 con heo đen giống (Ảnh: Doãn Công). |
Heo đen có thể thả vườn cho ăn rau, bắp (ngô) sống nhưng bà Quyên nấu cám để cho heo phát triển tốt hơn (Ảnh: Doãn Công). |
Theo ông Đinh Văn Duy, Chủ tịch Hội nông dân xã An Trung, khi có nguồn vốn, địa phương đều phân bổ, chia theo hội, đoàn thể như: nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, mặt trận để việc giám sát nguồn vốn hiệu quả đến từng hộ gia đình.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Trung Đinh Văn Dũng đánh giá Chương trình MTQG là động lực rất lớn góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Bà con được hỗ trợ nguồn vốn mua con, cây giống, đầu tư thêm máy móc, nông cụ nên công việc đỡ vất vả hơn, lại hiệu quả hơn.
Nhiều hộ đồng bào mạnh dạn vay vốn thêm để nuôi thêm heo lai F1 sinh sản (Ảnh: Doãn Công). |
"Mô hình nuôi heo đen bản địa ở xã An Trung được triển khai hiệu quả nhất huyện. Bà con rất mừng vì được hỗ trợ giống, đàn heo phát triển tốt, nhiều hộ heo cái đã phối giống sắp sinh sản nên bà con càng có động lực", ông Dũng cho hay.
Ông Dũng cho biết thêm, sắp tới, địa phương cấp bò giống cho người dân, cùng với đó, xã quy hoạch vùng trồng dừa xiêm, chuối sứ bản địa với diện tích khoảng 50ha.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Lão, một trong những mục tiêu quan trọng trong triển khai Chương trình MTQG là đưa huyện An Lão thoát nghèo vào năm 2025.
Đến nay, địa phương đã thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo như: hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tham gia phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; hỗ trợ bảo hiểm y tế; nhà ở; miễn giảm học phí, tặng học bổng...
Nhiều hộ dân ở đồng bào Hre ở An Lão đã có nhà cửa khang trang (Ảnh: Doãn Công). |
"Đảng bộ và các cấp chính quyền cùng nhân dân các dân tộc trong huyện An Lão luôn đoàn kết, gắn bó, giúp nhau phát triển kinh tế. Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, An Lão đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống của người dân An Lão, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự đổi thay", ông Lâm cho hay.
Theo Dân trí