9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng ước tăng 6,17% so với cùng kỳ
(PetroTimes) - Trong 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng ước tăng 6,17% so với cùng kỳ. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 42,6%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc ước đạt khoảng 25,6 m2 sàn/người, tăng 0,1m2 sàn/người so với năm 2022.
Thông tin vừa được Bộ Xây dựng công bố tại buổi Họp báo thường kỳ quý III/2023 ngày 19/10. Theo Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Đậu Minh Thanh tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị hiện nay đạt 100%. Tại các thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch phân khu đạt khoảng 78%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị; còn các địa phương khác, quy hoạch phân khu đạt khoảng 73%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 24% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 98,9%…
Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Đậu Minh Thanh phát biểu tại buổi họp báo. |
Cụ thể, trên thị trường sơ cấp tại Hà Nội, mức giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới trong quý tăng gần 7% theo quý, 14% theo năm và đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2. Việc giá bán có sự điều chỉnh theo xu hướng tăng là do lượng nguồn cung mới thuộc phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng áp đảo (trên 90%). Cùng với đó, một số chủ đầu tư có sự điều chỉnh tăng giá và mở bán thêm quỹ hàng ở các tầng cao hơn.
Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình vẫn duy trì đà tăng từ quý trước, đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% theo quý và 0,8% theo năm. Tất cả các quận trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận giá bán thứ cấp tăng so với quý 2; trong đó, Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm và Gia Lâm tăng trên 3%.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, số lượng căn hộ mở bán mới đa phần đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Khoảng 60% nguồn cung mới trong 9 tháng đầu năm 2023 đến từ một dự án khu đô thị ở phía Đông. Khoảng 96% nguồn cung mới của quý 3 đến từ phân khúc cao cấp và 4% nguồn cung mới còn lại thuộc phân khúc hạng sang, từ giai đoạn tiếp theo của một dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Giá bán sơ cấp của thị trường căn hộ TP.HCM trong quý 3/2023 đạt hơn 60 triệu đồng/m2.
Cũng tại TP Hồ Chí Minh, trên thị trường thứ cấp, giá trung bình đạt 45 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý trước. Trong khi giá thứ cấp ở phân khúc hạng sang và bình dân gần như giữ nguyên so với quý 2. Mức tăng theo quý chủ yếu là do tăng giá thứ cấp ở phân khúc cao cấp và trung cấp, đặc biệt là đối với các dự án kề cận trung tâm như quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức.
Với nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án, nhu cầu tìm kiếm, sự quan tâm của các nhà đầu tư tới các sản phẩm cũng tăng so với quý 2. Tuy nhiên, tình hình giao dịch nhìn chung chưa có nhiều cải thiện. Tín hiệu lạc quan là đà giảm giá của phân khúc biệt thự liền kề, nhà ở riêng lẻ và đất nền dự án ở nhiều địa phương đã có sự chững lại. Tại các Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giá giao dịch tại khu vực trung tâm cơ bản ổn định hoặc chỉ giảm nhẹ trong khi các quận/huyện ven đô và khu vực ngoại thành có mức độ giảm nhiều hơn.
Cụ thể, tại Hà Nội, các khu vực vành đai 4 đi qua huyện Hoài Đức (gần Cụm công nghiệp Dương Liễu, cầu vượt Song Phương) giá khoảng gần 100 triệu/m2; khu vực gần dự án Vinhomes Wonder Park huyện Đan Phượng, giá khoảng 140 triệu đồng/m2; Khu vực đầu cầu Nhật Tân phía Đông Anh, giá khoảng hơn 200 triệu đồng/m2 với những lô đẹp mặt đường lớn.Tại Tp. Hồ Chí Minh, giá đất nền tại Thủ Thiêm Villa (quận 2) có giá khoảng 126,2 triệu đồng/m2, The EverRich III (quận 7) có giá khoảng 115,5 triệu đồng/m2, Hoàng Anh Minh Tuấn (quận 9) có giá khoảng 91,5 triệu đồng/m2…
Thông tin về kết quả tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ: tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 130 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 183 dự án bất động sản. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 123 văn bản. Trong đó, có 112 văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; có 11 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chủ trì họp báo. |
Liên quan đến loại hình nhà ở riêng lẻ, nhiều căn hộ, nhiều tầng, thường gọi chung cư mini, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, loại hình nhà ở này có đóng góp về chỗ ở, nhất là cho người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc tại chung cư mini, nhất là vụ cháy chung cư ở Khương Hạ (Hà Nội).
Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đã có nhiều chỉ đạo các địa phương rà soát, chấn chỉnh, khắc phục loại hình này. Bộ cũng đã phối hợp tổng kết, đánh giá và sửa đổi các quy định trong Luật Nhà ở; xây dựng quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.
Theo đó, dự thảo đặt ra quy định cụ thể và rõ ràng hơn, bảo đảm các yêu cầu, nhất là về chỗ ở, an toàn cháy nổ cho cư dân. Hộ gia đình, cá nhân phát triển nhà ở để bán phải lập dự án, tuân thủ quy định về quy hoạch, phòng cháy, chữa cháy và các quy định khác liên quan; tiến hành giao dịch theo quy định pháp luật về kinh doanh BĐS; được cấp giấy chứng nhận và công khai về đất đai… Về chung cư mini cho thuê, các hộ gia đình, cá nhân cần phải tuân thủ quy định về nhà ở, xây dựng, quy hoạch, phòng chống cháy nổ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng nhận định trong thời gian tới, nhiều chính sách có hiệu lực, đi vào thực tiễn sẽ tác động tích cực, thúc đẩy niềm tin và hoạt động của các doanh nghiệp, giúp thị trường bất động sản khởi sắc hơn.
Trong 3 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện thể chế pháp luật, khẩn trương thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đề án năm 2023 đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ yêu cầu; tập trung triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó có Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất và đẩy mạnh phát triển NƠXH, nhà ở công nhân khu công nghiệp trên địa bàn,cải tạo nhà chung cư cũ.
Bộ sẽ khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững như hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển NƠXH, nguồn vốn, thông tin truyền thông hỗ trợ thị trường.
Về đầu tư công, Bộ sẽ nghiêm túc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư thuộc Bộ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, tập trung, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp theo đề án được duyệt, đảm bảo đúng quy định…
Theo số liệu báo cáo của 52/63 địa phương, lượng tồn kho bất động sản trong quý 3/2023 vào khoảng 16.940 căn. Trong đó, tồn kho chung cư là 3.196 căn; nhà ở riêng lẻ 6.554 căn; đất nền 7.190 nền. Như vậy, tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án. |
Minh Châu