Chuẩn bị cổ phần hóa Agribank và tìm kiếm nhà đầu tư cơ cấu lại SCB
(PetroTimes) - Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang tìm kiếm nhà đầu tư để tham gia vào quá trình cơ cấu lại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và chuẩn bị cho việc cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).
Phê duyệt đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của SCB |
Ngân hàng Nhà nước đưa SCB vào diện “kiểm soát đặc biệt” |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo Quốc hội việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Đến cuối tháng 6/2023, tổng số vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) là 180,4 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản đạt 7.586,5 nghìn tỷ đồng, huy động vốn từ thị trường nội địa đạt 6.230,6 nghìn tỷ đồng và dư nợ cho vay từ thị trường nội địa đạt 5.570,6 nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại nhà nước đã tích cực tham gia vào việc hỗ trợ và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đồng thời đã cung cấp hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Ảnh minh họa///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Đối với việc cổ phần hóa Agribank, để chuẩn bị cho việc thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Agribank, Ngân hàng Nhà nước đang hợp tác với Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc ban hành quyết định cổ phần hóa và việc thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Agribank.
Đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt/tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và Ngân hàng Nhà nước đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.
Đối với SCB, Ngân hàng Nhà nước đã đưa vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư để tham gia vào việc cơ cấu lại SCB.
Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang tập trung vào việc củng cố tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đến cuối tháng 7/2023, các ngân hàng này đã đạt được những kết quả tích cực với vốn điều lệ tổng cộng là 496,3 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản đạt 8.381,7 nghìn tỷ đồng, huy động vốn từ thị trường nội địa đạt 5.952,8 nghìn tỷ đồng và dư nợ cho vay từ thị trường nội địa đạt 5.539 nghìn tỷ đồng.
Đối với TCTD phi ngân hàng yếu kém: Ngân hàng Nhà nước đã trình phương án cơ cấu lại Công ty tài chính Handico.
Đối với Công ty tài chính Công nghiệp Tàu thủy (VFC) và Công ty cho thuê tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFL), Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 989/NHNN-TTGSNH ngày 15/11/2022 đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng Công ty công nghiệp Tàu thủy (SBIC) khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại VFL, VFC. Trường hợp VFL, VFC không được phê duyệt phương án tái cơ cấu khả thi, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo SBIC thực hiện phá sản VFL, VFC theo thẩm quyền.
Huy Tùng