Bản tin Năng lượng xanh: Nhờ IRA, Công ty năng lượng mặt trời Suniva tái khởi động nhà máy
(PetroTimes) - Chủ tịch công ty Suniva, nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Mỹ, cho biết sẽ khởi động lại nhà máy sản xuất pin ở Georgia vào năm tới nhờ các ưu đãi trong Đạo luật Giảm phát (IRA) có tính bước ngoặt của Tổng thống Joe Biden.
Nhờ các ưu đãi trong IRA, công ty năng lượng mặt trời Suniva tái khởi động nhà máy không hoạt động trước đó
Công ty Suniva là công ty gần đây nhất cam kết nâng cao năng lực sản xuất năng lượng mặt trời mới của Mỹ kể từ khi Đạo luật Giảm phát được thông qua vào năm ngoái, nhằm trợ cấp cho việc sản xuất thiết bị năng lượng sạch trong nước.
Tuần trước, Matt Card, Chủ tịch Suniva, phát biểu với Reuters rằng việc sản xuất pin năng lượng mặt trời có thể thành công trên thị trường Mỹ. “Chúng tôi đang chứng minh điều đó và chúng tôi sẽ quay trở lại một cách nhanh chóng, rất, rất nhanh”.
Tin tức này là một dấu mốc được mong đợi từ lâu đối với một nhà sản xuất mà sáu năm trước đã phải nộp đơn xin phá sản và tìm kiếm các biện pháp thương mại như một phương cách xử lý cho tình trạng không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, chủ yếu từ Trung Quốc.
Công ty cho biết Suniva sẽ bắt đầu sản xuất pin mặt trời, khối nền của các tấm pin mặt trời, tại cơ sở ở Norcross, Georgia vào mùa xuân năm sau. Công ty sẽ có công suất sản xuất ban đầu là 1 gigawatt mỗi năm, đủ cung cấp điện cho khoảng 173.000 ngôi nhà và có kế hoạch mở rộng sản xuất.
Chủ tịch Matt Card cho biết Suniva đang "đàm phán nâng cao" với một số khách hàng tiềm năng và dự kiến sẽ ký hợp đồng phần lớn nguồn cung trước khi nhà máy mở cửa vào năm tới.
Công ty đã nhận được cam kết tài trợ trị giá 110 triệu USD từ Quỹ đầu tư Orion Architectural Capital (OIC) ở New York vào đầu năm nay để mở rộng hoạt động. OIC cũng đã cam kết vốn trong năm nay cho nhà sản xuất năng lượng mặt trời Heliene của Canada để xây dựng một nhà máy sản xuất tấm pin và tấm pin mới của Mỹ ở Minnesota.
Suniva đã thuộc sở hữu của công ty đầu tư Lion Point Capital ở New York sau khi thoát khỏi tình trạng phá sản vào năm 2019.
Chính quyền Trump đã áp đặt một số mức thuế đối với hàng nhập khẩu vào năm 2018 để đáp lại kiến nghị của Suniva. Chế độ thuế quan đã được gia hạn, tuy được Biden nới lỏng phần nào vào năm ngoái. Chủ tịch Card của Suniva cho biết chế độ thuế quan đã hỗ trợ hoạt động sản xuất tấm panel của Mỹ trong 5 năm qua, nhưng chính các khoản trợ cấp có trong Đạo luật Giảm phát đã cho phép Suniva tái sản xuất pin mặt trời.
Các dự án sử dụng tấm pin chứa các thành phần sản xuất trong nước Mỹ có thể đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế IRA trị giá 10% chi phí sử dụng thiết bị do Mỹ sản xuất. Hiện tại không có nguồn cung cấp pin mặt trời do Mỹ sản xuất và các nhà sản xuất như Suniva cho rằng việc yêu cầu pin phải được sản xuất tại Mỹ là chìa khóa để sản xuất loại hàng hóa mà ngày nay hầu như chỉ được sản xuất tại Trung Quốc.
