Chuyện về một người thợ khoan dầu khí:
Kỳ 1: Hành trình từ một cậu học trò nông thôn đến thợ khoan
(PetroTimes) - Trong một chuyến thăm thân tại Vũng Tàu, tôi may mắn có dịp gặp, được nghe ông Lê Quang Nhạc - nguyên Giám đốc Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro kể về cuộc đời của ông - một người thợ khoan dầu khí, một “sĩ phu xứ Thanh” ngang tàng, trắc trở nhưng cũng thật dung dị.
“Tôi là một trong nhóm học sinh được lựa chọn cử đi học khoan - khai thác dầu khí tại Bacu đầu tiên. Xuất thân là nông dân nên hồi ấy chẳng biết “khoan khoáy” là cái gì. Ấy thế nhưng câu chuyện của tôi đến với nghề cũng khá ly kỳ”.
Mở đầu câu chuyện về cuộc đời làm thợ khoan dầu khí, ông Lê Quang Nhạc đã hóm hỉnh gợi lên sự tò mò của người đối diện như thế. Đôi mắt tinh anh, lấp lóe sáng và nụ cười tươi tắn thường trực trên môi của ông có sức hút kỳ lạ.
Ông Lê Quang Nhạc khi còn công tác tại Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. |
Chiêu một ngụm trà, ông Nhạc như chìm vào quá khứ: Hôm ấy, tôi đến lớp thì thầy giáo bảo: “Nhạc, thầy để quên giáo án ở nhà. Con về nói cô tìm rồi mang lên trường cho thầy”.
Thời đó, từ nhà thầy đến trường ngót nghét chục cây số, tôi vừa đi vừa về mất hơn tiếng đồng hồ cuốc bộ. Mà lúc đến nhà thầy, tôi và cô tìm mãi mà không thấy tập giáo án đâu cả nên lại hớt hải chạy vội về trường thì thấy thầy đã chờ sẵn cười nói: "Thầy có quên giáo án đâu". Rồi vuốt đầu tôi bảo, có một đoàn chiêu sinh vào quân đội học sĩ quan vừa đến trường tuyển sinh nhưng thầy không muốn tôi đi nên bày ra thế.
Sau thầy thông báo: "Mai lại có đoàn tuyển sinh đi học nước ngoài (lựa chọn nhóm học sinh đầu tiên sang học Dầu khí tại Bacu). Thầy đăng ký cho con rồi".
Về việc chọn ngành Khoan dầu khí, ông Lê Quang Nhạc hóm hỉnh bảo: “Hồi đó lớp tôi có 16 "thằng". Lúc nhìn cái choòng khoan, cái nào cái nấy to kềnh, nặng mấy tạ, anh em bảo nhau chia làm hai đội, mấy thằng to khỏe học khoan, đám yếu hơn thì học khai thác”. Kể đến đây, ông Nhạc bật cười nói: "Sau này mấy đứa “yếu” toàn làm lãnh đạo của ngành, có đứa còn đảm nhiệm tới “Tư lệnh” của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam".
Sau mấy năm nỗ lực học tập, đến năm 1977 tôi khăn gói trở về nước và ngay lập tức được phân công về Công ty Dầu khí 2 tại Vũng Tàu với tâm tưởng “chỉ làm vài ba năm, xong nhiệm vụ lại được ra Bắc. Đây là suy nghĩ của rất nhiều cán bộ, kỹ sư người Bắc nhưng rồi công việc cứ cuốn đi, chúng tôi cắm rễ tại Vũng Tàu lúc nào chẳng hay".
Ngay năm 1979, theo chủ trương của Chính phủ, ngành Dầu khí nước ta bắt đầu ký kết các hợp đồng thăm dò dầu khí với các quốc gia tư bản. Tôi được cử làm giám sát cùng các đoàn khảo sát tìm kiếm thăm dò trên Biển Đông. Thực tế thì đây là giai đoạn tôi “học” trên thực địa cùng các chuyên gia quốc tế để tìm kiếm dầu.
Điều tôi ấn tượng nhất trong những năm đầu làm dầu khí không phải là các mũi khoan thăm dò, đọc bản đồ địa chấn hay gì đâu mà là lần nào “ra biển” cũng phải “trình diện” phòng bảo vệ chính trị làm đủ các thủ tục. Đến khi về lại đất liền lại phải làm báo cáo chi tiết toàn bộ chuyến đi. Thời đó là thế, công tác thăm dò dầu khí được cho là liên quan trực tiếp đến an ninh, chính trị của đất nước. Bởi vậy được “quan tâm” lắm.
