"Cha mẹ giàu thì con có" nhưng "con có" thì cha mẹ... vẫn không
(Petrotimes) - Có câu: “Cha mẹ giàu thì con có…”. Thế nhưng nếu “con có...” tôi tin rằng thì: “cha mẹ vẫn không”, đặc biệt là trong xã hội hiện nay, khi mà đạo hiếu và sự “kính trên nhường dưới” dường như chỉ còn là lý thuyết, đồng tiền thống trị mọi giá trị... Bởi có quá nhiều người già lâm vào nghịch cảnh: con cái ở nhà lầu, xe hơi nhưng mẹ già vẫn phải lăn lộn ngoài đường kiếm từng đồng bạc lẻ.
Con giàu có mẹ vẫn nghèo khó
Câu chuyện đó thật đúng với cuộc đời của bà Dương Tuyết Minh, một phụ nữ gốc Hà Nội tưởng như chỉ sống ở “lầu son gác tía”, ăn ngon mặc đẹp. Thế mà cuộc đời bà quay như chong chóng để kiếm sống từ trẻ cho đến lúc đầu bạc răng long. Thời còn sung sức, trẻ trung, làm việc ở một trường mầm non nhưng để đủ tiền nuôi hai con trai ăn học, tối đến bà bê một mẹt thuốc lá ra ngồi bán ở đầu đường gần nhà, kể cả ngày mưa gió. Rồi nuôi cả gà công nghiệp. Vì hồi đó, nếu không chịu khó, chăm chỉ thì làm sao cả nhà bà gồm 4 nhân khẩu sống nổi trong thời bao cấp. Chồng bà làm công nhân cơ khí, đồng lương ít ỏi không thể nuôi được vợ con. Làm thêm thì ông cũng không biết làm gì. Cứ vất vả như vậy cho đến khi hai con trai tốt nghiệp đại học thì bà thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng từ đây mình sẽ đỡ cực nhọc, lăn lộn kiếm sống.
Ảnh minh họa
Nhưng nghĩ là một việc, thực tế xảy ra lại là một việc khác, nhất là khi các con bà tìm được công việc ổn định tại các cơ quan lớn. Ông mất đi để lại bà một mình với các con. Khi kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường, công việc của hai con trai bà tốt hơn hẳn, gia đình khấm khá. Nhưng chỉ là gia đình riêng của họ thôi. Còn bà vẫn nghèo kiết xác như thuở nào vì ngoài đồng lương hưu, bà không có thêm thu nhập nào khác. Các con bà cũng không chu cấp cho bà mặc dù giàu có, ở nhà cao cửa rộng, xe hơi đón đưa… Ngay cả ngôi nhà của bà, anh lớn xây mới thành 4 tầng, nhưng lại xếp bà nằm trong xó bếp. Chưa kể, bà còn bị buộc ăn riêng. Anh con lớn giải thích: “Người già ăn một kiểu, người trẻ ăn một kiểu nên tốt nhất là mẹ… tự túc”.
Tuổi già vui vì con cháu thế mà anh con lớn của bà nói vậy, bà nghe mà đau xé lòng… Khi bà bị tiểu đường, tiền thuốc men và những đồ ăn kiêng đắt đỏ, vì không muốn ngửa tay xin tiền các con, nên bà lại lọ mọ ra đầu đường, nơi bà đã từng “dầm mưa dãi nắng” bán thuốc lá lấy tiền nuôi con để tiếp tục hành trình kiếm tiền mưu sinh và chữa bệnh. Có lúc chán quá, thấy mình như người không nơi nương tựa, bà đã than: “Tôi thật vô phúc khi có con giàu có mà vẫn phải nai lưng kiếm tiền”.
Lao động đến lúc… “nhắm mắt xuôi tay”
Không chỉ ở thành phố mà ở đâu trên dải đất hình chữ S này, người già vẫn phải lam lũ lao động kiếm sống, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, xa. Vì hầu hết số người cao tuổi ở nông thôn chỉ trông vào nông nghiệp để sinh sống. Mà làm nông nghiệp đủ ăn là may chứ khó có thể giàu được. Đã vậy, có tới 70% người cao tuổi sống ở nông thôn nên đến lúc “nhắm mắt xuôi tay”, nhiều người già ở nông thôn vẫn phải lao động quần quật. Như bà Nguyễn Thị Canh ở Đông Anh, Hà Nội, đã “thất thập cổ lai hy”, vậy mà ngày nào cũng thức khuya dậy sớm, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để cấy cày một năm hai vụ, lấy gạo ăn cả năm.