John Podesta, Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về chính sách năng lượng sạch, cho biết thông tin này cho thấy sức mạnh của Đạo luật Giảm phát trong việc mở ra một chương mới cho ngành năng lượng mặt trời của Mỹ, cho rằng chính sách kinh tế Bidenomics đang đưa các nhà máy năng lượng mặt trời hoạt động trở lại.
Enel của Ý và Hanwha của Hàn Quốc cũng đã công bố kế hoạch thiết lập cơ sở sản xuất pin mặt trời ở Mỹ trong những tháng gần đây.
Berge Bulk ra mắt tàu được hỗ trợ bằng năng lượng gió để cắt giảm khí thải
Công ty Berge Bulk có trụ sở tại Singapore vừa hạ thủy một con tàu được trang bị cánh buồm bằng thép và composite để cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải carbon dioxide, nhằm chuyển đổi nhiều tàu hơn có thể di chuyển trên các tuyến đường có điều kiện gió thuận lợi.
Hôm thứ Ba (17/10), Berge Bulk cho biết rằng tàu chở hàng Berge Olympus, được trang bị bốn cánh buồm có tên WindWings, được công ty khai thác mỏ khổng lồ Vale thuê và sẽ di chuyển giữa Brazil và Trung Quốc. Với chiều cao lên tới 37,5 mét và chiều rộng 20 mét, những cánh buồm được BAR Technologies có trụ sở tại Anh và Yara Marine Technologies của Na Uy phát triển và chế tạo.
Các cánh buồm sẽ tiết kiệm tới 20% nhiên liệu hoặc 6 tấn mỗi ngày trên lộ trình trung bình trên toàn thế giới và cắt giảm lượng khí thải carbon khoảng 19,5 tấn mỗi ngày. Tàu cũng được trang bị thêm hệ thống máy phát điện trục, có thể được dẫn động bằng động cơ chính để cung cấp năng lượng điện cho tàu, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.
Berge Bulk đang thực hiện một cách tiếp cận đa hướng để trở thành trung hòa carbon vào năm 2025, trong khi ngành hàng hải đang tìm cách đẩy nhanh quá trình khử cacbon.
Nhân sự kiện ra mắt con tàu vào ngày 12/10/2023, James Marshall, Giám đốc điều hành của Berge Bulks cho biết điều cần thiết là họ có thể làm cho các tàu hiện tại của mình tiết kiệm nhiên liệu hơn ở giai đoạn đầu. Mục đích của công ty là tung ra tất cả các loại thiết bị tiết kiệm năng lượng này trên toàn đội tàu. Marshall cho biết: “Về cơ bản không có đủ nhiên liệu (thay thế) để cung cấp cho các tàu hiện có, chưa nói đến phần còn lại của thế giới”.
Ngành hàng hải chiếm gần 3% lượng khí thải CO2 toàn cầu và đang chịu áp lực pháp lý nhằm giảm cường độ carbon ít nhất 40% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050.
Công ty kinh doanh hàng hóa của Mỹ Cargill cũng đang thử nghiệm động cơ đẩy được hỗ trợ bởi gió và gần đây đã triển khai chuyến hành trình với một tàu chở hàng rời cho thuê được trang bị WindWings.
Bang Nuevo Leon của Mexico cho biết công ty Trina Solar của Trung Quốc sẽ đầu tư tới 1 tỷ USD vào bang này
Trong một tuyên bố hôm thứ Hai (16/10), Chính quyền bang Nuevo Leon cho biết nhà sản xuất tấm pin mặt trời Trung Quốc Trina Solar sẽ đầu tư từ 700 triệu đến 1 tỷ USD vào bang Nuevo Leon, nằm ở phía bắc Mexico.
Tuyên bố trên cho biết thêm, Thống đốc Nuevo Leon Samuel Garcia đang trong chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc và gặp gỡ các Giám đốc điều hành của Trina vào thứ Hai mà không nêu rõ chi tiết về việc Trina dự định thực hiện các khoản đầu tư như thế nào hoặc khung thời gian cho các khoản đầu tư. Trina đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về thông báo của bang Nuevo Leon./.
Thanh Bình