Đến năm 1981, khi liên doanh Vietsovpetro chính thức được thành lập sau cuộc họp liên chính phủ hai nước Việt Nam - Liên Xô. Tôi được giao làm hậu cần kiêm phiên dịch bất đắc dĩ cho cuộc họp đầu tiên này. Sau đó, vì giỏi tiếng Nga và có chuyên môn nên tôi được cùng đoàn công tác hai nước đi khảo sát, đặt định vị dọc bờ biển cho cả miền Trung và miền Nam”.
Giàn khoan đầu tiên của Vietsovpetro - MSP1 mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Vương Thái chụp ngày 20/3/2015 |
Năm 1982, ông Nhạc lại được cử sang thực tập lại tại Bacu để sau đó về làm giếng thăm dò dầu khí đầu tiên (BH-5) vào năm 1983 tại mỏ Bạch Hổ cùng ông Nguyễn Duy Quế bên Xí nghiệp Địa vật lý trên tàu Mikhain Mirchin.
Ông Nhạc bảo: "Đây không phải lần đầu tiên tôi tham gia khoan thăm dò nhưng theo tôi đây là "mũi khoan chiến lược" đầu tiên của đất nước về dầu khí. Chính vì vậy, anh em đều rất háo hức trong lúc thử vỉa. Đến giờ, tôi còn nhớ như in chuyện ông Đặng Của lúc đó là Vụ trưởng Vụ Khoan và Khai thác vào tận giàn bảo: Đi về để tao… làm". Nói xong ông Nhạc bật cười khoái trá.
Người viết bài này thấy lạ, mới cắc cớ hỏi lại. Thì ông Nhạc buông một câu gọn lỏn: “Về đọc thêm sách về lịch sử dầu khí”. Sau đó, về tra cứu thì thấy giai đoạn này trong cuốn Lược sử ngành Dầu khí Việt Nam (1961-2020) có ghi lại như sau: “Trong suốt quá trình hoạt động, Vietsovpetro đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng như không thế vượt qua. Sự việc đầu tiên phải nhắc tới là ngày 25/12/1983, tàu khoan Mikhain Mirchin khoan giếng BH-5 (gần vị trí BH-1X). Giếng khoan dự kiến sẽ khoan hết lát cắt trầm tích Đệ Tam với chiều sâu thiết kế 3.500m dựa theo cấu trúc giếng của BH-10. Hy vọng của các nước đặt vào kết quả của giếng khoan này.
Kỹ sư Đặng Của - Vụ trưởng Vụ Khoan và Khai thác đã đại diện Tổng cục Dầu khí trực tiếp giám sát. Vào những ngày cuối tháng 4/1983, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ra thăm giàn khoan…”.
Nhưng sau khi khoan qua “tầng sản phẩm 23” ở chiều sâu khoảng 2.730m (hiện nay gọi là tầng dầu mỏ Bạch Hổ) đến khoảng chiều sâu 3.001m thì có lo ngại không chống được ống và có thể gặp sự cố địa chất do tầng sét trương nở ở khoảng 2.600m, tương tự như khi Tập đoàn Mobil khoan giếng BH-1X, điều này có thể gây sự cố cho giếng, nên hai phía chấp nhận dừng ở chiều sâu 3.001m, không khoan đến chiều sâu thiết kế để bảo đảm an toàn cho giếng và tầng sản phẩm đã gặp ở giếng BH-1X.
Đến ngày 24/5/1984, sau khi thử vỉa, phát hiện dầu trong trầm tích Miocen (tầng 23), cả nước vui mừng vì lần đầu tiên Việt Nam tìm thấy dầu và chắc chắn sẽ tiến hành khai thác trong tương lai gần. Lễ đốt đuốc mừng dòng dầu công nghiệp đầu tiên được tổ chức long trọng.
Thành Công (lược ghi)
Xem tiếp kỳ sau ...
Những người thợ khoan dầu khí vững bước tiên phong |
Chuyện ít người biết trên giàn khoan |
Công tác An sinh: Nét đẹp văn hóa của người thợ khoan dầu khí |