Bên cạnh đó, còn vỡ đất trồng ngô, sắn cùng các loại rau xanh để vừa chăn nuôi vừa bán lấy tiền. Bà bảo, tiền đó chẳng được bao nhiêu nhưng nếu không làm thì cả đời bà chẳng biết thế nào là tiền mặt. Hơn nữa, mỗi lần ốm đau, nhất là những lúc trái nắng trở giời, các khớp xương của bà đau hơn cắt thì “phải có tiền mới mua thuốc uống được chứ”. Có người hỏi: “Vậy bà đẻ đến 3 thằng con trai để làm gì?”, thì bà trả lời: “Bây giờ cái chuyện đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào, rõ hơn cả ban ngày. Chúng nó không tự giác biếu mình thì mình không thể xin chúng nó. Có phải mặt mo đâu. Hơn nữa, chả có câu: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể. Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày” đó sao. Rồi chúng nó còn phải nuôi vợ con chúng nó nữa chứ, dư rả gì mà cho mình”.
Nói vậy, nhưng lòng bà Canh se sắt vì có lần đầu gối bà đau không đi được, chỉ mỗi thằng út nháo nhào chạy qua, hỏi dăm câu ba điều rồi đi. Còn thằng cả ở cùng nhà với bà đấy mà miệng câm như hến, không hỏi câu nào. Con dâu cũng vậy, cứ coi bà như người dưng. Bà tự lo cuộc sống, tự chăm sóc cho mình như thể bà là người không gia đình vậy. Có lúc, bà cảm thấy như người thừa trong gia đình. Nhiều khi bà muốn theo những người đồng lứa đi lễ để khuây khỏa. Nhưng cái “ruột tượng” (nơi cất tiền của người già) chẳng cho phép bà đi. Bà cũng chẳng được trợ cấp đồng nào từ chính quyền, dù là người cao tuổi. Bà héo hon lắm vì tất cả những chuyện này. Bà bảo: “Có khi tôi đi theo ông ấy về nơi suối vàng lại sướng hơn”.
60% người cao tuổi khó khăn…
Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mặc dù dân số Việt Nam đang già hóa rất nhanh nhưng các chính sách ưu đãi, chế độ an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe hiện tại đối với người cao tuổi thực sự chưa được tốt. Đặc biệt, trong hoàn cảnh có tới 70% người cao tuổi ở Việt Nam không có tích lũy về kinh tế để an hưởng tuổi già, 60% sống trong hoàn cảnh khó khăn, tỷ lệ thọ nhưng không khỏe. Đại đa số người cao tuổi có số ngày ốm trung bình là 2,4 ngày/tháng/người… Trong khi đó, số cụ có cuộc sống khá giả chỉ chiếm 1%.
Bà Lê Tuyết Nhung, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho biết: “Mức độ bao phủ của các chính sách trợ giúp xã hội chưa bao quát được hết các nhóm người cao tuổi gặp khó khăn, những người cao tuổi sống dưới mức chuẩn nghèo. Trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng xã hội sống tại cộng đồng cũng chỉ bằng 21% so với tiền lương tối thiểu; so với chuẩn nghèo nông thôn mới cũng chỉ bằng 45%. Nhiều người cao tuổi hưởng trợ cấp lại là những người sống trong các gia đình nghèo, khó có thể đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu”.
Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, để cải thiện, nâng cao đời sống đối với người cao tuổi, chế độ đối với người hưu trí cần phải thay đổi bằng cách tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình và nhóm đối tượng; phải bình đẳng hơn trong việc tính lương hưu giữa nam và nữ, giữa các khu vực. Cần đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm và mở rộng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, nhất là người cao tuổi sinh sống ở nông thôn, phụ nữ cao tuổi, độc thân.
Tuy nhiên, những giải pháp trên bao giờ thành hiện thực để đời sống tinh thần và vật chất của người cao tuổi được nâng cao, cải thiện so với hiện nay vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ?
Để sống vui, sống khỏe: Người cao tuổi phải lạc quan, yêu đời, đón nhận tuổi già như một quy luật tất yếu của con người. Nên sống với hiện tại, vượt qua quá khứ, không luyến tiếc quá khứ. (Theo GS.TS Lê Thi, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) |
Xuân Bách