Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng về đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Trước đó, dự thảo Quyết định này đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ.
Trong đề xuất gửi Thủ tưởng Chính phủ, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá tối thiểu 6 tháng xuống 3 tháng là phù hợp
Giá điện cần được tính toán minh bạch và phù hợp với nhu cầu của người dân. |
Theo Bộ Công Thương, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24/2017 và áp dụng theo quy tắc thời gian giữa 2 lần điều chỉnh là 6 tháng. Việc tăng giá điện sẽ được thực hiện nếu cơ quan quản lý rà soát, kiểm tra và xác định các chi phí đầu vào khiến giá thành điện tăng từ 3% trở lên.
Tại dự thảo mới, Bộ Công Thương đề xuất thời gian điều chỉnh giá điện sẽ được giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần. Như vậy, mỗi quý sẽ có một đợt thay đổi giá nếu chi phí đầu vào của giá điện liên tục tăng và một năm giá sẽ được cập nhật tối đa 4 lần theo chi phí phát điện.
Bộ Công Thương cho rằng dù đã có quy định về việc tăng giá điện nhưng việc thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ. Từ năm 2017 đến nay, giá điện mới được điều chỉnh 3 lần với mức tăng 6,08% vào năm 2017, 8,36% vào năm, 2019 và được giữ nguyên trong suốt 4 năm. Lần gần nhất vào đầu tháng 5/2023, giá điện tăng thêm 3%.
Thực tế điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua luôn thấp hơn so với phương án đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kết quả rà soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi các chi phí phát sinh chưa được tính hoặc chưa được tính đủ vào giá điện.
Bộ Công Thương nêu rõ đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá tối thiểu 6 tháng xuống 3 tháng là phù hợp. Việc này đảm bảo chi phí không bị dồn tích nhiều, gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN, và dần đưa giá điện thích ứng với biến động các thông số đầu vào theo thị trường.
Về một số ý kiến chuyên gia liên quan đến việc điều chỉnh giá điện, đặc biệt là đề xuất cần đảm bảo tính công khai minh bạch, tránh lạm quyền và cần thành lập Hội đồng năng lượng độc lập ngoài EVN, Bộ Công Thương cho rằng việc thực hiện điều chỉnh giá điện các năm qua đã ngày càng minh bạch hơn khi có sự tham gia của các bộ, cơ quan có liên quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Do đó, việc thành lập Hội đồng năng lượng độc lập là không cần thiết.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 7/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết để tránh gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân, trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã nghiên cứu đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá bán điện xuống còn 3 tháng/lần khi sửa đổi Quyết định 24.
"Sự điều chỉnh này phù hợp với quy định hiện nay bởi theo Quyết định 24 đã quy định EVN phải cáo cáo, tính toán giá điện cập nhật hàng quý. Đề xuất mới hoàn toàn phù hợp với quy định này" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh điện là mặt hàng "nhạy cảm", tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nên việc điều chỉnh giá với mức độ, thời điểm nào cần phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo việc điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị và kinh tế - xã hội.
P.V
Giá bán điện than tối đa chỉ 1.559,7 đồng/kWh |
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái "chốt" thời hạn trình phương án điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế |
Yêu cầu trình phương án điều chỉnh giá điện trước ngày 25/10 |